Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Đau bụng cấp tính là một trong những triệu chứng điển hình và có liên quan đến 80% các bệnh lý đường tiêu hóa. Triệu chứng đau bụng cấp tính có thể là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu, nhưng cũng có thể do rối loạn tiêu hóa và tự khỏi.
1. Đau bụng cấp tính
Đau bụng là một triệu chứng thường gặp, 80% các trường hợp có liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa có biểu hiện triệu chứng đau bụng. Tính chất cơn đau bụng thường rất đa dạng như:
- Đau quặn bụng
- Đau âm ỉ kéo dài
- Đau nhói từng cơn,...
Cơn đau bụng thường được chia làm 2 dạng đó là: Đau bụng cấp tính và đau bụng mạn tính.
2. Đau bụng cấp khi nào cần đi cấp cứu?
Đau bụng cấp tính là một trong những dạng đau bụng, cơn đau bụng xuất hiện đột ngột và kéo dài không quá 2 tuần. Đây có thể là triệu chứng cảnh báo tình trạng nguy hiểm cần được xử trí kịp thời, bên cạnh đó đau bụng cũng có thể là do rối loạn tiêu hóa.
- Đau bụng cấp tính nguy hiểm: một số bệnh có biểu hiện đau bụng cấp tính như: Nhiễm trùng đường ruột, khi đó người bệnh có kèm theo những triệu chứng khác bao gồm: sốt cao và đại tiện phân lỏng, nhầy máu, trường hợp nặng có thể kèm theo tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng. Thủng tạng rỗng nếu bệnh nhân đau bụng dữ dội kèm theo triệu chứng khác như: chướng bụng, nôn và không trung tiện, đại tiện được. Bệnh nhân cần được đến những cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp càng sớm càng tốt.
- Đau bụng cấp tính không nguy hiểm: có thể là rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thức ăn. Người bệnh có triệu chứng đau quặn bụng từng cơn, nôn ói, tiêu chảy, sốt. Những trường hợp này cơn đau bụng có thể tự khỏi, sau đó bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng và bù nước đầy đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp sốt cao và phân có máu là biểu hiện của nhiễm trùng người bệnh cần được thăm khám, chỉ định sử dụng kháng sinh. Những trường hợp tiêu chảy, nôn ói nhiều lần, nhất là kèm theo tụt huyết áp cần nhập viện điều trị.
3. Một số bệnh thường gặp có biểu hiện triệu chứng đau bụng
3.1 Viêm ruột thừa cấp tính
Viêm ruột thừa là bệnh cấp tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Viêm ruột thừa có triệu chứng điển hình là đau bụng. Cơn đau bụng sẽ xuất hiện ở vùng thượng vị rồi lan xuống vùng hố chậu phải, sau đó gây đau âm ỉ, liên tục và tăng dần, tính chất cơn đau là đau quặn và buốt. Có thể kèm theo sốt, nôn ói, chán ăn.
3.2 Viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp có triệu chứng điển hình đó là đau dữ dội ở vùng thượng vị ngay dưới mũi xương ức, đau không giảm sau khi nôn. Nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp thường gặp là do sỏi mật hoặc giun. Bệnh nhân thường có cơn đau xuất hiện đột ngột, sau bữa ăn thịnh soạn và chỉ trong vòng vài phút sau đó là đạt tới cường độ đau dữ dội. Cơn đau bụng trong bệnh viêm tụy cấp có thể kéo dài đến vài ngày.
Cơn đau bụng thường tăng lên khi bệnh nhân có tác động áp lực mạnh như ho, cử động mạnh hoặc thở sâu. Ngoài ra, các triệu chứng có đi kèm trong viêm tụy cấp bao gồm:
- Bụng chướng hơi
- Tăng cảm giác đau ở thành bụng
- Nôn
- Sốt
Tình trạng bệnh viêm tụy cấp kéo dài có thể gây ra mất nước, hạ huyết áp. Đối với trường hợp viêm tụy cấp nặng hơn có thể dẫn tới suy thận cấp, rối loạn chức năng tim, phổi, giảm thể tích máu và nhiễm trùng huyết thậm chí gây ra tử vong.
3.3 Viêm dạ dày cấp
Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng khởi phát triệu chứng một cách đột ngột với những cơn đau dữ dội ở vùng thượng vị kèm theo cảm giác cồn cào, nóng rát, đau tăng sau khi ăn. Một số trường hợp bệnh nhân không đau dữ dội mà chỉ đau âm ỉ, cảm giác nóng vùng thượng vị, thỉnh thoảng đau quặn từng cơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ cảm giác thấy tức ngực, đau lan ra sau lưng. Các triệu chứng kèm theo như:
- Buồn nôn;
- Nôn nhiều, nôn ngay sau khi ăn xong, nôn hết thức ăn, chất nôn có dịch chua, thậm chí có kèm theo máu; sau nôn cơn đau bụng giảm.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp là do nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày (vi khuẩn H.pylori) hoặc tác dụng của các tác nhân gây tổn thương niêm mạc dạ dày như thuốc chống viêm không steroid ( NSAIDs), rượu bia, Stress, trào ngược dịch mật, sử dụng chất gây nghiện, bệnh, rối loạn tự miễn, ..). Tình trạng viêm dạ dày cấp có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề nghiêm trọng như: xuất huyết dạ dày, mất nước, suy thận... do đó người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời.
3.4 Sỏi thận - sỏi niệu quản với cơn đau quặn thận
Triệu chứng của cơn đau quặn thận: Người bệnh đau vùng mạng sườn thắt lưng một hoặc cả hai bên với cơn đau dữ dội, đột ngột, bắt đầu từ vùng thắt lưng sau đó lan rộng ra phía trước theo đường bên dưới sườn và lan xuống cơ quan sinh dục ngoài, nằm nghỉ ngơi không đỡ, uống thuốc giảm đau, giảm co thắt cơ trơn thì đỡ. Nhưng đôi lúc cơn đau quặn thận lại không rõ ràng, người bệnh chỉ có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một hoặc hai bên), đau tăng khi vận động. Ngoài ra, còn có các triệu chứng kèm theo như: đi tiểu dắt, tiểu buốt. Màu sắc nước tiểu bất thường và thậm chí là tiểu ra máu.
Đối với những viên sỏi nhỏ có thể không phải điều trị, bệnh nhân có thể uống nhiều nước để đẩy sỏi ra ngoài. Nếu bệnh nhân không khỏi phải tiến hành phẫu thuật. Cần đề phòng các biến chứng khác như: sỏi tái phát, nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận bể thận dẫn tới suy thận, nhiễm khuẩn huyết và shock nhiễm khuẩn.
3.5 Bệnh phụ khoa
Đau bụng dưới cấp tính có thể là triệu chứng của những bệnh phụ khoa, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như:
- Đau đau bụng dưới;
- Cơn đau lan xuống âm hộ;
- Cảm giác nóng rát;
- Đau tức ở vùng bàng quang;
- Tiểu buốt, tiểu khó;
- Đau trực tràng;
- Cảm giác muốn đại tiện;
- Ngứa âm hộ.
Ngoài ra, một số bệnh phụ khoa sẽ có những triệu chứng thường khó phát hiện hơn và ít biểu hiện ra bên ngoài như:
- Tổn thương ở cổ tử cung;
- Tổn thương ở thân tử cung: tử cung gập sau, xoắn tử cung, u xơ tử cung, và hoại tử;
- Sa sinh dục;
- Viêm phần phụ mãn;
- Viêm cùng đồ hay buồng trứng;
- Lạc nội mạc tử cung;
- Giãn tĩnh mạch tiểu khung,...
Tóm lại, đau bụng cấp tính là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Để phân loại và nhận biết được tình trạng bệnh có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào tính chất và các triệu chứng khác đi kèm. Khi có xuất hiện cơn đau bụng cấp tính và đi kèm theo những dấu hiệu, triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa gây đau bụng, bệnh lý gây tiêu chảy mạn tính, bệnh Crohn... Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, sàng lọc ung thư dạ dày, polyp dạ dày được thực hiện thông qua nội soi dạ dày với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét đại tràng, các tổn thương ung thư tiêu hoá giai đoạn sớm...
Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi dạ dày, thực quản tại đây.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.