Đau cổ tay bên trụ: Những điều cần biết

Đau cổ tay bên trụ là triệu chứng thường gặp ở những đối tượng thường xuyên vận động cơ bàn tay và cánh tay. Tình trạng này khiến cho người bệnh gặp nhiều trở ngại trong cử động và sinh hoạt hàng ngày. Việc chẩn đoán, thăm khám và điều trị sớm giúp người bệnh có cơ hội điều trị, phục hồi nhanh chóng hơn.

1. Các vấn đề về đau cổ tay bên trụ

Cổ tay là thuật ngữ được sử dụng để mô tả khớp nối giữa bàn tay với cẳng tay. Cấu tạo của cổ tay thực tế khá phức tạp, bao gồm có tám xương nhỏ hơn nối với năm xương chính của bàn tay với xương ở cẳng tay là xương xoay và xương trụ. Đau bên ngón út là xương bên trụ xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là chấn thương xương, sụn, dây chằng hoặc gân.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng đau cổ tay bên trụ bao gồm:

  • Gãy xương cổ tay: Khi gặp các chấn thương trong quá trình tham gia các môn thể thao bao gồm bóng đá, bowling, golf, tennis... khiến trật khớp cổ tay cùng với những cơn đau nhức, sưng tấy mỗi khi bàn tay cử động. Và trầm trọng hơn có thể gây ra tình trạng gãy xương cổ tay.
  • Viêm khớp: Tình trạng viêm ở cổ tay có thể bao gồm hội chứng de Quervain là tình trạng gân ở ngón tay cái của cổ tay bị viêm và sưng lên gây cho người bệnh cảm giác đau rát bên trong cổ tay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm này mặc dù chưa được xác định cụ thể, nhưng thương liên quan đến chấn thương hoặc những động tác sử dụng tay nhiều lần và lặp lại. Ngoài ra, có thể gặp tình trạng viêm gân cổ tay khi người bệnh thực hiện một chuyển động lặp đi lặp lại nhiều lần mà chỉ liên quan đến cổ tay. Khi đó, sẽ làm cho xương cổ tay cọ xát vào nhau nhiều và gây ra viêm. VIêm gân cổ tay gây ra đau nhức, đồng thời hạn chế các cử động cầm nắm ngón tay. Hoặc viêm bao hoạt dịch với những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng tạo thành lớp đệm cho các khớp, trong đó có cả khớp cổ tay. Khi bao hoạt dịch ở cổ tay bị viêm thì sẽ khiến cho vùng cổ tay đau, sưng nhiều và rát đỏ.
  • Hội chứng xung đột bên trụ khi xương trụ dài hơn xương xoay và có thể làm cho nó va vào các xương ở cổ tay có kích thước nhỏ hơn.
  • Chấn thương dây chằng sụn sợi tam giác cổ tay. Tình trạng này xuất hiện khi các dây chằng kết nối giữa xương trụ và các xương khác trong cổ tay bị rách do chấn thương hoặc bị cọ mòn theo thời gian.
  • Tổn thương thần kinh hoặc hội chứng ống trụ, hội chứng này có chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay khiến cho các biểu hiện của ngón áp út và ngón có cảm giác tê, bàn tay giảm vận động, teo cơ, đau đớn...
  • Khối u lành tính có thể là u nang hoạt dịch.

2. Các triệu chứng phổ biến của đau cổ tay bên trụ

Dấu hiệu của đau cổ tay bên trụ thường cảm thấy đau ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc vận động. Các triệu chứng điển hình có thể bao gồm:

  • Đau cổ tay bên ngón út khi thực hiện các cử động, hoặc làm việc. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi thì cơn đau có thể thuyên giảm.
  • Khi thực hiện xoay cổ tay hoặc làm sấp ngửa cẳng tay thì xuất hiện các tiếng lách cách hoặc bốp.
  • Chống tay đứng lên sau khi ngồi có thể gây đau và là triệu chứng của đau cổ tay bên trụ.
  • Khi thực hiện cầm nắm đồ vật thì sức cầm nắm của bàn tay bị suy giảm
  • Vận động thực hiện bằng tay hoặc cổ tay sẽ bị giảm hoặc hạn chế.

3. Điều trị bệnh đau cổ tay bên trụ

Điều trị đau cổ tay bên trụ tuỳ thuộc vào kết quả chẩn đoán của mỗi người bệnh. Trước khi điều trị thì người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán trở nên nhanh và chính xác hơn.

  • Quét hình ảnh xương khớp thì ngoài chụp Xquang truyền thống, bác sĩ có thể áp dụng công nghệ CT scan và MRI. Thông qua những hình ảnh đa chiều bác sĩ có thể thấy được từng khớp cổ tay, cẳng tay và bàn tay, từ đó nhận diện được các vấn đề liên quan đến tổn thương hoặc nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác.
  • Nội soi khớp thông qua vết mổ nhỏ trên cổ tay và bác sĩ sẽ sử dụng một camera chuyên dụng đi vào tận bên trong để tiếp cận với khớp cổ tay. Các hình ảnh thu được từ camera sẽ được chiếu trực tiếp lên màn hình máy tính để thuận tiện cho việc quan sát. Thông qua hình ảnh cụ thể thì bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây ra tình trạng đau cổ tay bên trụ.
  • Siêu âm đầu dò được áp dụng là công nghệ chẩn đoán bệnh lý ở khớp cổ tay khá hiện đại. Đầu dò có tần số cao để nhận diện mức độ tăng kích thước của dây thần kinh cùng với sự tồn tại của các u nang hoặc viêm bao hoạt dịch ở gân cổ tay. Kỹ thuật này giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá và cho kết quả chẩn đoán chính xác.
  • Bên cạnh các phương pháp trên bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm truyền thống như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra dịch khớp, ... Với trường hợp quá đau hoặc viêm khớp cổ tay phức tạp thì bác sĩ sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp để chẩn đoán chính xác.

4. Điều trị đau cổ tay bên trụ

Với điều trị đau cổ tay bên trụ có thể sẽ tùy thuộc vào chẩn đoán bệnh. Khi đó, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp điều trị bao gồm: các bài tập trị liệu, nẹp hoặc bó bột, liệu pháp bàn tay, sử dụng thuốc kháng viêm hoặc tiêm steroid.

  • Nẹp cố định ống tay có thể chỉ cần đeo nẹp vào ban đêm cũng giúp giảm sưng và đau cổ tay.
  • Sử dụng các loại thuốc chống viêm hoặc giảm đau như Ibuprofen hoặc Naproxen...
  • Tập các bài vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.

5. Một số biện pháp phòng và hạn chế đau cổ tay bên trụ

Ngăn ngừa đau cổ tay bên trụ cần chú ý đến nguyên nhân khiến cho cổ tay bị tổn thương và điều này khá khó để kiểm soát. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng một trong những cách sau để giảm thiểu tình trạng này.

  • Tăng cường hoạt động và độ vững chắc cho xương khớp. Người bệnh cần cung cấp đủ lượng canxi thiết yếu giúp tăng độ vững chắc và hạn chế tổn thương xương khớp cổ tay. Mỗi ngày ở người trưởng thành cần cung cấp 100mg canxi và ở phụ nữ trên 50 tuổi thì cần ít nhất là 1200mg canxi.
  • Giảm thiểu tình trạng té ngã: Phản xạ tự nhiên của con người thường khi té ngã là sẽ đưa tay ra chống đỡ cơ thể. Để giúp ngăn chặn tình trạng chấn thương cổ tay khi té ngã cần mang giày dép phù hợp không quá cao và có đế ma sát tốt, không gian đi lại luôn đủ ánh sáng, sàn phòng tắm luôn được vệ sinh và tránh trơn trượt, cầu thang cần lắp tay vịn để di chuyển vững chắc hơn.
  • Sử dụng đồ bảo hộ khi chơi thể thao: Nên mang theo dụng cụ bảo vệ cổ tay, đầu gối khi tham gia các môn thể thao có nguy cơ chấn thương cao, chẳng hạn như bóng đá, trượt tuyết, trượt patin...
  • Nghỉ ngơi thường xuyên khi gõ bàn phím: Nếu công việc gõ bàn phím liên tục trong 8 giờ thì nên để cổ tay và bàn tay được nghỉ ngơi thường xuyên. Bên cạnh đó, bạn hãy lựa chọn loại bàn phím gọn nhẹ để cổ tay không phải cong lên quá nhiều.
  • Không nên xoay lắc hoặc vặn bẻ cổ tay. Những thói quen này có thể gây tổn thương sụn khớp, xương và dây chằng quanh khớp, đây cũng chính là nguyên nhân gây đau khớp.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về đau cổ tay bên trụ để nhận biết sớm các triệu chứng và thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe