Đau khớp háng bên phải là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Các cơn đau xuất hiện không chỉ gây khó chịu, hạn chế vận động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân và cách điều trị đau khớp háng bên phải.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân gây đau khớp háng bên phải
Đau khớp háng bên phải là triệu chứng xảy ra khi khớp háng phải gặp vấn đề do chấn thương hoặc mắc các bệnh liên quan đến viêm khớp. Mức độ đau có thể dao động từ nhẹ đến nặng, tình trạng đau có thể là cấp tính hoặc mãn tính tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Ngoài cảm giác đau, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, viêm, sưng tấy hoặc phù nề tại vùng khớp háng bị ảnh hưởng. Có nhiều nguyên nhân gây đau khớp háng bên phải, nhưng theo các chuyên gia, hai nguyên nhân chính bao gồm: các bệnh lý về xương khớp và các nguyên nhân khách quan khác.
1.1 Nguyên nhân do các bệnh xương khớp
- Thoái hoá khớp háng: Đây là tình trạng sụn và xương dưới sụn bị lão hóa, dần dần bị bào mòn khiến cho các đầu xương không còn được sụn bảo vệ. Khi vận động, các xương cọ xát vào nhau gây đau đớn.
- Bệnh viêm khớp háng: Đau khớp háng cũng có thể do viêm khớp, khi khớp háng gặp phải tình trạng viêm có thể gây ra các cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội.
- Viêm gân và viêm bao hoạt dịch: Viêm ở các gân và dây chằng quanh khớp háng gây đau.
- Thoát vị bẹn: Khi niêm mạc khoang bụng chui vào túi thoát vị, làm phình to vùng háng và gây đau, thậm chí có thể gây nhiễm trùng.
- Lao khớp háng: Tình trạng này phá hủy nhanh chóng các ổ khớp và đầu xương, gây đau nghiêm trọng.
- Đau dây chằng háng: Thường xảy ra do chấn thương hoặc vận động mạnh gây viêm dây chằng khớp háng.
- Viêm khớp háng ở trẻ em: Ảnh hưởng tới khớp háng của trẻ từ ba đến mười ba tuổi, khớp háng bị viêm gây suy yếu khớp và hạn chế vận động nếu không điều trị kịp thời.
- Phụ nữ mang thai: Sự phát triển của thai nhi có thể chèn ép dòng máu ở khu vực khớp háng, gây đau.
1.2 Những nguyên nhân khách quan khác
Đau khớp háng bên phải có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, từ chấn thương cho đến những vấn đề về lối sống và yếu tố di truyền.
- Chấn thương: Các hoạt động như chơi thể thao, tai nạn xe cộ, hoặc té ngã có thể gây ra các chấn thương như trật khớp, gây đau đớn ở khớp háng.
- Tuổi tác: Người ở giai đoạn trung niên thường gặp phải tình trạng đau khớp háng do quá trình lão hóa. Khi đó, sụn khớp yếu đi và không còn khả năng bảo vệ xương dưới sụn hiệu quả, dẫn đến đau.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Việc di chuyển nhiều, mang vác vật nặng có thể khiến khớp háng bị tổn thương, thoái hóa hoặc viêm nhiễm.
- Lạm dụng chất kích thích, đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ tắc mao mạch, đau khớp háng do thiếu máu tại vùng đùi và háng.
- Di truyền: Một số người có thể mắc các khiếm khuyết về sụn khớp do di truyền, dẫn đến đau khớp khi trưởng thành.
- Giới tính: Phụ nữ có tỷ lệ đau khớp háng cao hơn nam giới do ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở.
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể cao có thể gây áp lực lên khớp háng và cột sống, từ đó dẫn đến tổn thương và đau khớp.
2. Mẹo điều trị đau khớp háng phải tại nhà
Các bài thuốc dân gian được nhiều người sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị đau khớp háng bên phải. Dưới đây là một số mẹo dân gian phổ biến có thể giúp giảm các triệu chứng đau khớp:
2.1 Sinh khương (gừng tươi)
Rửa sạch gừng tươi, cắt thành lát mỏng. Đắp trực tiếp lên vùng khớp háng bị đau. Giữ cho đến khi gừng khô, sau đó thay lớp mới.
Áp dụng phương pháp này 3-4 lần mỗi ngày và tiếp tục cho đến khi cảm thấy đỡ đau.
2.2 Trị đau khớp háng bên phải bằng ngải diệp (ngải cứu) và muối trắng
Rửa sạch lá ngải cứu, để ráo nước. Cho ngải cứu vào chảo cùng một ít muối, đảo đều trên lửa cho đến khi lá nóng. Sau đó, đắp ngải cứu nóng lên khu vực đau và giữ cho đến khi lá nguội. Lặp lại nhiều lần trong ngày khi cảm thấy cần thiết.
2.3 Khương hoàng (nghệ tươi) và rượu trắng
Rửa sạch nghệ tươi, cắt thành lát mỏng và ngâm trong rượu trắng ít nhất hai tuần. Sau đó dùng rượu đã ngâm để thoa lên khu vực bị đau và nhẹ nhàng xoa bóp. Điều này sẽ giúp các hoạt chất chống viêm từ nghệ thấm sâu vào da. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất.
Tình trạng đau khớp háng bên phải có thể cải thiện sau khi áp dụng một số bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, khi các cơn đau có xu hướng tăng kèm theo các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.