Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Đau dạ dày thường xuyên gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống cho người bệnh. Ngày nay, căn bệnh này đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy đau dạ dày không gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nhưng chúng gây ra rất nhiều triệu chứng như: buồn nôn, trào ngược dạ dày, ợ chua, ợ hơi,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Những cơn đau dạ dày là gì?
Bệnh đau dạ dày xảy ra do niêm mạc dạ dày của người bệnh đang bị tổn thương và không được điều trị kịp thời nên dẫn đến tình trạng viêm loét. Những bệnh nhân bị đau dạ dày sẽ gặp phải các cơn đau bao tử trong thời gian dài, thường xuất hiện vào ban đêm hoặc rạng sáng, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Theo nghiên cứu, bệnh đau dạ dày thường được ghi nhận là một cơn đau xuất hiện tại 3 vùng đặc trưng của cơ thể là vùng bụng giữa, vùng bụng phía trên bên trái và vùng đặc trưng nhất là thượng vị (chính là vùng bụng trên rốn).
Ngoài việc phải chịu đựng những cơn đau và bất tiện trong cuộc sống thì bệnh nhân bị đau dạ dày nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ phải hứng chịu các biến chứng vô cùng nguy hiểm, ví dụ như ung thư dạ dày và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân.
2. Đau dạ dày thường xuyên, dai dẳng là cảnh báo những bệnh gì?
Những bệnh nhân bị đau dạ dày dai dẳng, thường lặp đi lặp lại trong một thời gian dài chính là lời cảnh báo từ cơ thể, đây là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa như:
2.1 Viêm loét dạ dày và hành tá tràng
Đây là một căn bệnh thường xảy ra khi vùng dạ dày và hành tá tràng của người bệnh đang xảy ra tình trạng viêm loét. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này được cho là do vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP) gây ra hoặc do người bệnh sử dụng quá mức lượng thuốc kháng viêm không có steroid (NSAIDs).
Dưới đây là những triệu chứng điển hình của căn bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng:
- Bệnh nhân bị đầy bụng, hay bị buồn nôn, và gặp phải tình trạng khó tiêu.
- Đau dạ dày thường xuyên tại xung quanh vùng bụng phía trên rốn (hay còn được gọi là vùng thượng vị).
- Ợ chua, ợ hơi hoặc bị nóng rát tại vùng thượng vị.
- Ngủ không ngon giấc, thường xuyên mất ngủ, tình trạng này xảy ra là do dạ dày của người bệnh luôn có cảm giác khó chịu, đau đớn, khiến cho giấc ngủ của người bệnh bị gián đoạn.
- Bệnh nhân bị rối loạn đường tiêu hóa, triệu chứng thường gặp nhất gồm có táo bón, tiêu chảy, sôi bụng.
Những cơn đau dạ dày thường xuất hiện khi người bệnh đang đói bụng, thời điểm phổ biến nhất là sau bữa ăn khoảng 2 - 3 tiếng, tuy nhiên người bệnh có thể bị đau vào lúc nửa đêm, hay rạng sáng. Những cơn đau này thường chỉ ở mức độ âm ỉ, bị tức bụng, đôi lúc có thể chuyển thành các cơn đau quặn từng cơn.
Nếu tình trạng viêm loét dạ dày kéo dài sẽ khiến suy giảm sức khỏe của người bệnh và có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như chảy máu dạ dày, và thậm chí còn có thể xuất hiện những lỗ thủng, rò tại các khu vực này, nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh cũng là nguy cơ dẫn đến phát triển các khối u ung thư.
Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh được tổng hợp bao gồm:
- Xuất huyết (tức là chảy máu các vết loét từ dạ dày, hành tá tràng): đây là biến chứng phổ biến nhất hiện nay, có khoảng 15-20% các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng sẽ có một hay nhiều lần bị chảy máu, thông thường người già sẽ có tỷ lệ bị chảy máu dạ dày cao hơn so với người trẻ tuổi. Những biến chứng viêm loét có thể báo hiệu dấu hiệu đầu tiên hoặc xảy ra trong những đợt viêm loét tiến triển.
- Thủng hay dò các ổ loét: đây được coi là một biến chứng thứ hai, xuất hiện sau các triệu chứng chảy máu dạ dày, khởi đầu bởi những cơn đau dữ dội như đang bị dao đâm vào.
- Hẹp môn vị: thường được gặp do ổ loét hành tá tràng gây biến dạng hành tá tràng, u tiền môn vị hay hang vị, bệnh nhân thường xuất hiện các cơn đau tại vùng thượng vị, nôn ra các thức ăn vừa ăn và thức ăn cũ.
- Ung thư hóa: tỷ lệ bị ung thư hóa là khoảng 5-10% và khi đó thời gian bị viêm loét dạ dày đã kéo dài >10 năm.
2.2 Ung thư dạ dày
Khoảng 25% bệnh nhân ung thư dạ dày có tiền sử loét dạ dày. Thường diễn tiến từ viêm dạ dày mãn tính sang viêm dạ dày teo mạn tính, dị sản ruột, loạn sản và cuối cùng ung thư tuyến.
Các yếu tooe nguy cơ: vi khuẩn Helicobacter Pylori, chế độ ăn mặn hoặc ăn các thực phẩm bảo quản bằng muối, hút thuốc, rượu, ...
Những dấu hiệu thường gặp:
- Đau vùng thượng vị (nằm trên rốn) lúc đầu đau nhẹ, mơ hồ, nhưng đau nhiều hơn và liên tục khi bệnh tiến triển
- Cảm giác buồn nôn và nôn, hoặc ăn không ngon, nhanh no
- Khi tình trạng bệnh trở nên nghiệm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau đớn cả khi no và đói, cơ thể trở nên gầy đi, da bắt đầu xanh xao, luôn cảm thấy mệt mỏi, có thể nôn máu, đại tiện phân đen.
- Có thể có dấu hiệu hoặc triệu chứng di căn xa. Vị trí thường gặp gan, phúc mạc, hạch, ...
Ngay sau khi phát hiện mình đang có các dấu hiệu điển hình của các bệnh đau dạ dày, bạn cần đến ngay những cơ sở uy tín để được chẩn đoán chính xác nhất và nhận được những phương án điều trị kịp thời. Điều này sẽ giúp bạn phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và cải thiện được chất lượng cuộc sống của chính bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.