Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Thai lưu (hay thai chết lưu) là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp em bé chết trong bụng người mẹ trước khi ra đời. Chẩn đoán thai lưu chủ yếu dựa trên khám lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm HCG.
1. Các phương pháp chẩn đoán thai lưu
1.1 Khám lâm sàng dựa trên các triệu chứng bệnh
Bác sĩ có thể chẩn đoán thai lưu dựa vào các triệu chứng gặp ở thai phụ như:
- Với thai lưu ở giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén, thai phụ có biểu hiện ra máu âm đạo, máu sẫm màu, các triệu chứng thai nghén giảm đi, bụng không thấy to lên.
- Với thai lưu ở giai đoạn muộn, bà bầu có triệu chứng bụng nhỏ dần đi, ra máu đen âm đạo, không thấy thai đạp, ngực tiết sữa non.
- Nghe tim thai bằng dụng cụ Doppler cầm tay: không nghe thấy tim thai ở tuổi thai sau 8 tuần.
- Khó sờ nắn thấy các phần thai.
- Đo thấy tử cung bé hơn so với tuổi thai, đặc biệt nếu chiều cao tử cung giảm đi giữa hai lần đo.
1.2 Khám cận lâm sàng bằng siêu âm, xét nghiệm máu
- Siêu âm thai: là phương pháp hiệu quả cao, dễ thực hiện, nhanh chóng trong việc chẩn đoán tim thai xác định thai lưu. Nếu siêu âm không thấy hoạt động của tim thai, đầu thai méo mó, có hiện tượng chồng khớp sọ hay dấu hiệu hai vòng ở xương sọ do da đầu bị bong ra, hình ảnh túi ối không tương xứng với tuổi thai, bờ túi ối không đều, nước ối ít hay hết ối chứng tỏ thai lưu. Phương pháp xét nghiệm để biết thai lưu này cũng giúp xác định được xem thai mới chết hay chết đã lâu.
- Xét nghiệm HCG: khi nghi ngờ thai phụ mang thai lưu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu xác định thai lưu để đánh giá định lượng HCG. HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là hormone điều hòa quá trình mang thai, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành; đồng thời kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi. Nếu xét nghiệm HCG trong máu hoặc trong nước tiểu lần 2 thấp hơn so với lần đầu, không tăng tương xứng với tuổi thai thì có thể thai chết lưu, bị sảy hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Định lượng Fibrinogen trong máu: được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của thai đến quá trình đông máu trước khi can thiệp lấy thai ra.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây thai chết lưu: tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định các cặp vợ chồng thực hiện những xét nghiệm khác nhau.
2. Nên làm gì sau chẩn đoán thai lưu?
Khi có các dấu hiệu bất thường như ra huyết, giảm hoặc mất cử động thai, bị nhiễm trùng hay nhiễm độc, tiếp xúc với môi trường độc hại, phóng xạ, hóa chất,... thai phụ cần đi khám ngay để có hướng xử lý kịp thời. Nếu phát hiện thai lưu, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình ổn định tâm lý, thực hiện các xét nghiệm cần thiết như nhóm máu, chức năng đông máu,... trước khi đưa thai ra ngoài.
Bác sĩ có thể can thiệp bằng thuốc hoặc dùng các thủ thuật khác để đưa thai nhi ra khỏi tử cung của người mẹ. Về nguyên tắc, khi thai nhi đã chết lưu, bác sĩ sẽ cố gắng để người mẹ sinh thường, tránh mổ lấy thai trừ trường hợp đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng sản phụ như thai quá to, mẹ bị suy tim nặng, có sẹo mổ trên tử cung nhiều lần. Sau khi hút thai lưu, người mẹ cần nghỉ ngơi theo chỉ định của bác sĩ để ổn định tâm lý và sức khỏe trước khi có ý định mang thai lại.
3. Các xét nghiệm cần thiết khi chuẩn bị mang thai sau thai lưu
Trước khi có thai lại, sản phụ từng bị thai lưu nên đi khám để xác định chắc chắn nguyên nhân gây thai lưu. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các sự cố có thể xảy ra trong lần mang thai tiếp theo. Thông thường, nguyên nhân thai chết lưu chủ yếu là do những bất thường về di truyền, người mẹ mắc bệnh mãn tính, tim mạch hoặc lối sống không khoa học,...
Trước khi muốn có thai lại, hai vợ chồng nên đi khám để xác định chắc chắn nguyên nhân gây ra thai chết lưu.Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp để hạn chế nguy cơ trong lần mang thai tiếp theo. Một số xét nghiệm cần thiết các cặp vợ chồng nên thực hiện trước khi mang thai lại là:
- Xét nghiệm rối loạn nhiễm sắc thể để phát hiện những bất thường về di truyền ở cả 2 vợ chồng.
- Xét nghiệm hội chứng antiphospholipid.
- Siêu âm ổ bụng để kiểm tra các bộ phận trong cơ quan sinh sản có bị dị dạng hay bất thường không.
- Khám nội khoa và các chức năng của tim, gan, phổi, thận,...
- Xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá chất lượng tinh trùng nếu người chồng trên 40 tuổi.
- Xét nghiệm nội tiết tố ở người mẹ.
- Kiểm tra yếu tố Rh trong máu để xử lý kịp thời những trường hợp thai lưu do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con.
Với mong muốn mang lại dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho các bà mẹ và em bé từ khi mang thai đến khi sinh nở, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã tổ chức triển khai các Gói Chăm sóc Thai sản trọn gói. Tại đây, các bác sĩ theo dõi, tư vấn và chăm sóc chu đáo cho mẹ và bé từ thời kỳ thai nghén, đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn nhất có thể. Sau khi sinh, mẹ và bé sẽ được nghỉ ngơi, thư giãn trong phòng bệnh tiện nghi, tiêu chuẩn quốc tế với sự chăm sóc tận tình và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng tại bệnh viện.
Khách hàng quan tâm đến các gói chăm sóc thai sản của Vinmec vui lòng liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec toàn quốc TẠI ĐÂY.
XEM THÊM