Ung thư bàng quang giai đoạn đầu không có những dấu hiệu rõ ràng, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì vậy, hầu hết người bệnh điều trị ung thư bàng quang đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Việc nhận biết sớm ở giai đoạn đầu của bệnh là vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có thông tin đầy đủ giúp người bệnh nhận biết được ung thư bàng quang giai đoạn đầu.
1. Ung thư bàng quang là bệnh lý như thế nào?
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp đứng hàng thứ 2 sau ung thư tuyến tiền liệt của hệ tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo,...) và thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, ung thư đại thực tràng. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn gấp 3 lần ở nữ.
Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang bao gồm: Người lớn tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư bàng quang, phơi nhiễm với một số hóa chất như asen, các amin thơm được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm hóa học và dược phẩm, người hút thuốc lá, người bệnh có nhiễm trùng bàng quang mạn tính, đái tháo đường, béo phì,...
Ung thư bàng quang giai đoạn đầu là ung thư bàng quang không xâm lấn các cơ bàng quang. Đây là giai đoạn khi các tế bào ung thư chỉ mới phát triển, còn nằm ở bên trong lớp niêm mạc của bàng quang. Bệnh chưa phát triển qua lớp niêm mạc để vào lớp cơ sâu hơn bàng quang. Ung thư bàng quang giai đoạn này cũng chưa lan tràn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc đến các bộ phận xa của cơ thể như xương, phổi hoặc gan.
2. Phân loại ung thư giai đoạn đầu
Bác sĩ chẩn đoán các giai đoạn của ung thư bàng quang giai đoạn đầu bằng cách xem xét mức độ phát triển của khối u vào các lớp của bàng quang. Mức độ phát triển của ung thư bàng quang được đánh giá bằng hệ thống phân loại TNM. Trong giai đoạn đầu, tế bào ung thư phát triển thành khối u có 3 mức độ T (Tumor - U nguyên phát) bao gồm:
- Ta: Là loại ung thư bàng quang biểu mô nhú chưa xâm lấn.
- TIS: Là loại ung thư bàng quang biểu mô tại chỗ.
- T1: Là loại ung thư bàng quang đã xâm lấn lớp dưới niêm mạc.
Trong các trường hợp trên, ung thư bàng quang chỉ nằm ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc của bàng quang. Nó chưa xâm lấn sâu hơn vào thành bàng quang.
3. Dấu hiệu ung thư bàng quang giai đoạn đầu có dễ nhận biết?
Dấu hiệu của ung thư bàng quang giai đoạn đầu có thể chưa biểu hiện rõ ràng hoặc tương tự như những triệu chứng do các bệnh lý khác gây ra. Người bệnh nên thực hiện thăm khám ngay tại cơ sở y tế khi có các dấu hiệu sau đây:
- Tiểu ra máu (quan sát thấy nước tiểu có màu gỉ hoặc đỏ tươi).
- Đi tiểu nhiều lần.
- Đau khi đi tiểu.
- Tiểu khó.
- Tiểu buốt, có dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu.
- Đau lưng dưới.
4. Điều trị ung thư giai đoạn đầu
Chẩn đoán và xác định giai đoạn ung thư bàng quang giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư giai đoạn đầu tùy thuộc vào kích thước và mức độ phát triển của khối u trong bàng quang. Cũng như một số yếu tố ảnh hưởng như tuổi của người bệnh, giới tính, các tình trạng bệnh lý nền và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Một số phương pháp điều trị ung thư bàng quang được chẩn đoán ở giai đoạn đầu như sau:
Phẫu thuật:
- Ung thư bàng quang giai đoạn đầu thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u qua nội soi hoặc mổ mở. Phẫu thuật được thực hiện để giúp xác định mức độ lan rộng của ung thư và loại bỏ khối u, đồng thời xác định được dựa trên kết quả giải phẫu bệnh của các tế bào khối u định vị lại lớp niêm mạc chưa xâm lấn vào cơ bàng quang. Ung thư giai đoạn đầu không cần điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ bàng quang. Việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang chỉ được chỉ định khi ở giai đoạn muộn hơn.
Hóa trị
- Hóa trị có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật cho ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Liệu pháp này giúp tiêu diệt các tế bào ung thư nào còn sót lại sau phẫu thuật và ngăn ngừa ung thư bàng quang có thể tái phát.
- Trong quá trình hóa trị, các thuốc hóa chất sẽ được bơm vào lòng bàng quang thông qua sonde tiểu, hay còn gọi là bơm hóa chất nội bàng quang.
- Hóa trị ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu nên thực hiện càng sớm càng tốt sau phẫu thuật, hiệu quả nhất là 2 giờ sau phẫu thuật. Liệu trình này được thực hiện một lần mỗi tuần và kéo dài trong vòng 6 tuần.
Liệu pháp miễn dịch (BCG)
- Liệu pháp miễn dịch là việc sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể để tấn công tế bào ung thư. Phương pháp này sử dụng một loại vắc - xin được gọi là Bacillus Calmette - Guérin (BCG) để kích thích phản ứng của hệ thống miễn dịch hướng chống lại ung thư bàng quang. Liệu pháp này nên thực hiện hàng thuần và trong ít nhất 6 tuần, lặp lại sau mỗi 3 đến 6 tháng. Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi sử dụng liệu pháp này như kích ứng bàng quang, đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, sốt nhẹ và ớn lạnh.
5. Tiên lượng điều trị ung thư bàng quang
- Đa số các trường hợp ung thư bàng quang được chẩn đoán giai đoạn đầu và có khả năng điều trị cao, hoàn toàn có thể được chữa khỏi.
- Ung thư bàng quang giai đoạn đầu khả năng điều trị khỏi khá cao. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa bệnh có thể tái phát. Trường hợp, bệnh tái phát thì cũng ít khi xâm lấn sau hoặc đe dọa tính mạng.
- Để hạn chế tối đa nguy cơ tái phát bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu sau khi điều trị thành công, người bệnh cần được tái khám định kỳ và theo dõi chặt chẽ bằng phương pháp nội soi bàng quang. Bên cạnh đó người bệnh cần phải tránh tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư, sinh hoạt điều độ, không hút thuốc lá,...
6. Dự phòng ung thư bàng quang bằng cách nào?
Không hút thuốc lá
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư và ung thư bàng quang cũng là một trong số đó, vì trong khói thuốc lá chứa rất nhiều những chất gây ung thư có khả năng tập trung tại các cơ quan trong cơ thể để gây bệnh. Do đó, việc không hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh ung thư nói riêng và các loại bệnh khác.
Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại và sử dụng nguồn nước an toàn
Cần phải thực hiện các hướng dẫn an toàn ở nơi làm việc khi thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất để tránh tình trạng phơi nhiễm. Trường hợp sử dụng nguồn nước mới, nên làm các xét nghiệm để kiểm tra hàm lượng thạch tín (chất gây ung thư phổ biến) có trong nước để tránh nhiễm chất này quá nhiều vào cơ thể.
Uống nhiều nước
Việc uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng hai lít) có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư bàng quang, bởi nước có tác dụng có thể đào thải bất kỳ các tác nhân gây bệnh ung thư ra khỏi bàng quang qua nước tiểu trước các chất này thấm vào và phát triển trong cơ thể.
Cải thiện chế độ ăn hợp lý
Ung thư bàng quang giai đoạn đầu ăn kiêng gì là vấn đề nhiều người quan tâm. Theo đó, việc ăn nhiều các loại rau họ cải như: Súp lơ xanh, bắp cải có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang ở nam.
Mặc dù như chúng ta đã biết ăn nhiều rau tươi và hoa quả là việc tốt cho sức khỏe, nhưng chỉ có súp lơ xanh và bắp cải dường như có ảnh hưởng tới việc làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
Khám sức khỏe định kỳ
Đây là một việc làm thực sự rất quan trọng để phát hiện sớm những vấn đề của sức khỏe. Ngoài ra nếu như bạn nhận thấy cơ thể mình có dấu hiệu bất thường như thấy máu trong nước tiểu khi đi tiểu tiện nên đi khám ngay để phát hiện ung thư bàng quang sớm và điều trị kịp thời.
Trên đây là một số thông tin cơ bản giải đáp thắc mắc về ung thư bàng quang có dấu hiệu rõ rệt không. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu ở giai đoạn đầu giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm nên khả năng hạn chế nguy cơ bệnh diễn biến nặng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.