Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Nhiễm trùng khoang dưới hàm là bệnh lý có tỷ lệ người mắc bệnh cao và gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, nhận biết các triệu chứng bệnh sẽ giúp mọi người có biện pháp phòng ngừa và phát hiện bệnh lý kịp thời. Vậy đau do nhiễm trùng khoang dưới hàm có đặc điểm như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Nhiễm trùng khoang dưới hàm là gì?
Nhiễm trùng khoang dưới hàm là tình trạng viêm tấy mô mềm trong khoang dưới hàm – nằm ở vị trí bên dưới miệng. Tình trạng này xảy ra ở cả hai bên hàm và diễn ra nhanh chóng, dẫn đến viêm tấy toàn bộ vùng trên xương móng, khoang dưới hàm, sàn miệng và khoang dưới lưỡi.
Bệnh lý thường xuất phát từ các nhiễm trùng răng miệng mà chủ yếu là răng hàm thứ 2 và thứ 3 hoặc từ một áp xe quanh amidan. Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh bao gồm nhổ răng, chấn thương, vệ sinh răng miệng kém...
2. Các dạng nhiễm trùng khoang dưới hàm và triệu chứng
2.1. Bệnh viêm nhiễm nguyên nhân do răng
Phần lớn nhiễm trùng khoang dưới hàm xảy ra do răng sâu tiến triển thành tuỷ thối, viêm quanh chóp cấp tính hoặc mãn tính, Các bệnh lý nhiễm trùng khoang dưới hàm do răng như sau:
Viêm mô tế bào
Tình trạng viêm lan tỏa khắp mô mềm chứ không giới hạn như khi bị áp xe, nguyên nhân thường do sâu răng dẫn đến thối tủy hoặc chấn thương tạo nên các sang thương quanh gốc răng như u nang, áp xe, u hạt... hoặc viêm quanh chân răng khi mọc răng khôn, sang chấn, viêm nha chu. Tình trạng viêm mô tế bào được chia thành viêm mô tế bào tụ và viêm mô tế bào lan tỏa.
Viêm mô tế bào tụ: Bao gồm các thể bệnh bán cấp, cấp tính và hoại thư với đặc điểm các triệu chứng như sau:
- Thể cấp tính: Người bệnh có triệu chứng sưng vùng mặt, sưng che lấp các rãnh và lõm trên mặt. Mức độ sưng phụ thuộc vào nguyên nhân và độc tính của loại vi khuẩn, vùng da bị sưng hơi nóng, ít đỏ, ít đau và không in dấu ngón tay khi ấn vào;
- Thể bán cấp: Xuất hiện sau viêm có huyết thanh. Trường hợp một áp xe người bệnh có triệu chứng sưng đỏ da vùng viêm, sờ hơi nóng, vùng sưng có ranh giới rõ tròn và mềm ở vùng giữa, xung quanh cứng và có cảm giác vùng sưng dính vào răng.
- Thể hoại thư: Tình trạng trung gian giữa viêm tụ và viêm lan tỏa, người bệnh có triệu chứng sốt cao, người mệt mỏi, vùng sưng ở mặt khi sờ có tiếng lạo sạo;
Viêm mô tế bào lan tỏa: Triệu chứng toàn thân của người bệnh ở những ngày đầu bao gồm sốt cao, rét run, mạch nhanh, mê sảng, nôn, khó thở, tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong sau 2 đến 3 ngày vì nhiễm độc toàn thân.
Viêm xương hàm
Thường xảy ra chủ yếu do sự xâm nhập của vi trùng theo ống tủy vào giữa xương – nơi không có bạch huyết và màng xương bảo vệ. Người bệnh thường xuất hiện triệu chứng sốt cao kèm ớn lạnh, mệt lã người, đau quai hàm, đau nhức răng dữ dội lan tỏa khắp xương hàm, trong miệng có nhiều răng bị lung lay và có triệu chứng của viêm khớp răng.
- Viêm xoang hàm: Người bệnh bị viêm xoang hàm do răng có triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, ngất, sốt, vị trí vùng xoang viêm bị sưng, ấn vào đau. Kết quả chụp X – quang cho thấy xoang bị mờ tại vị trí viêm do sự hiện diện của mô viêm hoặc tích tụ chất dịch trong khoang, kèm theo đó là triệu chứng đau tức nửa mặt âm ỉ, đau lan tới mí mắt dưới và tăng cho đến khi mủ tại vị trí viêm được thoát ra.
- Áp xe má: Là tình trạng nhiễm trùng do mọc răng khôn hoặc do răng sâu, người bệnh có triệu chứng đau hoặc không. Trong trường hợp nhiễm trùng gây viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ăn uống khó, mệt mỏi, sốt, đau nhức, mất ngủ. Các triệu chứng tại chỗ bao gồm sưng đỏ đau vùng má, vùng dưới hàm, vùng mang tai, nước bọt tiết ra nhiều, khó nuốt, khó thở...
2.2. Bệnh viêm nhiễm không do nguyên nhân răng
Bệnh Noma: Bệnh lý gây loét hoại tử xương hàm và phần mềm vùng mặt. Người bệnh có triệu chứng sốt cao, toàn thân mệt mỏi, xanh xao, thể trạng yếu, mạch nhanh, hơi thở hôi và chảy nhiều nước bọt. Triệu chứng tại chỗ bao gồm viêm loét nướu lan nhanh đến các mô lân cận dẫn đến hoại tử thủng môi, má và lộ xương.
Viêm tuyến nước bọt: Giai đoạn viêm có mủ người bệnh xuất hiện triệu chứng sưng tuyến nước bọt dưới hàm, sốt tăng cao, người mệt mỏi, mạch nhanh; triệu chứng tại chỗ bao gồm các cơn đau, đau lan tỏa đến cổ và thái dương, há miệng khó, giảm thính giác, cảm giác khô họng, viêm họng đau quai hàm. Giai đoạn viêm hoại tử xảy ra khi người bệnh suy kiệt, người mệt mỏi, vùng da tại vị trí viêm có nhiều tổ chức bị hoại tử, sờ tuyến nước bọt bị viêm nghe tiếng lạo xạo và có thể xuất hiện mủ chảy ra.
3. Phòng bệnh nhiễm trùng khoang dưới hàm
Nhiễm trùng khoang dưới hàm có thể phòng tránh được, đặc biệt là đối với các trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng do các nguyên nhân về răng miệng. Một số biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng, đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ chuyên dụng;
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng như sâu răng, viêm nha chu, viêm tủy răng, viêm lợi... việc phát hiện sớm sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
=>> Lời khuyên từ Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Nhiễm trùng khoang dưới hàm có thể gây ra nhiễm khuẩn máu nếu nhiễm khuẩn lan rộng. Vì vậy nhiễm khuẩn khoang dưới hàm cần được xử trí ngay khi phát hiện.
Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những phân ngành lớn và quan trọng của khối lâm sàng. Là một chuyên khoa phụ trách điều trị bệnh lý chuyên sâu và thẩm mỹ trên toàn bộ cấu trúc răng (răng, xương răng, tuỷ răng,...), hàm (vòm miệng, quai hàm, khớp hàm,...) và mặt (xương trán, xương gò má, xương thái dương,...).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.