Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mang thai có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe và phần lớn sự thay đổi này sẽ biến mất sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, một số tình trạng càng trở nên nghiêm trọng hơn, trong đó bao gồm tiền sản giật. Tình trạng tiền sản giật sau sinh có thể dẫn đến co giật và các biến chứng khác ở sản phụ.
1. Tiền sản giật sau sinh là gì?
Tiền sản giật sau sinh là tình trạng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra trong vòng từ 48 đến 72 giờ sau khi em bé ra đời. Tình trạng này bắt đầu với dấu hiệu huyết áp sản phụ cao đột ngột và phát hiện lượng protein dư thừa trong nước tiểu. Khởi phát tiền sản giật sau sinh có thể xảy ra sau 48 giờ đến khoảng một tháng sau sinh trong một số trường hợp, thường được gọi là tiền sản giật muộn.
Theo các chuyên gia, tình trạng tiền sản giật có thể bắt đầu ở một số sản phụ trong khi mang thai nhưng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi em bé được sinh ra.
Tiền sản giật sau sinh ảnh hưởng đến khoảng 600 phụ nữ mỗi năm nhưng cũng khó định lượng vì một số phụ nữ bị tiền sản giật sau quá trình sinh con đã mắc phải tình trạng này trước đó, một số khác chỉ bị sau khi sinh đẻ. Theo tổ chức tiền sản giật ở Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân tiếp tục trải qua tình trạng nghiêm trọng hơn của tình trạng này: Sản giật.
2. Ai có nguy cơ cao mắc tiền sản giật sau sinh?
Rất khó để xác định liệu ai sẽ bị tiền sản giật sau sinh con nhưng có một vài yếu tố được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này, bao gồm: tăng huyết áp thai kỳ hoặc tăng huyết áp cao sau 20 tuần, từng bị tiền sản giật trong lần mang thai trước.
Nếu sản phụ đã từng được chẩn đoán có triệu chứng tiền sản giật sau sinh ở cùng một thời điểm trong các thai kỳ liên tiếp trước đó thì đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo khả năng.
Nguy cơ tiền sản giật cũng có thể tăng ở các mẹ béo phì, thừa cân.
Trắc nghiệm: Dấu hiệu tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là 1 trong những biến chứng của thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật hay gặp ở sản phụ mang thai sau 20 tuần, việc nhận biết các dấu hiệu sớm của tiền sản giật là vô cùng quan trọng để can thiệp kịp thời, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
3. Dấu hiệu tiền sản giật sau sinh
Một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng tiền sản giật sau sinh có thể bao gồm:
- Huyết áp của sản phụ tăng cao từ 140/90 trở lên
- Lượng protein dư thừa trong nước tiểu
- Buồn nôn hoặc nôn
- Sản phụ cảm thấy đau đầu dữ dội
- Đột nhiên đau bụng râm ran đến dữ dội, đặc biệt dưới xương sườn bên phải
- Lượng nước tiểu rất ít
- Tăng cân một cách đột ngột ( khoảng 1kg trở lên trong một tuần)
- Cảm thấy khó thở đột ngột
- Mặt và tay chân có thể sưng lên
- Thị lực có thể tạm thời mất hoặc mờ mắt. Mắt có thể trở nên quá mẫn cảm với ánh sáng
Khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đưa sản phụ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật sau sinh có thể gây ra một số biến chứng khác, bao gồm:
- Sản giật sau sinh: Các dấu hiệu sản giật sau sinh cũng tương tự như tiền sản giật, và cũng có thể dẫn đến co giật. Sản giật có thể phá hủy vĩnh viễn các cơ quan quan trọng như thận, gan, não. Thêm vào đó, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân bị sản giật có nguy cơ bị hôn mê, thậm chí tử vong.
- Huyết khối: đây là sự kết hợp của hai điều kiện: thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Bệnh nhân bị huyết khối xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho, sốt. Những trường hợp nặng có thể tử vong.
- Đột quỵ: Tình trạng này xảy ra khi não bị thiếu nguồn cung cấp máu, dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể
- Phù phổi: Xảy ra khi dịch tích tụ trong mô phổi. Các dấu hiệu bao gồm khó thở, đổ quá nhiều mồ hôi, ho ra máu...
4. Điều trị và phòng ngừa tiền sản giật sau sinh
Nếu sản phụ có các triệu chứng như trên và bác sĩ nghi ngờ sản phụ mắc tiền sản giật sau sinh thì việc đầu tiên cần làm đó chính là nhập viện nhằm mục đích đánh giá và điều trị ngay lập tức.
Tình trạng tiền sản giật sau sinh sau khi trải qua quá trình sinh nở thường được chẩn đoán bằng các xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu. Kiểm tra máu của sản phụ để xác định số lượng tiểu cầu và kiểm tra để xác định gan và thận của sản phụ có hoạt động tốt hay không. Bên cạnh đó, nước tiểu cũng được xét nghiệm để kiểm tra xem nồng độ protein có trong đó như thế nào. Nếu mức protein cao hơn bình thường, đây có thể là nguyên nhân gây tiền sản giật sau sinh con.
Thông thường, tiền sản giật sau sinh sẽ được điều trị bằng thuốc chống co giật, thường được thực hiện trong 24 giờ. Sau khi bệnh nhân dùng thuốc, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, nước tiểu và các triệu chứng khác. Trong trường hợp huyết áp của sản phụ vẫn rất cao và cao hơn bình thường thì bác sĩ có thể kê toa thuốc hạ huyết áp để điều trị.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có biện pháp nào phòng ngừa tiền sản giật sau sinh, vì vậy sản phụ cần lắng nghe cơ thể mình và nhận biết được các dấu hiệu khác thường của cơ thể để được thăm khám và điều trị kịp thời. Thêm vào đó, các sản phụ cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật sau sinh, chẳng hạn như:
- Duy trì trọng lượng cơ thể: Trước khi lên kế hoạch mang thai, bạn cần chú ý kiểm soát cân nặng. Sản phụ bị béo phì hoặc thiếu cân có nguy cơ gặp nhiều vấn đề, bao gồm tiền sản giật.
- Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh: Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần đảm bảo bổ sung vitamin, khoáng chất và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Điều này sẽ giúp bạn duy trì mức huyết áp bình thường trong suốt thời gian mang thai.
- Uống đủ nước: Sản phụ nên uống nhiều nước và sữa. Cần tránh các loại nước ép trái cây chứa đường. Hạn chế các loại đồ uống có cồn và cafein
- Thường xuyên thăm khám: Mẹ bầu cần thường xuyên đến thăm khác bác sĩ và kiểm tra huyết áp trong suốt thai kỳ. Bác sĩ sẽ phát hiện tình trạng tiền sản giật ở giai đoạn đầu nếu mẹ bầu thường xuyên kiểm tra.
3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com