Lao lực trong công việc, học tập và cuộc sống là biểu hiện của hầu hết mọi người trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, nếu như những dấu hiệu kiệt sức này không được quan tâm, cải thiện thì theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh về thể chất lẫn tinh thần.
1. Lao lực là gì?
Lao lực là tình trạng bất thường về sức khỏe thường gặp, phổ biến nhất là với những đối tượng đang trong độ tuổi lao động từ 20 - 55. Lao lực hay kiệt sức trong công việc, cuộc sống sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng về nhịp sinh học, nghiêm trọng hơn đó là sức đề kháng của người bệnh đối với môi trường xung quanh cũng sẽ bị giảm sút rất nhiều.
Giấc ngủ của người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng giảm tập trung và trí nhớ, không đủ năng lượng để sống cũng như học tập, làm việc.
Nguyên nhân của tình trạng con người bị kiệt sức có thể đến từ một số yếu tố như sau:
- Học tập, làm việc quá căng thẳng hay cường độ quá nhiều so với sức khỏe;
- Phụ thuộc vào những chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà...;
- Luyện tập thể dục thể thao quá sức;
- Nghiện game và xem phim trong thời gian dài.
2. Dấu hiệu kiệt sức
Một số dấu hiệu kiệt sức có thể phát hiện dễ dàng đó là:
- Mệt mỏi đến mức không cử động được cơ bắp hay thức dậy để đi làm;
- Sự hoài nghi và thiếu quan tâm đến công việc đang làm;
- Cảm thấy bản thân là người vô dụng: Cảm giác kém cỏi, không thể thực hiện công việc hiệu quả là tình trạng phổ biến với những người bị kiệt sức. Vì vậy, những người bệnh này sẽ không đạt được năng suất và thành tích như mong muốn;
- Trầm cảm: Sau khi những biểu hiện như mệt mỏi, hoài nghi, cảm thấy bản thân vô dụng xảy ra thì tình trạng trầm cảm sẽ càng dễ mắc phải. Đây là những biểu hiện có mối liên quan với nhau, một số nghiên cứu đã cho thấy nếu người bệnh bị trầm cảm thì sẽ lại dễ bị kiệt sức và lao lực hơn;
- Ghét công việc mà mình đang làm: Những nghiên cứu chỉ ra rằng sự không hài lòng về công việc là một trong những tác dụng phụ của tình trạng kiệt sức, cùng với đó là những bệnh lý liên quan đến thể chất người bệnh và tình trạng nghỉ làm;
- Mọi thứ xung quanh đều trở nên tồi tệ: Nếu stress trong công việc xảy ra quá nhiều hoặc người bệnh trở nên khó chịu với những đồng nghiệp, khách hàng của mình thì lúc này kiệt sức có thể là thủ phạm.
- Tâm trí thường đi lang thang: Khó tập trung là một trong những biểu hiện của lao lực liên quan đến tinh thần, cùng với đó là chứng giảm trí nhớ.
- Khó ngủ: Một số nghiên cứu đã đưa ra mối liên hệ giữa khó ngủ, ngủ không sâu với tình trạng kiệt sức. Vì người bệnh không đảm bảo được giấc ngủ của mình nên những bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, bệnh lý về thận cũng dễ dàng xảy ra nếu để tình trạng này kéo dài.
- Những cơn đau đầu khác: Nhà tâm lý học Herbert Freudenberger đã đưa ra khái niệm kiệt sức vào năm 1974 và cho rằng đau đầu thường xuyên là một trong những dấu hiệu thể chất của tình trạng rối loạn này. Tương tự như khó ngủ, đau đầu vẫn là một triệu chứng khó để giải quyết được một cách khoa học.
- Đau dạ dày: Đau dạ dày và ruột cũng có thể liên quan đến lao lực, điều này kèm với căng thẳng có thể làm hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm, từ đó gây nên những bệnh lý liên quan đến tiêu hóa.
- Uống rượu, ma túy và những hình thức giảm căng thẳng khác: Sử dụng thức ăn, đồ uống chứa cồn, ma túy để cảm thấy tốt hơn cũng được xem là một biểu hiện của kiệt sức trong công việc. Nếu lạm dụng bia rượu, ma túy cũng như béo phì vì ăn uống không kiểm soát thì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
- Kiệt sức và huyết áp: Nếu huyết áp tăng thì kiệt sức do công việc cũng có thể là một nguyên nhân, đồng thời người bệnh sẽ thấy tim đập nhanh hơn, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến thận và não bộ của bệnh nhân.
- Khát nước và mờ mắt là biểu hiện của đái tháo đường, nguyên nhân có thể đến từ kiệt sức.
Lao lực và kiệt sức là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe của người bệnh đang gặp bất thường, cần phải tìm hiểu và cải thiện ngay. Do đó, khi xuất hiện những dấu hiệu kiệt sức thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để tìm kiếm sự trợ giúp trong thời gian sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com