Đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu bệnh nhân tim mạch

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park


Đặt máy tạo nhịp là một phương pháp điều trị và cũng là một thủ thuật trong cấp cứu tim mạch. Việc đặt máy tạo nhịp giúp tạo ra dòng điện kích thích lên tim để điều trị tình trạng rối loạn nhịp tim chậm.

1. Đại cương về đặt máy tạo nhịp tạm thời

Gọi là đặt máy tạo nhịp "tạm thời" vì máy tạo nhịp này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, máy được sử dụng đến khi tình trạng bệnh lý được giải quyết hoặc đến khi một phương pháp điều trị lâu dài được thực hiện, ví dụ như đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.

Hiện tại, có nhiều phương thức khác nhau để tạo nhịp tạm thời như tạo nhịp qua thực quản, tạo nhịp qua da, tạo nhịp qua đường tĩnh mạch,.... Tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch là phương thức áp dụng nhiều nhất tại các khoa tim mạch.


Máy tạo nhịp tạm thời (Nguồn hình: https://theprocedurescourse.com)
Máy tạo nhịp tạm thời (Nguồn hình: https://theprocedurescourse.com)

2. Chỉ định và chống chỉ định

2.1 Chỉ định

Trong một số tình huống cấp cứu, bác sĩ có thể phải thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bệnh nhân như:

Rối loạn nhịp tim chậm gây ra triệu chứng (ví dụ: ngất xỉu, hạ huyết áp, đau ngực,...) mà không cải thiện với điều trị bằng thuốc. Một số thuật ngữ y khoa mà bác sĩ có thể dùng để gọi các tình trạng rối loạn nhịp chậm này là:

  • Suy nút xoang có triệu chứng
  • Ngừng xoang
  • Nhịp chậm xoang
  • Blốc nhĩ thất có triệu chứng.
  • Blốc nhĩ thất độ II, Mobitz II.
  • Blốc nhĩ thất độ III.

Quá liều thuốc gây ra loạn nhịp chậm có triệu chứng

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ phải cân nhắc việc đặt máy tạo nhịp tạm thời dự phòng cho bệnh nhân, nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu, có thể diễn tiến nhanh, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân nếu như chưa kịp đặt máy tạo nhịp. Ví dụ như một số trường hợp có nguy cơ rối loạn nhịp trên bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim,...


Nhịp chậm xoang trên hình ảnh điện tâm đồ của người bệnh
Nhịp chậm xoang trên hình ảnh điện tâm đồ của người bệnh

2.2 Chống chỉ định

Một số tình huống, việc đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch không thể thực hiện được như:

  • Bệnh nhân có bệnh lý về rối loạn đông máu, hoặc rối loạn đông máu do thuốc
  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc tĩnh mạch
  • Có cục máu đông bám tại vị trí tĩnh mạch dự định chọc.

3. Cách thực hiện đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch

  • Thủ thuật cần thực hiện tại nơi có đầy đủ phương tiện cấp cứu.
  • Sau khi nhân viên y tế đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, bệnh nhân sẽ được sát khuẩn vị trí định chọc. Sau đó, bác sĩ sẽ trải ga vô trùng để đảm bảo tất cả các dụng cụ được vô khuẩn.
  • Bác sĩ sẽ chọn tĩnh mạch phù hợp để chọc. Thường là tĩnh mạch vùng cổ (tĩnh mạch cảnh trong bên phải) hay tĩnh mạch vùng vai bên trái (tĩnh mạch dưới đòn bên trái). Cũng có khi, bác sĩ sẽ chọc vùng tĩnh mạch cảnh trong bên trái, hay tĩnh mạch dưới đòn phải, hiếm hơn là tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch cánh tay.
  • Sau khi chọc được tĩnh mạch, bác sĩ sẽ đưa dây điện cực vào buồng tim. Bác sĩ sẽ nối điện cực tạo nhịp với máy tạo nhịp tạm thời. Khi dây điện cực được đưa vào tim, bác sĩ sẽ theo dõi màn hình máy điện tâm đồ để biết khi nào dây điện cực vào đúng vị trí. Vị trí đúng của đầu dây điện cực là nằm bám vào thành tâm thất phải.
  • Bác sĩ sẽ cài đặt các thông số cho máy tạo nhịp tạm thời như cường độ (output), nhận cảm (sensitivity) và tần số tạo nhịp. Tần số tạo nhịp thường được cài đặt từ 60-80 nhịp/phút.
  • Sau khi đã cài đặt các thông số phù hợp cho máy tạo nhịp, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sau đặt máy. Các phương pháp kiểm tra sau đặt máy tạo nhịp là: chụp XQ ngực thẳng, đo điện tâm đồ, siêu âm tim nhìn thấy điện cực trong tâm thất phải.

Đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch dưới đòn phải (Nguồn hình: https://www.dicardiology.com)
Đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch dưới đòn phải (Nguồn hình: https://www.dicardiology.com)

4. Các biến chứng của đặt máy tạo nhịp tạm thời

Đặt máy tạo nhịp tạm thời là biện pháp cứu mạng trong tình huống cấp cứu tim mạch có chỉ định. Tuy nhiên, việc đặt máy tạo nhịp cũng có những nguy cơ xảy ra các biến chứng. Các biến chứng của đặt máy tạo nhịp tạm thời tùy thuộc vào từng giai đoạn của quá trình thủ thuật:

  • Đầu tiên là chọc đường vào: bệnh nhân có nguy cơ bị chọc vào động mạch (gây tụ máu, trường hợp nặng có thể tạo ra khối máu tụ chèn ép đường thở), nguy cơ bị chọc vào phổi (gây tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi), nguy cơ bị nhiễm trùng, nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch, thuyên tắc khí.
  • Khi đưa đầu dây điện cực vào buồng tim: có nguy cơ gây ra rối loạn nhịp và nặng hơn, bệnh nhân có nguy cơ bị thủng tim gây tràn máu màng tim, chèn ép tim và thậm chí là tử vong.

Tài liệu tham khảo:

  1. David L Hayes,Leonard I Ganz, et al, Temporary cardiac pacing, 2019, link https://www.uptodate.com/contents/temporary-cardiac-pacing
  2. Sullivan BL, Bartels K, Hamilton N. Insertion and Management of Temporary Pacemakers. Semin Cardiothorac Vasc Anesth 2016; 20:52.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe