Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi bị sưng đau ở khớp ngón chân cái bên phải, 1 tuần sau tôi đến bệnh viện xét nghiệm nồng độ acid uric. Bác sĩ kết luận tôi mắc bệnh gút (gia đình tôi có bác họ cũng mắc bệnh gút). Tôi uống thuốc theo đơn của bác sĩ trong 1 tuần và kiêng cữ rất nhiều thực phẩm theo lời bác sĩ dặn. Bác sĩ bảo không cần tái khám, cứ kiêng cữ thì bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện cơn đau ngày một nhiều, chỗ sưng cũng to hơn. Ngoài ra, xuất hiện thêm triệu chứng đau mỏi bàn chân và cơ bắp chân của cả 2 chân mặc dù không vận động quá sức. Tôi lo lắng nên 17 ngày sau, kể từ ngày đi khám lần 1, tôi đến bệnh viện kiểm tra lại. Kết quả chụp X-quang không phát hiện bất thường, nồng độ acid uric cũng giảm đến phạm vi an toàn (238 umol/L). Bác sĩ cho tôi hỏi, đau mỏi chân là dấu hiệu của bệnh gì? Ngoài bệnh gút ra tôi còn mắc thêm bệnh xương khớp nào khác không? Và hướng điều trị cho bệnh gút cũng như bệnh khác nếu có như thế nào? Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Ngô Hồng Dạ Thảo (1992)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ xương khớp - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Đau mỏi chân là dấu hiệu của bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Trường hợp của bạn khi cơn cấp liên tục, bạn phải dùng các thuốc chống viêm kéo dài. Acid uric đã giảm đến mức thấp nhưng vẫn phải duy trì liên tục thuốc điều trị giảm Acid uric. Các tinh thể Acid uric vẫn lắng đọng trong khớp, phải mất thời gian dài mới ly giải dần. Thậm chí trong giai đoạn đầu dùng thuốc giảm Acid uric, cơn cấp còn tăng lên. Vì vậy, trong giai đoạn đầu thường dùng giảm Acid uric với liều thấp, sau đó mới tăng dần lên. Ngoài ra, bạn bị đau hai bắp chân, bạn cần xét nghiệm thêm men cơ CK để xác định nguyên nhân có phải do Colchicin hay không.
Ngoài ra, chế độ ăn uống - sinh hoạt cho người bị gout như sau:
- Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua, ... Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150 gram mỗi ngày.
- Không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên.
- Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày
- Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, chấn thương, ...
Nếu bạn còn thắc mắc về đau mỏi chân, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.