Đau mắt đỏ có thể bị lại không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc do nhiễm trùng, dị ứng hoặc do kích ứng, khiến lớp kết mạc che phủ phần củng mạc ,kết mạc mi bị viêm. Đau mắt đỏ có thể khỏi sau 7 - 10 ngày mà không để lại biến chứng.

1. Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc) là gì?

Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc) là bệnh lý thường gặp ở mắt và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Kết mạc là lớp màng niêm mạc che phủ phần nhãn cầu và phía trong mi mắt . Lớp niêm mạc bị viêm khiến mắt có triệu chứng đỏ, ngứa, được gọi là viêm kết mạc (Đau mắt đỏ). Nhiều người thắc mắc “viêm giác mạc có phải đau mắt đỏ không?”, thực tế viêm kết mạc (đau mắt đỏ) và viêm giác mạc là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Viêm kết mạc là bệnh lý nhẹ, có thể khỏi hoàn toàn sau 7 - 10 ngày và ít khi gây biến chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân đau mắt đỏ bao gồm:

  • Đau mắt đỏ do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus)
  • Đau mắt đỏ do dị ứng.
  • Đau mắt đỏ do kích ứng (hóa chất chlorin trong nước bể bơi, khói, bụi...)

Đau mắt đỏ virus có thể lây lan trong cộng đồng, gia đình, trường học và bùng phát thành dịch nếu không được chẩn đoán và cách li kịp thời.


Đau mắt đỏ do virus có thể lây lan trong cộng đồng
Đau mắt đỏ do virus có thể lây lan trong cộng đồng

2. Làm thế nào để nhận biết đau mắt đỏ?

Đa số trường hợp bị đau mắt đỏ không gây tổn thương nhãn cầu cũng như ảnh hưởng đến thị lực, tuy nhiên vẫn còn một số ít biến chứng có thể xảy ra do không nhận biết bệnh kịp thời. Do đó bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay nếu đôi mắt xuất hiện những triệu chứng đau mắt đỏ sau:

  • Thời kỳ ủ bệnh, biểu hiện ban đầu là nóng mắt, có cảm giác cộm mắt, mi mắt sưng nhẹ, người bệnh có thể ho, sốt, nhìn mờ...
  • Sau1-2 ngày, một bên mắt bị đỏ, chảy nước mắt, ra gỉ, mi mắt sưng to hơn, cảm giác đau, cộm ở mắt.
  • Sau 3 - 5 ngày, đau mắt sẽ lây sang mắt còn lại. Thông thường bệnh có thể không cân xứng giữa hai mắt, một mắt bị nặng hơn mắt kia.
  • Các triệu chứng chủ quan dễ nhận biết khi bị viêm kết mạc bao gồm: Đỏ mắt, cộm như có cát trong mắt, chói mắt, chảy nước mắt, nhiều rỉ mắt, khó mở mắt khi ngủ dậy, mí mắt có thể sưng và xung huyết.

Thực tế rất khó để xác định đau mắt đỏ virus hay vi khuẩn. Dấu hiệu nhận biết dễ nhất là nếu nguyên nhân do virus, dử mắt sẽ loãng hơn, nếu do vi khuẩn, dử mắt sẽ đặc hơn. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng sẽ có cảm giác ngứa và chảy nước mắt thường xuyên.

3. Đau mắt đỏ có thể bị lại không?


Người bị đau mắt đỏ có thể bị lại
Người bị đau mắt đỏ có thể bị lại

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đau mắt đỏ cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, những người bị đau mắt đỏ rồi có thể bị lại sau vài tháng, thời gian nhiễm bệnh lại thường trên 2 tháng sau lần bị trước do được kháng thể của cơ thể bảo vệ trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh.

Do đó, để bảo vệ bản thân khỏi bị đau mắt đỏ, bạn cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, dùng riêng khăn, gối, chậu.., đặc biệt không dụi mắt bằng tay, không dùng chung đồ đạc với người bị đau mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% ngày 3 lần,

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng ngừa dịch đau mắt đỏ bùng phát trong cộng đồng, người dân cần thực hiện những biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, hạn chế đến những nơi công cộng có nhiều mầm bệnh như bể bơi, bệnh viện...
  • Hạn chế sử dụng các nguồn nước ô nhiễm.
  • Đeo kính dâm cho mắt, bảo vệ mắt khỏi khói bụi, lau dử mắt bằng khăn giấy ẩm, sau đó vứt bỏ không sử dụng lại.
  • Người bệnh đau mắt đỏ cần được cách ly, nghỉ ngơi, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, dùng thuốc của người khác hoặc không sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá trầu, lá dâu...
  • Trẻ bị đau mắt đỏ nên nghỉ học trong thời gian bị bệnh. Người nhà cần chăm sóc cẩn thận để tránh bên mắt lành bị nhiễm bệnh bởi bên mắt bệnh. Tránh ôm ấp, sử dụng chung đồ vật với trẻ bị bệnh, cho trẻ ngủ riêng.
  • Trước và sau khi nhỏ mắt, vệ sinh mắt, cần rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Thông thường, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) sẽ tiến triển lành tính. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện biến chứng nặng gây tổn thương giác mạc, khi đó việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, trường hợp bệnh đau mắt đỏ không thuyên giảm khi điều trị tại nhà, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe