Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Phương pháp đặt buồng truyền hóa chất dưới da được ứng dụng để truyền hóa chất cho bệnh nhân ung thư. Dưới sự hỗ trợ của chụp số hóa xóa nền, thủ thuật được cải thiện độ chính xác, an toàn và giảm tai biến cho người bệnh.
1. Buồng truyền hóa chất dưới da là gì?
Buồng truyền hóa chất dưới da (buồng tiêm dưới da - chemoport) là dụng cụ y khoa được ứng dụng để truyền hóa chất cho các bệnh nhân ung thư có chỉ định với hóa trị liệu.
Buồng truyền hóa chất là một hệ thống bao gồm ống thông (catheter) và buồng tiêm (portal chamber). Phần ống thông được đặt vào hệ thống tĩnh mạch lớn (gồm tĩnh mạch cảnh ngoài, tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch cánh tay..), trong khi đó buồng tiêm được cấy hoàn toàn vào mô dưới da của người bệnh.
Buồng truyền hóa chất dưới da trước đây thường được đặt một cách khá chủ quan, dựa theo kinh nghiệm của người thực hiện và có nhiều nguy cơ dẫn đến những tai biến nghiêm trọng, như:
- Tràn khí màng phổi;
- Rách động mạch dưới đòn;
- Thông động tĩnh mạch;
- Lạc chỗ ống thông.
Ứng dụng chụp số hóa xóa nền để đặt buồng truyền hóa chất sẽ có ưu điểm cải thiện tính chính xác, tăng độ an toàn và hạn chế biến chứng đáng kể cho người bệnh.
2. Khi nào cần cấy buồng truyền hóa chất dưới da?
Truyền hóa chất dưới da thường được chỉ định tiến hành trong những trường hợp cụ thể như sau:
- Bệnh nhân ung thư cần được truyền hóa chất liên tiếp nhiều đợt và thuốc hóa trị có thể gây tổn thương tĩnh mạch hoặc tạo huyết khối;
- Bệnh nhân đang gặp vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa hoặc tiên lượng không tốt, cần phải bổ sung dinh dưỡng phối hợp ở giai đoạn hậu phẫu và lâu dài sau khi tiến hành hóa trị, xạ trị;
- Bệnh lý ung thư đã được điều trị ổn định, dự kiến cần sử dụng buồng truyền hóa chất để chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ điều trị đau với những trường hợp có tiên lượng sống trên 3 tháng;
- Cần truyền thuốc vào tĩnh mạch trung tâm, truyền máu, truyền dịch lâu dài cho bệnh nhân trong khoảng thời gian từ 3 đến 10 năm;
- Trẻ em hoặc người lớn cần nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn;
- Hỗ trợ hiệu quả cho các điều dưỡng và bác sĩ gia đình trong công việc chăm sóc tại nhà.
3. Buồng tiêm dưới da được cấy ở đâu trong cơ thể?
Để thực hiện cấy buồng truyền hóa chất dưới da, bệnh nhân cần trải qua một thủ thuật tương đối đơn giản. Theo đó, buồng tiêm dưới da được cấy hoàn toàn vào bên trong cơ thể, một bên của ống thông được đưa vào tĩnh mạch, bên còn lại được kết nối vào buồng tiêm và được cấy hoàn toàn dưới da để truyền hóa chất vào cơ thể. Vị trí thường hay đặt buồng truyền hóa chất là dưới da thành ngực vào tĩnh mạch dưới đòn và tĩnh mạch chủ trên.
Cơ sở đặt buồng tiêm dưới da thường cấp thẻ cho bệnh nhân để ghi chú thông tin cụ thể. Vùng da nơi cấy buồng tiêm sẽ gồ lên, tương tự 1 đồng xu chèn dưới da, và bệnh nhân cũng sẽ dễ dàng thích nghi với cảm giác này sau thời gian ngắn. Buồng truyền hóa chất dưới da thông thường được cấy ở vị trí kín đáo, không ảnh đến thẩm mỹ cũng như hoạt động thường ngày của người bệnh.
Tuổi thọ của buồng tiêm tùy vào chủng loại, cách chăm sóc, sự thích ứng của cơ thể và số lần đâm kim qua màng buồng tiêm (trung bình 1000 - 3600 lần). Tuy nhiên, bệnh nhân nên liên hệ với bệnh viện mình đặt buồng truyền hóa chất dưới da để được trả lời chính xác, phù hợp với tình hình hiện tại.
4. Quy trình đặt buồng truyền hóa chất dưới da dưới chụp số hóa xóa nền
4.1. Mở đường vào tĩnh mạch trung tâm
- Thông thường sẽ chọc tĩnh mạch cảnh trong - phải (vị trí hố thượng đòn). Ngoài ra cũng có thể chọc tĩnh mạch dưới đòn tùy trường hợp;
- Gây tê tại chỗ, sau đó rạch da;
- Dùng kim 18G chọc tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm;
- Dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền (DSA), luồn dây dẫn và ống nong cỡ 5F vào tĩnh mạch chủ trên .
4.2. Đặt buồng truyền dưới da thành ngực
- Gây tê rộng tại chỗ trong da và tổ chức dưới da thành ngực, cũng như vùng dưới đòn;
- Rạch da và tổ chức dưới da thành ngực, làm rộng đủ để đặt buồng truyền hóa chất.
4.3. Đặt ống thẳng vào tĩnh mạch chủ trên
- Tạo đường hầm dưới da, từ nơi đặt cổng đến nơi chọc tĩnh mạch ở hố thượng đòn phải;
- Dưới hướng dẫn màn huỳnh quang tăng sáng, đo ống thông vừa đủ đến chỗ nối tĩnh mạch chủ trên và nhĩ phải;
- Cắt đoạn ống thông dư thừa;
- Luồn ống thông qua đường hầm vừa tạo để tới vị trí chọc tĩnh mạch cảnh trong;
- Dưới hướng dẫn chụp số hóa xóa nền, đưa ống thông vào tĩnh mạch chủ trên qua dây dẫn.
4.4. Kết thúc
- Khâu da tại vị trí chọc tĩnh mạch dưới đòn và nơi đặt buồng truyền hóa chất dưới da;
- Kiểm tra sự lưu thông của buồng truyền hóa chất và ống thông.
5. Nhận định kết quả
- Đầu trong của buồng truyền hóa chất được đặt đến vị trí tĩnh mạch chủ trên đổ vào nhĩ phải;
- Đầu ngoài của buồng truyền hóa chất dưới da nằm đúng trong phần mềm dưới da thành ngực;
- Lấy bơm kim tiêm cắm vào buồng truyền, hút ra thì thấy máu.
6. Nguy cơ tai biến và xử trí
- Tràn khí màng phổi: Băng ép vị trí dẫn lưu, đồng thời mở màng phổi tối thiểu và hút liên tục (nếu có chỉ định);
- Tụ máu dưới da thành ngực: Tiến hành băng ép cầm máu;
- Đứt ống thông: Dùng lưới bẫy để lấy phần ống thông đứt hoặc tiến hành phẫu thuật nếu kỹ thuật gắp thất bại;
- Nhiễm khuẩn dưới da thành ngực, quanh cổng hoặc vùng dọc tĩnh mạch cảnh trong: Vệ sinh kết hợp dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân;
- Nhiễm khuẩn máu: Cần hội chẩn chuyên khoa.
Nhìn chung, thủ thuật đặt buồng truyền hóa chất dưới da tương đối đơn giản, nhưng vẫn đòi hỏi thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Buồng truyền hóa chất dưới da sẽ được cấy hoàn toàn bên trong cơ thể, một đầu của ống thông đưa vào tĩnh mạch, đầu còn lại kết nối vào buồng tuyền cấy trước ngực hoặc trước cánh tay. Bệnh nhân và người thân cần nắm được cách chăm sóc buồng truyền hóa chất dưới da, cũng như báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ sự cố nào.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã ứng dụng kỹ thuật chụp số hóa xóa nền trong thăm khám, chẩn đoán nhiều căn bệnh. The đó, kỹ thuật chụp dsa tại Vinmec được thực hiện bài bản, đúng chuẩn quy trình bởi đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó cho ra kết quả chính xác, góp phần không nhỏ vào việc xác định bệnh và giai đoạn bệnh và có hướng điều trị kịp thời.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Tống Dịu Hường đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu về các bệnh lý trên hình ảnh Siêu âm, X quang, CT đa lát cắt, Cộng hưởng từ về bệnh lý của hệ thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch, cơ xương khớp... Bên cạnh đó là kỹ thuật hình ảnh can thiệp, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm và cắt lớp vi tính.
Quý khách có nhu cầu khám bệnh bằng các phương pháp hiện đại, đạt hiệu quả cao tại Vinmec vui lòng đăng ký khám TẠI ĐÂY