Để dự phòng sinh non, trì hoãn chuyển dạ sinh non sẽ giúp thai nhi được nuôi dưỡng trong tử cung người mẹ càng lâu càng tốt. Một trong số các biện pháp được sử dụng đó là thuốc chống sinh non Atosiban. Vậy khi nào thì sử dụng Atosiban và cần phải lưu ý những điều gì?
1. Như thế nào được gọi là sinh non?
Khi sinh non, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như nhiễm trùng, khả năng thích nghi với môi trường sống bên ngoài tử cung kém do cơ thể chưa hoàn thiện và đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Chuyển dạ sinh non là khi có những cơn gò tử cung đều đặn kèm theo sự thay đổi ở cổ tử cung xuất hiện trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Đây được xem như một biến chứng của thai kỳ, bởi ngoài nguy cơ tử vong chu sinh ở trẻ sinh cực non, trẻ sinh non còn gặp phải những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết não thất, hội chứng nguy kịch hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, bại não và co giật. Tỷ lệ sinh non chiếm khoảng 11 - 12% trẻ sinh sống.
Chính bởi những hậu quả nặng nề trên mà các bác sĩ và bà bầu đều phải chú ý nhận ra những yếu tố nguy cơ và triệu chứng nhận biết cuộc chuyển dạ sinh non.
2. Các yếu tố nguy cơ và triệu chứng chuyển dạ sinh non mẹ bầu cần biết
2.1. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non bà bầu cần biết
- Bà bầu có tiền sử sinh non
- Bà bầu có cơn gò tử cung đều đặn
- Vỡ ối non
- Bà bầu có cổ tử cung yếu bẩm sinh do hở eo tử cung hay cổ tử cung ngắn hoặc thứ phát do khoét chóp, nong nạo cổ tử cung.
- Bà bầu bị nhiễm trùng như: nhiễm khuẩn âm đạo, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng tiểu
- Tử cung phình to quá mức do đa ối, đa thai
- Bà bầu có bất thường ở tử cung như: u xơ tử cung, tử cung đôi, tử cung có vách ngăn.
- Bánh nhau có bất thường: nhau tiền đạo, nhau bong non.
- Bà bầu hút thuốc lá: điều này liên quan đến việc vỡ ối non.
2.2. Những triệu chứng chuyển dạ sinh non cần biết
- Mẹ bầu bị đau bụng giống hành kinh
- Mẹ bầu bị đau lưng âm ỉ
- Cảm giác căng tức vùng bụng, vùng chậu
- Mẹ bầu có cơn đau quặn vùng bụng giống như tiêu chảy nhưng có hoặc không kèm theo tiêu chảy
- Thay đổi dịch âm đạo như nhiều hơn, có nhầy lẫn nước hoặc máu
- Tử cung có thể gò lên nhưng thông thường không đau.
Khi mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ hoặc thấy xuất hiện các triệu chứng trên cần nhanh chóng báo cho bác sĩ sản khoa biết để có hướng xử lý kịp thời. Hiện nay có nhiều cách để phòng ngừa và điều trị sinh non, một trong số đó là thuốc chống sinh non Atosiban.
3. Thuốc chống sinh non Atosiban được sử dụng khi nào?
Atosiban là một chất ức chế các hormone vasopressin và oxytocin. Thuốc Atosiban được sử dụng để làm chậm sinh non sắp xảy ra với phụ nữ có thai có các triệu chứng sau:
- Cơn co tử cung đều đặn với thời gian ít nhất là 30 giây vời tần suất ≥ 4 cơn/30 phút
- Cổ tử cung giãn từ 1 - 3cm (0-3cm với phụ nữ chưa sinh đẻ)
- Xóa cổ tử cung ≥ 50%
- Tuổi sản phụ ≥ 18 tuổi
- Tuổi thai 24 - 33 tuần đủ
- Nhịp tim thai bình thường.
Thuốc Atosiban chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tuổi thai < 24 tuần hoặc > 33 tuần
- Ối vỡ sớm trên 30 tuần của thai kỳ
- Nhịp tim thai bất thường
- Bà bầu bị xuất huyết tử cung trước khi sinh, cần phải sinh ngay
- Trường hợp sản phụ bị sản giật, tiền sản giật nghiêm trọng cần phải sinh ngay
- Thai chết lưu
- Bà bầu nghi ngờ bị nhiễm trùng tử cung
- Rau tiền đạo, rau bong non
- Hoặc các dấu hiệu khác của mẹ hoặc thai nhi khiến cho việc kéo dài thời gian mang thai sẽ gây nguy hiểm.
4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc chống sinh non Atosiban
Thuốc Atosiban là thuốc chống sinh non có hiệu quả làm chậm tiến triển chuyển dạ sinh non trong 7 ngày, có tác dụng phụ ít nguy hiểm hơn các thuốc khác và tần số xảy ra các tác dụng phụ cũng ít gặp hơn. Chính vì vậy cho tới hiện nay Atosiban được Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng Gia Anh khuyến cáo cho điều trị cắt cơn co tử cung. Trong khi Nifedipine (một loại thuốc khác cũng được sử dụng trong điều trị chống sinh non) bị chống chỉ định trên các bệnh nhân đái tháo đường, có bệnh lý tim mạch kèm theo hoặc đa thai, thì Atosiban lại là sự lựa chọn thích hợp để giảm gò thích hợp cho các đối tượng này. Chính vì các ưu điểm trên nên Atosiban dường như được xem là một trong những lựa chọn an toàn cho việc điều trị dọa sinh non.
Tuy nhiên khi sử dụng Atosiban, bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau:
- Thuốc Atosiban là thuốc chống sinh non cho nên chỉ được sử dụng khi đã được chẩn đoán có nguy cơ sinh non khi ở tuần thứ 24 đến tuần thứ 33 của thai kỳ
- Trong thời gian mang thai, bà bầu cũng đang cho con bú thì cần ngừng cho bú trong suốt thời gian sử dụng thuốc Atosiban. Bởi khi cho con bú sẽ làm giải phóng hormone oxytocin có thể làm tăng thêm sự co bóp của tử cung, điều này sẽ chống lại tác dụng của thuốc Atosiban
- Trong các thử nghiệm lâm sàng, người ta cho rằng Atosiban không ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Tuy nhiên có một lượng nhỏ thuốc Atosiban đã được chứng minh có thể truyền từ huyết tương vào sữa mẹ.
Thuốc Atosiban là thuốc chống sinh non được sử dụng trong điều trị dọa sinh non, giúp cho thai nhi được phát triển tốt nhất trong bụng mẹ. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ sản khoa, cần trao đổi với bác sĩ điều trị ngay nếu có bất kỳ gì còn phân vân hoặc xuất hiện những triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc.
Chương trình Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp khách hàng thực hiện đầy đủ các mốc khám thai và các xét nghiệm cần thiết trong quá trình mang bầu, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ sinh non. Khách hàng đăng ký Thai sản trọn gói được chăm sóc, kiểm tra sức khỏe mẹ và bé trước khi sinh - trong khi sinh và sau khi sinh một cách đầy đủ, tận tâm.
Hiện Vinmec đang có những gói Thai sản trọn gói bao gồm:
- Chương trình chăm sóc Thai Sản 2019 – Chuyển Dạ
- Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 – 36 tuần
- Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 – 27 tuần
- Chương trình chăm sóc Thai sản 2019 – 12 tuần
Quý khách có nhu cầu tư vấn và liên hệ đăng ký đặt lịch khám có thể liên hệ hệ thống Bệnh viện, phòng khám Vinmec TẠI ĐÂY.