Dấu hiệu chuyển dạ là yếu tố quan trọng mà mỗi sản phụ cần nắm rõ khi đến gần ngày dự sinh. Nhận biết chính xác những dấu hiệu này sẽ giúp sản phụ chuẩn bị sẵn sàng và đến bệnh viện đúng thời điểm, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Hiểu rõ những thay đổi của cơ thể khi sắp chuyển dạ sẽ giúp mẹ bầu đón nhận quá trình sinh nở một cách chủ động và tự tin hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
1. Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình sinh lý tự nhiên xảy ra trong cơ thể người mẹ mang thai, trong đó thai nhi và các bộ phận phụ của thai (như nhau thai và màng ối) được đưa ra khỏi buồng tử cung qua âm đạo.
- Từ tuần 38 đến tuần 42 (trung bình là 40 tuần) phụ nữ có dấu hiệu chuyển dạ thì đó là sinh đủ tháng. Lúc này, thai nhi đã hoàn toàn trưởng thành và sẵn sàng phát triển ở môi trường ngoài tử cung.
- Thai nhi từ 22 đến 37 tuần tuổi khi chuyển dạ được gọi là sinh non tháng và vẫn có khả năng sống sót.
- Khi tuổi thai đã quá 42 tuần được xem là chuyển dạ sinh già tháng.
2. Một số dấu hiệu chuyển dạ
2.1. Tiền chuyển dạ
Giai đoạn tiền chuyển dạ là khoảng thời gian trước khi chuyển dạ thật sự, thường kéo dài vài tuần. Trong giai đoạn này, sản phụ sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Tăng tiết dịch âm đạo: Tình trạng này là sự mất nút nhầy cổ tử cung. Nút nhầy cổ tử cung vốn có chức năng bịt kín và bảo vệ cổ tử cung khỏi viêm nhiễm lúc này bong ra, tạo điều kiện cho thai nhi được chào đời.
- Sa bụng hay bụng bầu tụt xuống: Khi người phụ nữ mang thai tháng cuối, thai nhi sẽ dần di chuyển vào khu vực xương chậu khiến bụng bầu tụt xuống để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thật sự.
- Đi tiểu nhiều lần: Tình trạng bụng bầu tụt xuống tác động lên cổ tử cung và bàng quang, khiến mẹ bầu thường xuyên có cảm giác muốn đi tiểu.
- Tử cung xuất hiện những cơn co thắt không đều và nhẹ, không có dấu hiệu đau rõ ràng: Tình trạng này còn được gọi là cơn co thắt sinh lý Braxton Hicks hay gọi là chuyển dạ giả, chuyển dạ không thật sự. Khác với dấu hiệu của cơn đau chuyển dạ thật sự, các cơn co thắt này thường không đều, không đoán trước được và có mức độ đau không rõ ràng.
- Đau các khớp ở vùng xương chậu: Một trong những biểu hiện sắp sinh của người phụ nữ là các khớp ở vùng chậu bị đau. Các khớp ở vùng xương chậu mở rộng và trở nên linh hoạt hơn là dấu hiệu chuyển dạ thật sự có thể xảy ra.
- Vài ngày hoặc vài tuần trước khi có dấu hiệu chuyển dạ thực sự, cổ tử cung bắt đầu xóa và ra dịch màu nâu.
- Tiêu chảy: Do một số hormone kích thích ruột thường xuyên được sản sinh ra, sản phụ thường bị tiêu chảy hoặc nôn mửa. Đây chính là một dấu hiệu cho thấy quá trình sinh nở sắp diễn ra thuận lợi, giúp em bé sẵn sàng chào đời.
- Giảm cân và ngừng tăng cân: Trong những tháng cuối thai kỳ, cân nặng của sản phụ thường ổn định hoặc giảm đi do lượng nước ối giảm dần.
- Cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ: Sản phụ cảm thấy buồn ngủ thường xuyên hơn vì mất giấc do đi tiểu nhiều lần, chủ yếu là vào ban đêm.
- Bị chuột rút, đau lưng nhiều: Trong những dấu hiệu chuyển dạ, triệu chứng này xuất hiện nhiều hơn do các cơ, khớp vùng xương chậu và tử cung lúc này bị kéo căng ra.
Trắc nghiệm: Khi thai nhi 32 tuần, mẹ cần chú ý gì?
Khi bước vào tuần thứ 32 của thai kỳ, thai nhi sẽ có bước phát triển vượt trội và dẫn đến những thay đổi về mọi mặt trong cơ thể mẹ. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem khi thai 32 tuần chúng ta cần lưu ý những gì qua bài trắc nghiệm sau đây nhé.2.2. Dấu hiệu sắp sinh trong 24h
Trong thời gian này, những dấu hiệu xuất hiện chính là những dấu hiệu chuyển dạ thật sự. Khi xuất hiện 3 trong số 5 dấu hiệu chuẩn bị sinh sau đây, quá trình chuyển dạ thật sự sẽ bắt đầu:
- Cơn đau chuyển dạ thật sự: Cảm giác đau nhức âm ỉ ở vùng bụng dưới, lưng hoặc căng cơ vùng xương chậu là những dấu hiệu điển hình của cơn đau chuyển dạ. Cơn đau này thường xuất hiện đều đặn, mỗi cơn kéo dài khoảng 1 phút và lặp đi lặp lại liên tục không phụ thuộc vào vị trí hoặc hoạt động của sản phụ. Đặc biệt, cường độ của các cơn gò tử cung sẽ tăng dần, dồn dập lên.
- Âm đạo tiết ra dịch nhầy hồng.
- Khi khám trong, cổ tử cung có dấu hiệu xóa và mở.
- Đầu ối được thành lập.
- Sau mỗi cơn co tử cung, ngôi thai đều có sự tiến triển.
- Để xác định sản phụ có dấu hiệu chuẩn bị sinh thật sự, cổ tử cung phải mở đủ 10cm khi được khám âm đạo.
3. Khi có dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu nên làm gì?
Khi xuất hiện dấu hiệu báo hiệu em bé sắp chào đời, sản phụ cần bình tĩnh, không lo lắng và thực hiện những điều dưới đây vì ngày dự sinh mà bác sĩ đưa ra chỉ là một dự kiến và thực tế có thể khác:
- Khám thai đúng lịch để bác sĩ theo dõi.
- Làm quen với cơn đau.
- Kiểm soát hơi thở và thả lỏng cơ thể.
4. Biện pháp giảm đau khi có những biểu hiện sắp sinh
Nhằm chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sinh, thư giãn tinh thần và giảm bớt những cơn đau chuyển dạ, sản phụ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Các cơn đau chuyển dạ sẽ được thuyên giảm khi đi dạo, đi bộ hoặc thay đổi vị trí.
- Thư giãn đầu óc.
- Để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sinh, sản phụ cần ngủ đủ giấc để cơ thể không bị mệt mỏi.
- Massage cơ thể nhẹ nhàng.
- Tắm hoặc ngâm cơ thể trong nước ấm.
Việc nhận biết chính xác các dấu hiệu chuyển dạ hoặc biểu hiện sắp sinh thật sự không phải là điều dễ dàng đối với tất cả sản phụ. Do đó, khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, sản phụ cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán dấu hiệu chuyển dạ đúng nhất.
Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé, việc nhập viện sớm khi có các dấu hiệu chuyển dạ là vô cùng quan trọng. Nhiều trường hợp do đến cơ sở y tế quá muộn sau khi thai phụ bị vỡ ối đã khiến em bé bị ngạt, quá trình sinh nở gặp khó khăn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nhằm bảo vệ sức khỏe toàn diện cho mẹ và bé cũng như mang đến sự an tâm trong suốt quá trình chuyển dạ, Vinmec cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói. Gói dịch vụ này bao gồm các buổi khám thai định kỳ và các xét nghiệm cần thiết để theo dõi sức khỏe. Việc theo dõi tim thai và các cơn co tử cung được thực hiện bằng monitor sản khoa từ tuần 37 đến 40 để dự đoán thời điểm sinh chính xác.
Khi chuyển dạ, sản phụ sẽ được thực hiện các kỹ thuật giảm đau khi sinh và sau khi sinh như gây tê ngoài màng cứng và gây tê thần kinh thẹn (áp dụng cho phương pháp sinh thường) cùng các phương pháp điều trị đau sau mổ (dành cho phương pháp sinh mổ).
Đặc biệt, Vinmec còn cung cấp dịch vụ Plasma lạnh để giúp vết thương nhanh lành bao gồm vết mổ lấy thai, vết khâu tầng sinh môn, cuống rốn trẻ em và tình trạng cương sữa nhằm ngăn ngừa sưng đỏ, nhiễm trùng, khô, phẳng, mép liền đẹp, ít đau, không thâm tím, không lồi.
Nếu muốn sử dụng dịch vụ thai sản tại Vinmec, sản phụ có thể đăng ký trực tiếp trên website của bệnh viện để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.