Dấu hiệu bệnh trĩ, cách điều trị

Nhận biết dấu hiệu bệnh trĩ là chìa khóa để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, phần lớn là dân văn phòng sau 30 tuổi. Tuy nhiên, do vị trí nhạy cảm, nhiều người thường e dè, ngại đi khám, dẫn đến tình trạng bệnh nặng thêm, đe dọa tính mạng người bệnh.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1. Tìm hiểu về bệnh trĩ

Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra, tương tự như giãn tĩnh mạch chân.

Trĩ là bệnh lý phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng ở Việt Nam, ảnh hưởng đến 35-50% dân số. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, bệnh trĩ có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc của người bệnh.

Dựa trên mức độ tiến triển của búi trĩ, bác sĩ có thể phân loại bệnh trĩ nội thành 4 cấp độ sau:

  • Trĩ độ 1: Ở giai đoạn đầu này, bệnh còn nhẹ, búi trĩ nằm hoàn toàn bên trong ống hậu môn và chưa lòi ra ngoài.
  • Trĩ độ 2: Khi cần đi đại tiện, búi trĩ sẽ lòi ra ngoài. Sau khi đi xong, búi trĩ tự thụt vào.
  • Trĩ độ 3: Lúc này búi trĩ dễ dàng sa ra ngoài mỗi khi đi cầu, phải dùng tay để đẩy búi trĩ vào.
  • Trĩ độ 4: Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh trĩ, búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài ngay cả khi người bệnh không đi vệ sinh, ví dụ như khi ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều. Ở giai đoạn này, bệnh trĩ gây ra nhiều khó khăn trong việc đại tiện và sinh hoạt.

2. Dấu hiệu bệnh trĩ

Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trĩ ở giai đoạn đầu là chìa khóa để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh trĩ thường gặp:

  • Chảy máu khi đi cầu không kèm theo cảm giác đau đớn: Chảy máu là dấu hiệu bệnh trĩ phổ biến. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ thấy một ít máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Khi dấu hiệu bệnh trĩ này nặng hơn, khi rặn, lượng máu chảy sẽ nhiều hơn, thành giọt hoặc thành tia, thậm chí có thể chảy ra ngay cả khi ngồi xổm.
  • Cảm giác ngứa rát hoặc kích thích hậu môn do dịch nhầy tiết ra từ niêm mạc ống hậu môn.
  • Cảm giác đau hoặc khó chịu ở hậu môn có thể dao động từ mức độ không đau, hơi đau đến rất đau, do các nguyên nhân như nứt hậu môn, tắc nghẽn.
  • Sưng tấy ở khu vực xung quanh hậu môn.
  • Một khối nhô lên gần hậu môn, gây cảm giác rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ). 
Cảm giác đau hoặc khó chịu vùng hậu môn khi đi cầu là một trong những dấu hiệu bệnh trĩ.
Cảm giác đau hoặc khó chịu vùng hậu môn khi đi cầu là một trong những dấu hiệu bệnh trĩ.

Để điều trị bệnh trĩ hiệu quả nhất, bác sĩ sẽ dựa trên dấu hiệu bệnh trĩ và mức độ bệnh của từng người để đưa ra phương pháp phù hợp. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm cả nội khoa và ngoại khoa.

3. Biến chứng của bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn hoặc suốt đời. Nhiều người mắc bệnh mà không hề hay biết, chỉ đến khi búi trĩ to ra gây cọ xát, chảy máu và đau đớn thì mới chịu đi khám. Tuy nhiên, việc điều trị trĩ ở giai đoạn 4 sẽ khó khăn và tốn kém hơn nhiều do đã có biến chứng.

Các biến chứng phổ biến nhất của bệnh trĩ bao gồm:

  • Chảy máu hậu môn do trĩ nếu xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến thiếu máu mãn tính, gây suy giảm hồng cầu trong máu. Biến chứng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể cần truyền máu hoặc nhập viện điều trị. Lưu ý, tình trạng chảy máu do trĩ ở nam giới thường nghiêm trọng hơn nữ giới do cấu tạo đường hậu môn khác nhau.
  • Trĩ sa nghẹt: Búi trĩ bị lòi ra ngoài hậu môn và không thể tự co lại vào trong, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Biểu hiện thường gặp là búi trĩ sưng to, căng đỏ, gây đau đớn dữ dội khi ấn vào, thậm chí có thể hoại tử.
  • Tắc mạch trĩ: Do ứ trệ máu, cục máu đông hình thành trong búi trĩ, gây đau đớn và có thể hoại tử.
  • Viêm loét và nhiễm trùng: Búi trĩ có thể dẫn đến viêm da quanh hậu môn, viêm nhú hoặc viêm khe, gây ngứa ngáy và đau rát. Tình trạng này xảy ra khi các vết loét hoặc hoại tử ở búi trĩ khiến vết thương tiếp xúc trực tiếp với phân, nơi chứa nhiều vi khuẩn.
  • Một nghiên cứu 10 năm (2000-2010) của Đại học Y Khoa Đài Trung cho thấy người bệnh trĩ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp 2,9 lần. Tuy nhiên, việc điều trị trĩ có thể giảm nguy cơ này tới 50%.

4. Khi nào bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ?

Khi xuất hiện dấu hiệu bệnh trĩ, mọi người nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị phù hợp. Với trường hợp trĩ nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn chế độ ăn uống và kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng trĩ trở nặng, bệnh nhân cần được phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật loại bỏ búi trĩ, kết hợp với điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tại bệnh viện.

Khi bệnh trĩ gây biến chứng nặng như chảy máu thành tia, hoại tử hậu môn, đau rát dữ dội khiến sinh hoạt khó khăn, người bệnh cần lập tức đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trang bị máy cắt trĩ PPHO3 thế hệ mới, giúp cầm máu hiệu quả, đường khâu chắc chắn và cắt bỏ triệt để khoanh niêm mạc kèm trĩ nhờ khoang chứa dung tích lớn. Do vậy, người có dấu hiệu bệnh trĩ nên đến Vinmec để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ

Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe