Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều người gặp những cơn đau ngực, bao gồm cả các cơn đau thắt ngực thoáng qua. Tình trạng này thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng đang có dấu hiệu trẻ hóa.
1. Đau ngực mãn tính là gì?
Đau thắt ngực là một hoặc nhiều cơn đau tức ngực, đây là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế tùy theo nguyên nhân mà xác định nguy hiểm hoặc không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Những người đã hoặc đang gặp phải vấn đề về tim mạch thường sẽ có nguy cơ bị đau ngực mãn tính cao hơn. Ngoài ra, nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi cũng được ghi nhận là có nhiều nguy cơ mắc chứng đau thắt tim hơn những thanh thiếu niên.
2. Nguyên nhân đau thắt ngực
Các cơn đau ngực mãn tính có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
2.1. Nguyên nhân liên quan đến tim
- Chứng đau tim: Xảy ra khi có tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch cung cấp máu cho cơ tim. Bệnh có thể gây ra các cơn đau thắt ngực đáng kể. Khó thở. Triệu chứng thường thấy là: chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh, mạch đập nhanh hoặc không đều, cảm giác nghẹt thở, tim đau nhói. Tê rần ở cánh tay hoặc bàn tay. Cảm giác mơ hồ rằng có gì đó không ổn.
- Chứng đau thắt ngực (Angina): Không giống như một cơn đau tim, đau thắt ngực không gây tổn thương vĩnh viễn cho mô tim. Có 2 loại đau thắt ngực chính: Ổn định và không ổn định. Triệu chứng thường thấy là: chóng mặt, cảm giác áp lực trong lồng ngực hoặc giống như trái tim đang bị ép, đau ở nơi khác trên cơ thể.
- Viêm cơ tim: Bệnh xảy ra do nhiễm virus, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây viêm, hoại tử tế bào cơ tim. Triệu chứng thường thấy là: Đau ngực nhẹ, áp lực vùng ngực, cảm thấy tim đập nhanh, khó thở.
- Viêm màng ngoài tim: Là tình trạng viêm của túi nước mỏng bao quanh tim. Bệnh có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Triệu chứng thường thấy là: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau cơ, các cơn đau thắt bắt đầu ở trung tâm hoặc bên trái của ngực.
- Bóc tách động mạch chủ: gây ra bởi phình động mạch chủ. Vết rách bên trong các lớp của thành động mạch chủ khiến máu rỉ ra. Triệu chứng thường thấy là: cơn đau đột ngột, dữ dội và liên tục ở ngực, khó thở, thấy đau ở cánh tay, cổ hoặc hàm.
2.2. Nguyên nhân liên quan đến phổi
- Thuyên tắc phổi: Xảy ra khi cục máu đông bị kẹt trong động mạch phổi và ngăn chặn lưu lượng máu đến mô phổi. Triệu chứng thường thấy là: thở khó nhọc và mệt nhọc hơn khi vận động, khi ho có thể bao gồm máu trộn lẫn với chất nhầy.
- Viêm màng phổi: Khi hít vào hoặc ho cảm thấy các cơn đau thắt mạnh lan khắp phần trên cơ thể, cảm thấy khó thở.
- Tràn khí màng phổi: Xảy ra khi có một lượng không khí bất thường trong khoang màng phổi giữa phổi và thành ngực, gây thiếu oxy trầm trọng, huyết áp thấp và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Dấu hiệu thường thấy là: khó thở, đau ngực dữ dội khi thở hoặc ho, da người bệnh thường nhợt nhạt.
- Phù phổi: Phù phổi gây giảm sự trao đổi khí và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh này có khả năng gây tử vong cao. Dấu hiệu thường thấy là: khó thở, ra mồ hôi nhiều, bồn chồn, ho ra máu, làn da nhợt nhạt.
3. Cách xử lý khi bị đau thắt ngực
Rất nhiều người chủ quan khi bị đau thắt ngực vì cho rằng đây chỉ là biểu hiện bình thường. Thế nhưng thực tế, đau tức vùng ngực có thể là dấu hiệu báo trước một cơn đau tim sắp xảy ra hoặc sự xuất hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác.
Do đó người bệnh cần đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu:
- Sốt hoặc ho tạo ra đờm màu vàng xanh.
- Đau ngực dữ dội và không biến mất.
- Khó khăn khi nuốt.
- Đau ngực kéo dài hơn 3 đến 5 ngày.
Và nhanh chóng chuẩn bị tình huống cấp cứu nếu:
- Đột ngột có cảm giác lòng ngực bị siết chặt, thắt chặt dữ dội, khó thở.
- Cơn đau lan tỏa đến hàm, cánh tay trái hoặc giữa xương bả vai của bạn.
- Có cảm giác buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh hoặc khó thở.
- Đã từng được chẩn đoán mắc bệnh lý nghiêm trọng như đau tim hoặc thuyên tắc phổi.
4. Cách phòng ngừa chứng đau thắt ngực
Việc điều trị và phòng ngừa đau ngực mãn tính là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tuân thủ tối đa. Hiện nay dù trên thị trường có rất nhiều thuốc để điều trị cũng như dự phòng căn bệnh này, nhưng chúng ta vẫn cần 1 chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt luyện tập khoa học để phòng ngừa một cách tối đa:
- Người mắc bệnh tim mạch nên ăn nhạt, chế độ ăn ít cholesterol, đặc biệt là cholesterol bão hòa thường có nhiều trong mỡ động vật. Thay vào đó nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật, các loại hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa
- Sử dụng thường xuyên các thuốc điều trị bệnh tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp,... nếu có mắc những bệnh này.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thuốc lá.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, đặc biệt là đi bộ rất có ích cho người bệnh
- Cố gắng chọn lựa một công việc phù hợp với thể lực của mình. Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để tránh tim làm việc quá sức.
- Khoa học chứng minh các cơn nóng giận gây hại cho tim, do đó người bệnh nên hạn chế những cảm xúc quá mạnh đột ngột.
Hiện nay y học hiện đại chưa có biện pháp để chữa khỏi hoàn toàn bệnh đau thắt ngực trong một thời gian ngắn, người bệnh nên chuẩn bị tâm lý phải theo đuổi một quá trình điều trị rất dài. Trong khi các thuốc tim mạch đều có tác dụng phụ và tác dụng phụ này có thể tích lũy theo năm tháng nên xu hướng mới hiện nay là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên không có tác dụng phụ.
Khi thấy các dấu hiệu của đau thắt ngực, đặc biệt là đau thắt ngực không ổn định, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này, từ đó có biện pháp can thiệp hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.