Đau thắt ngực - dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh mạch vành

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Trong số các bệnh lý về tim mạch thì bệnh mạch vành tim là căn nguyên gây tử vong và đang có xu hướng trẻ hóa. Vậy bệnh mạch vành tim là gì và làm thế nào để nhận biết và phát hiện sớm bệnh?

1. Bệnh mạch vành tim là gì?

Nhịp đập của tim được tạo ra nhờ hoạt động của cơ tim. Cơ tim cũng giống như các cơ quan khác trong cơ thể, cũng cần được cung cấp máu giàu oxy để hoạt động. Hệ thống động động mạch đảm nhiệm chức năng vận chuyển máu cho cơ tim.

Bệnh mạch vành tim (hay động mạch vành) xuất hiện khi xảy ra tình trạng động mạch vành bị hẹp hay bị tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau (thường là do mảng xơ vữa động mạch). Hậu quả là hệ thống động mạch vành không thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho cơ tim. Thường khi tình trạng hẹp mạch vành từ 50% đường kính lòng mạch thì sẽ nhận thấy triệu chứng của bệnh.

2. Nhận biết bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim. Bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực có cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim. Dấu hiệu đau thắt ngực có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn chừng 10-30 giây hoặc vài phút. Trường hợp cơn đau kéo dài trên 15 phút thì nhiều khả năng bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực có 2 loại: Đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đối với đau thắt ngực ổn định, nguyên nhân là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành. Dấu hiệu của cơn đau xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh vận động gắng sức nhưng ổn định lại khi nghỉ ngơi.

Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng nguy hiểm hơn và nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Để phân biệt đau thắt ngực ổn định và không ổn định, ta dựa vào hoàn cảnh xảy ra cơn đau thắt ngực: khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức. Nếu bệnh nhân vận động gắng sức tới một mức độ nhất định nào đó mới xảy ra đau thắt ngực, thì tình trạng này mang tính chất ổn định. Mặt khác, nếu cơn đau xuất hiện ngay cả khi đang nghỉ ngơi, thì điều này nói lên tính không ổn định và có nguy cơ sẽ chuyển thành nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.


Đau thắt ngực không ổn định nếu không được xử trí kịp thời dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim
Đau thắt ngực không ổn định nếu không được xử trí kịp thời dễ chuyển thành nhồi máu cơ tim

Để xác định dấu hiệu đau thắt ngực, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số thăm dò cần thiết để xem liệu đây có phải là bệnh mạch vành hay không. Những thăm dò được lựa chọn bao gồm: Nghiệm pháp gắng sức, Holter điện tim, siêu âm Doppler tim, siêu âm tim gắng sức; chụp động mạch vành cắt lớp,...

3. Phải làm gì khi bị đau thắt ngực?

Trước hết, bệnh nhân cần phải ngừng ngay lập tức mọi hoạt động gắng sức và nghỉ ngơi ngay lập tức. Kế đến, sử dụng thuốc nitroglycerin dạng ngậm hoặc xịt dưới lưỡi để kịp thời khống chế sự cấp tính của bệnh. Sau đó, nhờ đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đây là các động tác vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa quyết định giúp cứu sống bệnh nhân. Đôi khi chỉ cần chậm trễ một chút hoặc bệnh nhân cố gắng sức thêm chút nữa cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Để chữa trị bệnh mạch vành tim, đầu tiên bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị nội khoa, tức là điều trị bằng thuốc, nhằm mục tiêu điều trị triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Bệnh nhân cần phải phối hợp với điều trị không dùng thuốc để loại bỏ các yếu tố nguy cơ tim mạch, bao gồm:

  • Cai thuốc lá, không rượu bia, chất kích thích
  • Tuân thủ điều trị các bệnh lý liên quan (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì,...)
  • Tập thể dục đều đặn vừa sức
  • Chế độ ăn uống hợp lý, nhiều rau xanh và trái cây, tránh dầu mỡ động vật.

Nếu tiên lượng xấu, bác sĩ phải tiến hành điều trị can thiệp hoặc phẫu thuật:

  • Nong mạch vành: Là thủ thuật sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, giúp cho máu lưu thông trở lại bình thường qua đoạn mạch vành bị hẹp mà không phải phẫu thuật.
  • Phẫu thuật bắc cầu nối: Dùng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch, làm cầu nối từ nguồn cấp máu bắc qua đoạn hẹp mạch vành nối với đoạn động mạch vành không bị hẹp; như vậy máu sẽ tiếp tục được vận chuyển đến cơ tim thông qua một cầu nối mới.

Nong mạch vành giúp máu lưu thông bình thường trở lại
Nong mạch vành giúp máu lưu thông bình thường trở lại

Người bệnh mạch vành tim thường không biết mình mắc bệnh vì những dấu hiệu và tiến triển bệnh thường chậm và âm thầm trong hàng chục năm. Đến khi phát hiện thì những cơn đau thắt ngực đã đến hồi nguy kịch hoặc xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Tuy nhiên giờ đây, bệnh nhân có thể nhận biết sớm nguy cơ mắc bệnh mạch vành tim khi thực hiện Gói khám mạch vành tại bệnh viện Vinmec. Với đội ngũ y bác sĩ, dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, Gói khám mạch vành đã giúp tầm soát phát hiện sớm rất nhiều trường hợp bệnh mạch vành.

Thông tin chi tiết mời quý khách hàng liên hệ đến hotline các bệnh viện hoặc đăng ký tư vấn trực tuyến với Vinmec TẠI ĐÂY.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe