Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Thấp tim (thấp khớp cấp) là căn bệnh nguy hiểm, vừa gây ảnh hưởng cho tim, vừa có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Do đó, việc nhận ra triệu chứng thấp tim và chẩn đoán sớm để có hướng điều trị đúng đắn là rất cần thiết.
1. Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng thấp tim lâm sàng thường xuất hiện sau ít nhất 2-4 tuần hoặc kéo dài hơn nữa tính từ thời điểm người bệnh bị nhiễm liên cầu ở họng. Các dấu hiệu này có thể xảy ra độc lập hoặc đồng thời với nhau.
1.1 Tại khớp
Biểu hiện viêm khớp là thể điển hình và dễ nhận thấy nhất, bao gồm sưng, tấy đỏ, nóng, đau, cử động khó khăn. Viêm xuất hiện ở nhiều khớp, hay còn gọi là viêm đa khớp, và viêm các khớp lớn.
Cần lưu ý là dạng viêm khớp này có đặc tính luân chuyển, nghĩa là khi một khớp có dấu hiệu giảm nhẹ thì viêm lại xuất hiện ở một khớp khác. Thời gian mỗi khớp bị viêm thường kéo dài trong vòng từ 3 ngày đến 7 ngày, không bao giờ lâu hơn 1 tháng.
1.2 Tại tim
Triệu chứng thấp tim này ở thể không điển hình, bao gồm các biểu hiện như sau:
Là dạng tổn thương mà bất kỳ trường hợp bệnh thấp tim nào cũng gặp phải. Bệnh nhân viêm cơ tim có các dấu hiệu đau ngực vùng trước tim, tim đập nhanh và loạn nhịp, kèm theo tình trạng mệt mỏi, da xanh xao. Nếu viêm cơ tim nghiêm trọng sẽ gây ra suy tim cấp, người bệnh bị khó thở, tím tái, phù, tiểu ít, thậm chí là tử vong.
- Viêm màng trong tim (nội tâm mạc)
Nếu viêm cơ tim được phát hiện muộn và điều trị không kịp thời thì sau vài tuần thường dẫn đến viêm nội tâm mạc. Đây là nguyên nhân của các di chứng ở van tim, phổ biến là hở van 2 lá, hẹp van 2 lá và hở van động mạch chủ.
Tình trạng này thường ít gặp hơn. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào các biểu hiện của bệnh nhân như đau ngực, khó thở; thăm khám chuyên sâu phát hiện rối loạn huyết áp, nhịp tim nhanh nhỏ, nghe tiếng tim mờ hoặc có tiếng cọ màng ngoài tim; chụp Xquang thấy bóng tim to, tim đập yếu.
Khi tim bị tổn thương, viêm ở cả 3 phần là cơ tim, màng tim và màng ngoài tim thì gọi là viêm tim toàn bộ. Tình trạng này rất nghiêm trọng và thường hay gặp ở trẻ em dưới 7 tuổi. Nếu không được điều trị nhanh chóng và tích cực, diễn tiến của bệnh có khả năng dẫn đến suy tim nặng và gây tử vong.
1.3 Tại các bộ phận khác
- Ở da
Xuất hiện các hạt Meynet. Dấu hiệu nhận biết hạt Meynet là cứng, to cỡ hạt ngô hay hạt đỗ, sờ vào không đau và thường nằm xung quanh khớp hoặc dọc theo cột sống. tự động biến mất không để lại dấu vết sau tối đa 2 tháng. Ngoài ra, ban vòng Lendoch - Leyner và hồng ban Besnier cũng là những dạng tổn thương da khác.
- Ở thần kinh
Tình trạng múa vờn múa giật Sydenham là những rối loạn về thần kinh dẫn đến vận động không tự chủ do tổn thương não. Biểu hiện cụ thể là di chuyển, cử động nhanh không có mục đích, tăng khi bệnh nhân xúc động và mất đi khi họ ngủ. Tổn thương thần kinh này có thể xuất hiện ở toàn thân, nửa người hay ở các chi.
- Các cơ quan khác
Bệnh còn có tác động đến những cơ quan khác, chẳng hạn như: viêm cầu thận, viêm phổi, viêm gan cấp, tổn thương mạch máu,...
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán
Đối tượng thường hay mắc bệnh thấp tim là các em nhỏ và người trẻ tuổi. Vì bệnh xảy ra ở nhiều hệ thống nên tổn thương tim chỉ là một trong số các triệu chứng khác nhau.
Các tiêu chuẩn chính bao gồm:
- Viêm khớp
- Viêm tim
- Nốt cục dưới da
- Hồng ban vòng
- Múa vờn, múa giật.
Bên cạnh đó, còn có các tiêu chuẩn phụ bao gồm:
- Sốt ≥ 38 độ C
- Điện tâm đồ sóng PR kéo dài
- Tiền sử đã mắc viêm khớp do liên cầu
- Tốc độ máu lắng tăng cao, phản ứng viêm CRP (C-reactin protein) và bạch cầu tăng.
Để chẩn đoán bệnh thấp tim, cần tìm ra được ít nhất 1 triệu chứng nằm trong nhóm tiêu chuẩn chính và 2 biểu hiện thuộc phần tiêu chuẩn phụ, hoặc 2 tiêu chuẩn chính và kết quả xét nghiệm phát hiện thấy bệnh nhân có nhiễm khuẩn liên cầu.
Tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh thấp tim hay thấp khớp cấp có thể giảm đi nhiều nhờ vào việc sử dụng kháng sinh trong điều trị và dự phòng. Theo các chuyên gia y tế, diệt liên cầu khuẩn gây viêm họng không chỉ được ưu tiên khi chữa trị, mà còn là cách đề phòng thấp tim phát sinh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.