Hỏi
Chào bác sĩ,
Em sinh bé thứ 2 được 4,5 tháng. Em thường phải bồng bế bé đi tới đi lui nhiều và cũng phải leo cầu thang hàng ngày nhiều do phòng trên cao. Hiện nay khớp gối em phát ra nhiều tiếng lục cục mỗi khi em co duỗi hay đổi tư thế. Đồng thời em mỏi nhừ mỗi khi đứng lâu hoặc bế bé. Hiện đang giãn cách em không tới bệnh viện khám chụp chiếu được. Bác sĩ cho em hỏi, đầu gối lục cục có phải dấu hiệu của thoái hóa khớp gối không?
Lê Anh Thư (1986)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Đầu gối lục cục có phải dấu hiệu của thoái hóa khớp gối không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hóa và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.
Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối. Theo nguyên nhân chia hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát. Chẩn đoán xác định áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán của Hội thấp khớp học Mỹ-ACR (American College of Rheumatology), 1991 bao gồm: Có gai xương ở rìa khớp (trên X Quang). Dịch khớp là dịch thoái hoá. Tuổi trên 38. Cứng khớp dưới 30 phút. Có dấu hiệu lục khục khi cử động khớp.
Như vậy dấu hiệu “Lục cục khớp gối” của bạn có khả năng là thoái hóa khớp gối. Do đang thực hiện giãn cách xã hội, bạn chưa thể đi khám ngay được, bạn có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà như sau:
- Giảm cân: Giảm cân đồng nghĩa với giảm tải trọng cho khớp gối. Việc làm này sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng đau đầu gối do viêm xương khớp. Duy trì cân nặng hợp lý (BMI < 23kg/m2).
- Tập thể dục đều đặn: Việc thường xuyên tập thể dục có thể hỗ trợ tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh đầu gối, đồng thời giúp khớp ổn định hơn và giảm đau. Vận động với cường độ vừa phải (30 phút/ngày, 5 ngày/tuần) sẽ giúp các khớp dẻo dai, tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính. Đi bộ, tập yoga, đạp xe là môn thể thao tốt cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm khớp.
- Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu đau mỏi hai khớp gối nhiều như: Paracetamol: 1g -2g/ ngày. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như: Etoricoxib, Celecoxib hoặc Meloxicam. Nếu bạn đang cho con bú, không nên sử dụng nhóm thuốc này.
- Khi hết giãn cách xã hội, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám, làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán như: chụp X-quang hoặc MRI khớp gối, siêu âm khớp gối... và được tư vấn điều trị.
Nếu bạn còn thắc mắc về thoái hóa khớp gối, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.