Thuốc Outgro: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Outgro được dùng trong điều trị ngứa, đau trên da do da bị trầy xước, bỏng nhẹ, bị côn trùng cắn. Ngoài ra, thuốc cũng được bác sĩ chỉ định điều trị nhiều căn bệnh khác. Vậy khi dùng thuốc Outgro cần lưu ý những gì?

1. Thuốc Outgro có tác dụng gì?

Thuốc Outgro có tên gọi chung là Benzocaine, là hóa chất gây tê cục bộ, có tác dụng làm mất cảm giác tạm thời trên da, được dùng ngoài da để làm giảm triệu chứng đau, ngứa do một số vấn đề về da gây ra như trầy xước, bỏng nhẹ, côn trùng cắn. Outgro cũng được dùng để làm giảm cảm giác khó chịu và ngứa do bệnh trĩ và một số vấn đề khác ở các cơ quan vùng hậu môn, sinh dục như ngứa âm đạo, nứt hậu môn, ...

2. Cách sử dụng thuốc Outgro

Trước khi sử dụng thuốc Outgro dạng dung dịch trên da, cần làm sạch và lau khô vùng bị tổn thương theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó, bôi một lớp mỏng thuốc lên. Nếu sử dụng Outgro dạng xịt, hãy lắc đều bình đựng trước khi sử dụng. Khi xịt, cần để bình thuốc cách xa vùng bị thương khoảng 15 - 30cm, xịt ướt vùng da này nhưng tránh để bình xịt gần mắt, mũi hoặc miệng. Không dùng thuốc để bôi hoặc xịt toàn thân hoặc trên một khu vực rộng lớn vì có thể làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ.

Sau khi dùng tay để bôi thuốc cần rửa tay ngay trừ khi vùng da tay đang được điều trị bằng thuốc Outgro. Khi dùng, nếu thuốc bị dính vào mắt, mũi, miệng cần rửa sạch ngay bằng nước. Tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng khác nhau. Không lạm dụng thuốc, dùng nhiều hơn hoặc lâu hơn so với chỉ dẫn vì có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hoặc cảm thấy cơ thể bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế ngay lập tức.


Thuốc Outgro được bôi trên vùng da bị tổn thương
Thuốc Outgro được bôi trên vùng da bị tổn thương

3. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Outgro

Tác dụng phụ không nghiêm trọng: Kích ứng tạm thời tại chỗ bôi thuốc với các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, cảm giác bị châm chích. Nếu những triệu chứng này kéo dài và trở nên nghiêm trọng, người bệnh phải báo với bác sĩ ngay.

Tác dụng phụ nghiêm trọng: Thở chậm, thở nông, tim đập chậm hoặc không đều, co giật. Khi dùng thuốc Outgro và thấy có những biểu hiện này, người bệnh cần được nhận trợ giúp y tế ngay lập tức.

Tác dụng phụ rất nghiêm trọng hiếm gặp: Rối loạn máu có thể dẫn đến tử vong với các biểu hiện như da tái xanh, mệt mỏi đột ngột, bất thường, khó thở, tim đập nhanh, nhức đầu, chóng mặt, lú lẫn, có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc vài phút hoặc vài giờ. Tác dụng phụ này có nguy cơ xảy ra cao hơn ở những người có vấn đề về hô hấp hoặc mắc các bệnh về máu, có thói quen hút thuốc lá. Khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và cần được đưa đi cấp cứu.

Tác dụng phụ rất nghiêm trọng và rất hiếm gặp: Dị ứng với thuốc Outgro rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện phản ứng với thuốc như phát ban, sưng, ngứa ở mặt, lưỡi, cổ họng, khó thở, chóng mặt, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

4. Những lưu ý khi dùng thuốc Outgro

Cho bác sĩ biết về tình trạng dị ứng với thuốc Outgro, thành phần của thuốc, đặc biệt là thuốc gây mê nói riêng và dị ứng nói chung. Bên cạnh đó, bạn cần cung cấp thông tin tiền sử bệnh cho bác sĩ, đặc biệt là các bệnh về tim, rối loạn máu (thiếu men G6PD, NADH-methemoglobin, pyruvate kinase, bệnh men hemoglobin-M), các bệnh về hô hấp như hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản, có thói quen hút thuốc hoặc trên vùng da bị tổn thương đang bị nhiễm trùng, rạn da, ...

Nếu phải điều trị phẫu thuật (bao gồm tiểu phẫu nha khoa), cần cho bác sĩ điều trị biết về các loại thuốc và thảo dược (bao gồm kê đơn và không kê đơn) đang sử dụng. Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú sữa mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Outgro. Không tự ý dùng thêm thuốc khác, tăng hoặc giảm liều các loại thuốc khác đang dùng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ vì có thể dẫn đến tình trạng tương tác thuốc.

Outgro có thể được dùng dưới dạng dung dịch bôi hoặc xịt trên da, có tác dụng làm giảm ngứa, giảm đau trên da khi bị bỏng nhẹ, trầy xước, côn trùng cắn hoặc mắc bệnh trĩ và những vấn đề khác ở vùng hậu môn, sinh dục. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe