Dấu hiệu tinh trùng yếu là những biểu hiện cần được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời. Vì tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp chi tiết các dấu hiệu nhận biết tinh trùng yếu cũng như những thông tin cần biết khác để bảo vệ sức khỏe sinh sản một cách hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Th.S BS Võ Thiện Ngôn, Bác sĩ Ngoại tiết niệu thuộc Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Tinh trùng yếu là gì?
Tinh trùng yếu được hiểu là tình trạng tinh trùng có số lượng ít, chất lượng kém và không tồn tại lâu trên hành trình đi gặp trứng để thực hiện thụ tinh, do đó gây khó khăn trong việc thụ thai. Ngay cả khi thụ thai thành công, thai nhi có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự phát triển, phát triển chậm hoặc có nguy cơ cao mắc các dị tật bẩm sinh. Nam giới khi mắc phải tình trạng này thường cảm thấy tự ti, mặc cảm và có thể dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Bệnh này thường đi kèm với tình trạng yếu sinh lý ở nam giới.
2. Yếu tố nào quyết định tinh trùng khỏe hay yếu?
Sức khỏe của tinh trùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng, khả năng di động và cấu trúc của tinh trùng:
- Số lượng: Một yếu tố quan trọng giúp xác định tinh trùng khỏe hay yếu chính là số lượng tinh trùng có trong mỗi ml tinh dịch sau khi xuất tinh. Để có khả năng thụ thai cao, mỗi ml tinh dịch phải chứa ít nhất 15 triệu tinh trùng. Số lượng tinh trùng thấp có thể làm giảm khả năng thụ thai do ít tinh trùng có cơ hội tiếp cận và thụ tinh với trứng.
- Khả năng di động: Để tiếp cận và thụ tinh cho trứng, tinh trùng phải di chuyển (bơi qua cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng của phụ nữ), quá trình này được gọi là khả năng di động của tinh trùng. Nếu ít nhất 40% tinh trùng có khả năng di động tốt, cơ hội thụ thai sẽ tăng lên đáng kể.
- Hình thái: Hình thái của tinh trùng cũng góp phần vào khả năng thụ thai. Tinh trùng khỏe mạnh thường có đầu hình oval và đuôi dài, giúp di chuyển hiệu quả. Dù không quan trọng bằng số lượng và khả năng di động, nhưng tinh trùng có hình thái chuẩn sẽ tăng khả năng thụ thai.
3. Dấu hiệu tinh trùng yếu
Tinh trùng khỏe hay yếu không thể đánh giá chính xác thông qua cảm quan. Dấu hiệu tinh trùng yếu rõ ràng nhất là tình trạng vô sinh. Vô sinh được hiểu là tình trạng không thể thụ thai sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng biện pháp tránh thai. Nguyên nhân vô sinh có thể do nam giới, nữ giới hoặc cả hai. Để xác định chất lượng tinh trùng, việc thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ là cần thiết.
Một số dấu hiệu tình trùng yếu bao gồm:
- Tinh dịch loãng, số lượng ít: Tinh dịch không có độ dính và độ nhớt đặc trưng mà lại loãng như nước vo gạo là biểu hiện của sự suy giảm bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Tinh dịch vón cục: Trong tình trạng này, tinh dịch có chứa những hạt trắng nhỏ giống như hạt cơm và khi bóp có cảm giác mịn như bột. Điều này có thể khiến tinh trùng khó di chuyển để thụ tinh với trứng và dễ bị chết. Đây là dấu hiệu tinh trùng yếu nam giới có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.
- Tinh dịch đông đặc: Khi để ở nhiệt độ 37°C, tinh dịch từ trạng thái sệt sẽ chuyển sang lỏng trong vòng chưa đầy 60 phút. Nếu tinh dịch không hóa lỏng hoặc chỉ hóa lỏng một phần, đây là dấu hiệu của tình trạng đông đặc, gây khó khăn cho tinh trùng di chuyển đến gặp trứng.
- Tinh dịch có màu sắc bất thường: Màu sắc của tinh dịch cũng là dấu hiệu quan trọng cảnh báo sức khỏe sinh sản. Màu sắc bất thường của tinh dịch là dấu hiệu tinh trùng yếu, nam giới cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
4. Các nguyên gây nên tình trạng tinh trùng yếu
Quá trình sản xuất tinh trùng là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự hoạt động bình thường của các cơ quan liên quan như tinh hoàn, vùng dưới đồi và tuyến yên. Bất kỳ rối loạn nào trong quá trình này cũng có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất tinh trùng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến biểu hiện tinh trùng yếu:
4.1. Nguyên nhân bệnh lý
Một số bệnh lý và phương pháp điều trị có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng tinh trùng, bao gồm:
- Giãn tĩnh mạch tinh: Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy giảm chất lượng tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới. Tình trạng này có thể điều trị được, tuy nhiên nguyên nhân chính xác gây ra giãn tĩnh mạch tinh vẫn chưa được làm rõ.
- Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng có thể tác động xấu đến quá trình sản xuất, làm tổn thương hoặc gây ra sẹo cản trở đường đi của tinh trùng. Ví dụ bao gồm viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, HIV.
- Bệnh tự miễn: Mặc dù hiếm gặp, nhưng có trường hợp kháng thể trong cơ thể tấn công và phá hủy tinh trùng, gây biểu hiện tinh trùng yếu.
- Các khối u: Khối u có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản. Ngoài ra, quá trình điều trị khối u cũng có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản của nam giới.
- Mất cân bằng nội tiết tố: Nội tiết tố có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất tinh trùng. Tình trạng cân bằng này có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
- Một số thuốc điều trị: Có thuốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh tinh, gây suy giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
- Các nguyên nhân khác: Rối loạn di truyền hay dị tật bẩm sinh… Những vấn đề này cũng có thể tác động đến khả năng sinh sản của nam giới.
4.2. Nguyên nhân môi trường
Quá trình sinh tinh và hoạt động của tinh trùng có thể bị ảnh hưởng bởi sự phơi nhiễm quá mức với các tác nhân môi trường như:
- Hóa chất công nghiệp: Tiếp xúc lâu dài với các chất như benzene, toluene, xylene, các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ và vật liệu sơn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh trùng.
- Kim loại nặng: Sự phơi nhiễm với chì và các kim loại nặng khác có thể là nguyên nhân gây vô sinh.
- Tia xạ: Phơi nhiễm với các loại tia xạ có thể làm suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng sinh tinh. Việc hồi phục khả năng sinh tinh sau phơi nhiễm tia xạ có thể mất vài năm để trở lại trạng thái bình thường.
4.3. Lối sống và các nguyên nhân khác
Lối sống cũng có thể tác động đáng kể đến chất lượng và khả năng sinh tinh của tinh trùng, dẫn đến những dấu hiệu tinh trùng yếu:
- Uống rượu: Rượu và các đồ uống có cồn làm giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng xấu đến tinh trùng.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe nói chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
- Căng thẳng, trầm cảm: Những tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sinh tinh.
- Cân nặng: Béo phì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tinh trùng mà còn gây mất cân bằng nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
5. Cách phòng tránh tinh trùng yếu
Ngoài việc nhận biết các dấu hiệu tinh trùng yếu, việc phòng ngừa tình trạng suy yếu của tinh trùng rất quan trọng. Tuy nhiên, không có biện pháp đảm bảo hoàn toàn để ngăn ngừa biểu hiện tình trùng yếu, nhưng có một số phương pháp có thể hạn chế tình trạng này:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có thể liên quan đến sự suy giảm chất lượng và khả năng di động của tinh trùng.
- Chế độ ăn lành mạnh: Bao gồm nhiều rau xanh và trái cây giàu chất chống oxy hóa trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể cải thiện sức khỏe của tinh trùng.
- Phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs): Các bệnh như chlamydia và lậu có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc duy trì mối quan hệ chung thủy với một bạn tình không mắc bệnh có thể giúp phòng tránh STIs.
- Tránh tình trạng căng thẳng: Căng thẳng có thể làm giảm khả năng hoạt động tình dục và ảnh hưởng đến các nội tiết tố liên quan đến quá trình sản xuất tinh trùng.
- Sống năng động: Tập thể dục vừa phải có thể tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxy hóa, giúp bảo vệ tinh trùng.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá ảnh hưởng xấu đến nhiều khía cạnh của sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe sinh sản. Nếu khó bỏ thuốc, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ.
- Giới hạn đồ uống có cồn: Rượu và các loại đồ uống có cồn làm giảm nồng độ testosterone và ảnh hưởng đến tinh trùng. Nên giới hạn lượng uống ở mức vừa phải.
- Cẩn thận với các độc tố: Tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu, chì và các chất độc khác có thể làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với các chất độc, hãy sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ và tránh để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
- Mặc thoáng mát: Tăng nhiệt độ khu vực bìu có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng. Hạn chế các hoạt động như mặc quần áo chật, ngồi lâu, xông hơi hoặc tắm nước nóng và để bìu tiếp xúc với nhiệt độ cao từ laptop có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng tinh trùng.
Để khám và điều trị tinh trùng yếu, bệnh nhân có thể tìm đến Chuyên khoa Nam khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Chuyên khoa Nam khoa có chức năng và nhiệm vụ giúp người bệnh khám, điều trị và phát hiện sớm dấu hiệu tình trùng yếu, các vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ quan sinh dục nam, các rối loạn chức năng sinh lý, chức năng sinh sản, và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Các bệnh thường gặp tại khoa khoa bao gồm viêm túi tinh, viêm tinh hoàn, viêm bao quy đầu, viêm bàng quang, viêm niệu đạo, tình trạng dài bao quy đầu, và hẹp bao quy đầu,...
Bác sĩ Võ Thiện Ngôn đã có trên 7 năm kinh nghiệm làm bác sĩ điều trị, phẫu thuật Ngoại Niệu tại các Bệnh viện: Bệnh viện Trung Ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng.
Bác sĩ Ngôn với khả năng điều trị chuyên sâu về lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý về hệ Tiết niệu và Nam khoa, phẫu thuật hệ Tiết niệu, phẫu thuật nội soi tiết niệu, phẫu thuật Laparo đường niệu, nội soi đường tiết niệu. Phẫu thuật điều trị các bệnh lý Nam khoa.
Hiện nay, Bác sĩ Võ Thiện Ngôn là bác sĩ Ngoại Tiết Niệu – Nam học, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.