Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thai nhi phát triển khỏe mạnh là mong muốn của mọi cặp vợ chồng. Tuy nhiên, có những trường hợp không may thai ngừng phát triển giữa chừng, còn gọi là thai lưu. Dấu hiệu thai lưu thường không rõ ràng ở giai đoạn sớm do mẹ bầu chưa theo dõi được tình trạng thai máy. Vậy làm thế nào để nhận biết được dấu hiệu thai lưu?
1. Thai lưu là gì?
Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thai lưu là tình trạng thai chết trước hoặc trong khi sinh. Cả sẩy thai và thai lưu đều được hiểu là thai đã mất nhưng 2 tình trạng này khác nhau tùy thuộc vào thời điểm xảy ra sự cố. Cụ thể, sẩy thai được định nghĩa là tình trạng mất em bé trước tuần 20 của thai kỳ, thai lưu là hiện tượng mất em bé sau 20 tuần mang thai.
Theo thời điểm xảy ra, thai lưu được phân loại như sau:
- Thai chết lưu sớm: xảy ra khi thai được 20 – 27 tuần tuổi.
- Thai chết lưu muộn: xảy ra khi thai được 28 – 36 tuần tuổi.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Thai lưu có dấu hiệu gì?
2.1 Thai chết lưu dưới 20 tuần
Thai lưu không có triệu chứng ở giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén. Một số phụ nữ khác có triệu chứng bất thường nhưng không biểu hiện rõ ràng. Cụ thể, những phụ nữ được xác định có thai trước đó (mất kinh, nghén, thử HCG dương tính,...) phát hiện thai lưu khi có các dấu hiệu sớm như:
- Ra một ít máu ở âm đạo, máu màu hồng nhạt, màu nâu hoặc nâu đậm. Có trường hợp thai lưu không ra máu
- Các dấu hiệu thai nghén giảm đi
- Không còn cảm giác căng tức bầu ngực
- Đau lưng, đau bụng
- Bụng không to lên...
2.2 Thai chết lưu trên 20 tuần
Thai lưu có biểu hiện gì khi bước sang giai đoạn muộn của thời kỳ thai nghén (khi thai được 5 tháng tuổi trở lên)? Ở thời điểm này, các triệu chứng đã trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể:
- Không thấy thai đạp nữa (cần chú ý vì đôi khi thành bụng dày nên thai phụ không cảm nhận rõ thai đạp hoặc sau khi thai lưu, tử cung xuất hiện những cơn co nhẹ khiến sản phụ hiểu lầm rằng thai đạp)
- Bụng không lớn mà nhỏ dần đi
- Ra máu đen âm đạo
- Bầu ngực có thể tiết sữa non
- Nếu thai phụ mắc một số bệnh kèm theo như nôn nghén nặng, tiền sản giật, bệnh tim,... thì sẽ thấy bệnh tự thuyên giảm.
3. Nên làm gì khi thai chết lưu?
Với những trường hợp thai lưu, bác sĩ sẽ đề xuất phương án lấy thai ra sớm vì tâm lý người mẹ không muốn giữ trong mình thai nhi đã chết. Nguyên nhân là vì nếu để thai lưu lâu ngày trong thành tử cung sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn đông máu, thậm chí dẫn tới nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tới tính mạng của thai phụ.
Tuy vậy, việc điều trị tống thai lưu sẽ trì hoãn sau khi có đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để tiên lượng tình trạng rối loạn đông chảy máu trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, tránh mổ lấy thai trừ khi không sinh được bằng đường âm đạo hoặc thai chết lưu có nguy cơ đe dọa tới tính mạng sản phụ.
4. Lưu ý cho lần mang thai tiếp theo
Với những thai phụ có tiền sử thai lưu, để lần mang thai tiếp theo được an toàn, thuận lợi, phụ nữ cần làm theo những hướng dẫn sau:
4.1 Xét nghiệm sàng lọc trước khi có thai
- Xét nghiệm hội chứng antiphospholipid thực hiện trong lúc thai lưu nhưng vẫn trong bụng mẹ hoặc trong vòng 2 tuần sau khi hút thai
- Xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục (giang mai)
- Phân tích nhiễm sắc thể đồ tìm nhiễm sắc thể bất thường ở cả bố và mẹ
- Xét nghiệm phát hiện bất đồng nhóm máu Rh
4.2 Về chế độ ăn uống sinh hoạt
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe để sẵn sàng mang thai
- Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe
- Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm
- Giữ tâm lý lạc quan, vui vẻ
Sàng lọc các nguy cơ mang thai và xác định những bất thường trong quá trình tăng trưởng của thai nhi giúp hạn chế nguy cơ thai chết lưu. Ngoài ra, trong thời gian mang bầu, thai phụ cần khám thai định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh để thai nhi phát triển tốt nhất. Nếu có những biểu hiện bất thường như đau bụng, đau lưng, ra máu âm đạo,... bà bầu cần lập tức đến bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Các Gói chăm sóc Thai sản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là lựa chọn sáng suốt cho các bà mẹ mang thai. Tại đây, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm sẽ theo dõi sát nhất diễn biến sức khỏe thai kỳ, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường khi mang thai, đặc biệt là thai lưu để can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Cùng với sự hỗ trợ của trang thiết bị, vật tư hiện đại được đầu tư liên tục, kết quả khám thai sẽ được đảm bảo chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.