Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trong quá trình khám thai cũng như sinh nở thì đánh giá độ lọt thai có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sinh của người sản phụ, giúp tiên đoán trước những nguy cơ bệnh lý có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Vì vậy, cần lưu ý một số vấn đề trong đánh giá độ lọt thai, điển hình nhất là phương pháp siêu âm ngả đáy chậu cũng như những trường hợp đặc biệt như sinh ngôi chỏm hay những ngôi bất thường khác.
1. Đánh giá độ lọt thai
Trong sản khoa, đánh giá độ lọt thai được xem là một trong những bước cực kỳ quan trọng để chuẩn bị thật tốt cho quá trình sinh nở của sản phụ. Tình trạng lọt thai được xác định khi đường kính lọt của ngôi thai đi qua được đường kính chéo của eo trên sản phụ, trong đó đường kính chéo là đường kính tính từ khớp cùng – chậu 1 bên đến gai mào chậu bên còn lại, có thể là đường kính chéo phải hay đường kính chéo trái. Trên thực tế lâm sàng thì trước khi ngôi thai có thể lọt được qua đường kính thì sẽ phải thực hiện một số động tác để ngôi thai có thể giảm bớt được những đường kính của ngôi thai đó đến mức tối đa, có lợi cho sự lọt thai sau đó được gọi là bình chỉnh hay thu hình. Ngôi thai có thể lọt một cách đối xứng hoặc không đối xứng tùy vào mỗi trường hợp bệnh nhân khác nhau.
Để đánh giá độ lọt thai trên lâm sàng thì cần phải khám được sự trình diện ngôi thai ở mốc phía trên đối với khung chậu của sản phụ, tức là sự tương quan giữa đầu của thai nhi và gai hông của sản phụ. Tuy nhiên, vì những triệu chứng thực thể này được thăm khám một cách chủ quan và có thể khác nhau với mỗi bác sĩ đối với cùng một bệnh nhân nên dẫn đến xuất hiện nhiều sự sai lệch trong quá trình thăm khám đánh giá độ lọt thai, khiến cho việc thăm khám lâm sàng này không khách quan và không thể chắc chắn để khẳng định thai đã lọt hay chưa, đó là chưa kể đến những trường hợp rất khó để có thể đánh giá độ lọt thai thông qua lâm sàng như bướu huyết thanh hay chồng xương, bị uốn khuôn. Đặc biệt, những trường hợp mang thai chậm phát triển thì việc đánh giá độ lọt thai lại càng quan trọng hơn, để có thể đưa thai ra ngoài sớm nhất có thể mà không ảnh hưởng đến tính mạng của cả người mẹ và thai nhi. Vì vậy, siêu âm ngả đáy chậu được xem là một phương tiện chẩn đoán hay đánh giá độ lọt thai một cách chính xác và giúp hạn chế những sai sót khi đánh giá bằng phương pháp khám lâm sàng.
2. Siêu âm ngả đáy chậu
Siêu âm ngả đáy chậu cho phép khảo sát một số yếu tố quan trọng giúp đánh giá độ lọt thai như sau:
- Khoảng cách giữa đầu thai và đáy chậu: Để đánh giá sự đi xuống của thai nhi trong buồng tử cung, ngay khi ối vỡ non đến giai đoạn sinh, và yếu tố này cực kỳ quan trọng nếu sản phủ có chỉ định đẻ mổ. Khoảng cách giữa đầu thai nhi và đáy chậu được đo bằng khoảng cách bé nhất từ da đáy chậu đến bờ ngoài xương sọ thai nhi, nếu khoảng cách này càng ngắn thì thời gian sinh sẽ càng nhanh và khả năng đau do sản khoa cũng sẽ được giảm bớt.
- Khoảng cách giữa đầu thai và khớp vệ: Được tính từ bờ thấp nhất xương mu sản phụ đến phần gần nhất của xương sọ với vị trí đó theo đường vuông góc trục dọc xương mu sản phụ. Khoảng cách này có liên hệ với một số yếu tố khác trong siêu âm như góc tiến triển cũng như việc khám lâm sàng âm đạo của sản phụ nhằm đánh giá độ lọt thai.
- Hướng đầu thai: Là hướng đầu thai dọc theo trục của xương mu người mẹ, đánh giá bằng cách quan sát chuyển động của đầu thai trên siêu âm và đường cong của xương chậu người phụ nữ. Nếu hướng đầu thai được đánh giá là đi ngang, xuống thì khi sinh có sự trợ giúp của dụng cụ sẽ rất khó khăn và tỷ lệ cuộc sinh thành công là rất thấp.
- Góc tiến triển: Là góc hợp thành từ đường giữa xương mua và đường tiếp tuyến của đỉnh xương mu so với xương sọ của thai nhi. Để có thể đo được góc tiến triển thì trong quá trình siêu âm cần phải thực hiện rất nhiều thao tác như bọc đầu dò lại bằng bao tay cao su sạch có bôi gel chuyên dụng siêu âm, đưa đầu dò vào môi lớn của sản phụ và quan sát hình ảnh siêu âm thấy trục dọc xương mu, sau đó di chuyển hướng đầu dò lên trên để tiếp tục quan sát. Lúc này, lấy mốc là đường giữa theo trục dọc xương mu sản phụ và đường tiếp tuyến với viền xương sọ thai nhi ở phía dưới xương mu để đo góc tiến triển. Góc tiến triển được xem là một yếu tố quan trọng trong siêu âm để đánh giá độ lọt thai
3. Ngôi chỏm sinh thế nào?
Một trong những trường hợp thường gặp trong thực tế lâm sàng đó là sinh ngôi chỏm, sau khi thực hiện siêu âm ngả đáy chậu để đánh giá độ lọt thai và xác định ngôi thai đã lọt thì việc sinh ngôi chỏm bao gồm một số bước cơ bản như sau:
- Đỡ sinh ngôi chỏm quan trọng nhất là đỡ phần đầu và phần vai của thai nhi, những phần khác tương đối dễ hơn.
- Người đỡ sinh phải can thiệp đúng thời điểm quy định.
- Nếu thai lọt, đi xuống hay thai xoay thì không cần xử lý can thiệp, trừ những trường hợp sinh khó thì lúc này cần sự can thiệp từ bên ngoài.
- Quá trình sinh tự nhiên diễn ra theo thứ tự như sau: bình chỉnh biến hình, lọt, xuống và xoay trong, hoàn thành xoay trong. Những giai đoạn sinh tự nhiên này không được phép có bất cứ can thiệp nào từ bên ngoài.
- Tiếp theo, người đỡ sinh cần can thiệp sau khi quá trình sinh tự nhiên diễn ra để giúp thai cúi đầu thật tốt, bao gồm sổ đầu, xoay ngoài thì hai.
- Một số điều kiện để có thể nhận biết và bắt đầu sự can thiệp vào quá trình sinh đó là ngôi hoàn thành xoay chẩm vệ, ngôi sẵn sàng cho giai đoạn sổ thai bằng biểu hiện căng phồng tầng sinh môn hay âm hộ về phía trần nhà, môi bé tách rộng 2 bên.
- Có thể cắt tầng sinh môn nếu cần thiết, tuy nhiên đây không phải là một thủ thuật thường quy.
4. Kết luận
Siêu âm ngả đáy chậu khảo sát một số yếu tố quan trọng nhằm mục đích đánh giá độ lọt thai là một kỹ thuật rất hữu dụng trong việc chuẩn bị cho cuộc sinh diễn ra một cách suôn sẻ nhất, hạn chế đến mức tối đa những biến chứng không mong muốn trong sinh đẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.