Hội chứng chóp xoay vai là cách gọi chung của các bệnh lý ở chóp xoay vai. Những bệnh lý thường gặp nhất là rách gân cơ chóp xoay, viêm gân cơ chóp xoay, tổn thương gây chèn ép gân cơ,... Tình trạng bất động vai kéo dài có thể khiến mô liên kết quanh khớp vai dày lên, khớp vai bị bó chặt, hạn chế vận động. Do đó, cần điều trị sớm các bệnh lý ở chóp xoay vai.
1. Chóp xoay vai có đặc điểm gì?
Chóp xoay vai (Rotator cuff) là nhóm gồm 4 gân cơ của khớp vai, đó là cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ dưới vai. Các cơ này giao thoa và bám chắc với nhau tạo thành một gân lớn (gọi là gân chóp xoay). Gân chóp xoay bám vào phần xương bề mặt chỏm xương cánh tay, làm nhiệm vụ giữ vững khớp vai, tránh nguy cơ trật khớp và hỗ trợ vận động khớp vai.
Nhờ có hệ thống gân cơ chóp xoay mà khớp vai là khớp có tầm vận động lớn nhất. Ngoài ra, khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều nhất trong cả đời người. Và điều này đồng nghĩa với việc chóp xoay khớp vai dễ bị tổn thương (do khớp vai được sử dụng nhiều, hay bị chấn thương).
2. Hội chứng chóp xoay vai và các bệnh lý thường gặp ở chóp xoay
Hội chứng chóp xoay vai là từ chung để chỉ các bệnh lý thường gặp ở chóp xoay.
2.1 Các loại tổn thương hay gặp ở chóp xoay
- Viêm gân chóp xoay vai: Thường là tình trạng cấp tính, có thể đi kèm lắng đọng canxi tại gân;
- Chèn ép gân: Thường là tình trạng mạn tính, xảy ra khi gân chóp xoay bị kẹt cứng giữa chỏm xương cánh tay và xương vai hoặc do gai xương ở mặt dưới mỏm cùng làm rách tưa sợi gân, khiến gân bị yếu, dễ đứt;
- Rách gân: Có thể do té ngã, tai nạn hoặc do hậu quả của tình trạng chèn ép gân, đặc biệt là ở người già. Chóp xoay có thể bị rách ở mọi vị trí nhưng thường gặp nhất là rách gân cơ trên gai.
2.2 Đối tượng hay mắc các bệnh lý ở chóp xoay vai
Tổn thương chóp xoay vai thường gặp nhất ở những người phải vận động khớp vai thường xuyên, đặc biệt là hay lặp đi lặp lại động tác đưa tay lên quá đầu trong công việc hằng ngày hoặc chơi thể thao. Như vậy, thợ sơn, thợ mộc, họa sĩ vẽ tranh tường, vận động viên quần vợt, cầu lông,... hoặc có tiền sử mang vác nặng, khớp vai hoạt động quá mức,... rất dễ bị tổn thương gân khớp vai, kích thích gây phản ứng viêm gân chóp xoay.
Ngoài ra, tổn thương chóp xoay vai còn có thể gặp ở những người thường xuyên nằm nghiêng lên bên đau vai khi ngủ, chấn thương do đụng đập, té ngã, có gai xương hoặc một phần xương bả vai to trồi lên, kích thích gây viêm gân chóp xoay.
2.3 Triệu chứng của hội chứng chóp xoay vai
Bệnh nhân thường bị đau chóp xoay vai với biểu hiện cụ thể như:
- Đau âm ỉ sâu bên trong vai;
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, đặc biệt là khi nằm nghiêng sang bên vai bị đau;
- Khó chải đầu, khó đưa tay ra sau đầu;
- Cánh tay bên đau bị yếu, không có lực.
Khi kiểm tra cung vận động khớp vai ở nhiều tư thế và góc độ khác nhau, có thể thấy một số triệu chứng đặc hiệu như:
- Viêm gân chóp xoay vai: Cung gây đau nhất thường nằm ở vị trí cánh tay dạng khoảng 70° - 120° so với thân người;
- Chèn ép gân chóp xoay: Với tổn thương viêm thoái hóa và đứt gân (gân cơ trên gai), bệnh nhân được yêu cầu để thẳng cánh tay ép sát thân người và xoay vào trong (gan bàn tay hướng ra phía sau). Bác sĩ áp dụng nghiệm pháp va chạm Neer + bằng cách giúp bệnh nhân từ từ dạng tay thụ động tới tối đa. Nghiệm pháp này (+) nếu bệnh nhân thấy đau khu trú ở khoang dưới mỏm cùng hoặc ở bờ trước mỏm cùng;
- Rách gân cơ chóp xoay: Bác sĩ áp dụng nghiệm pháp rơi cánh tay bằng cách đưa cánh tay bệnh nhân ra xa thân mình, nâng về phía đầu rồi hạ cánh tay xuống từ từ tới khoảng 90°, nhưng khi xuống thấp hơn nữa thì cánh tay rơi xuống nhanh vì gân đã bị rách.
2.4. Chẩn đoán các bệnh lý ở chóp xoay vai
- Chụp X-quang: Thấy có các gai xương và vôi hóa trong gân chóp xoay;
- Siêu âm: Thấy rõ cấu trúc, đặc biệt là phần mô mềm như gân, cơ;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phát hiện tốt các vấn đề của xương và mô mềm.
2.5. Điều trị hội chứng chóp xoay vai
Khớp vai tổn thương cần được nghỉ ngơi để khỏi bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bất động vai kéo dài có thể khiến mô liên kết quanh khớp vai dày lên, khiến khớp vai bị bó chặt, hạn chế vận động. Do đó, cần điều trị sớm các bệnh lý ở chóp xoay vai với một số lựa chọn sau:
- Thuốc kháng viêm nhóm NsAID: Thường được chỉ định trong giai đoạn đầu. Nếu điều trị bảo tồn nhưng không hết đau, bệnh nhân bị viêm gân chóp xoay có thể được tiêm steroid vào khớp vai (có thể tiêm lặp lại sau 4 - 6 tháng nếu người bệnh đáp ứng tốt). Tuy nhiên, việc tiêm steroid cần thận trọng bởi có thể làm yếu gân, làm chậm quá trình lành gân;
- Vật lý trị liệu: Giúp khôi phục sự linh hoạt, khả năng vận động và sức mạnh của khớp vai;
- Phẫu thuật: Gồm các kỹ thuật lấy bỏ gai xương, chuyển gân, khôi phục gân, thay thế gân, khâu lại gân chóp xoay, làm rộng khoang dưới mỏm cùng (tạo hình mỏm cùng vai),... Các phương pháp trên đều có thể thực hiện bằng phẫu thuật nội soi.
Hầu hết người bệnh mắc hội chứng chóp xoay vai đều có thể điều trị thành công bằng các phương pháp trên. Bệnh nhân cần cố gắng phối hợp thật tốt với mọi chỉ định của bác sĩ để sớm khôi phục sự linh hoạt và sức mạnh của khớp vai, tránh được những biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.