Đái dầm ở trẻ: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đái dầm ban đêm là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ. Trẻ kiểm soát đi tiểu vào ban ngày do trẻ cảm nhận được tình trạng đầy bàng quang. Nhờ điều này, trẻ học được cách kiểm soát có ý thức bàng quang của mình. Điều này thường xảy ra khi trẻ 4 tuổi. Việc kiểm soát bàng quang vào ban đêm thường mất nhiều thời gian hơn; trẻ từ 5 đến 7 tuổi mới có thể làm được.

Tỷ lệ trẻ đái dầm thay đổi theo độ tuổi; 16 % ở độ tuổi 5 tuổi. Đến 15 tuổi, chỉ 1 đến 2%. Các bé trai có nguy cơ đái dầm cao gấp 2 lần so với các bé gái. Đối với hầu hết trẻ em, chứng đái dầm tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ và con cái có thể lo lắng về chứng đái dầm vì điều này làm trẻ xấu hổ và bất tiện. Một số cha mẹ cũng có thể lo lắng trẻ bị bệnh.

1. Nguyên nhân đái dầm

Đái dầm có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Bàng quang của trẻ trưởng thành chậm hơn bình thường
  • Bàng quang của trẻ chứa lượng nước tiểu ít hơn bình thường
  • Di truyền - Cha mẹ từng đái dầm khi còn nhỏ có nhiều khả năng sinh con mắc chứng đái dầm
  • Giảm nồng độ vasopressin (một loại hormone làm cô đặc nước tiểu)
  • Giấc ngủ sâu làm trẻ không cảm thấy bàng quang đầy (nguyên nhân này còn gây tranh cãi)

Các vấn đề về thể chất hoặc cảm xúc hiếm khi gây ra chứng đái dầm. Hầu hết, trẻ em mắc chứng đái dầm không có vấn đề bệnh lý. Các bệnh lý có thể góp phần gây ra chứng đái dầm bao gồm bệnh tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, giun kim, suy thận, co giật và rối loạn giấc ngủ (như ngưng thở khi ngủ). Hầu hết những tình trạng này bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán.

Táo bón, một vấn đề phổ biến ở trẻ em, cũng có thể gây ra chứng đái dầm. Nếu con bạn đi tiêu không thường xuyên, bạn nên cung cấp thông tin này cho bác sĩ.


DI truyền là một trong các nguyên nhân gây tình trạng đái dầm ở trẻ nhỏ
DI truyền là một trong các nguyên nhân gây tình trạng đái dầm ở trẻ nhỏ

2. Chẩn đoán đái dầm

Độ tuổi mà đái dầm được coi là một "vấn đề" phụ thuộc vào thời điểm trẻ phát triển được khả năng kiểm soát bàng quang và quan điểm của cha mẹ:

● Cha mẹ từng mắc chứng đái dầm khi còn nhỏ có thể không quan tâm đến việc đứa trẻ 6 tuổi bị đái dầm.

● Cha mẹ của một đứa trẻ 4 tuổi mắc chứng đái dầm có thể lo lắng vì anh/chị của trẻ lúc 3 tuổi không bị.

Đối với hầu hết trẻ em, đái dầm là một vấn đề khi điều này làm cản trở khả năng hòa đồng với bạn bè của trẻ.

3. Bệnh sử

Cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ điều trị về những điểm quan trọng sau:

  • Vấn đề đái dầm ban ngày
  • Khoảng thời gian giữa hai lần tiểu
  • Tiền sử gia đình mắc chứng đái dầm
  • Tần suất đái dầm
  • Con bạn có ngáy không?
  • Tác động đái dầm đối với trẻ và gia đình bạn
  • Bạn có thử phương pháp điều trị nào chưa?
  • Có bất hòa trong gia đình?

Việc ghi lại nhật ký 24 giờ về lượng nước uống và lượng nước tiểu của trẻ cũng rất hữu ích. Điều này bao gồm ghi lại thời gian và lượng dịch con bạn uống, cũng như số lần trẻ đi tiểu, bao gồm cả thể tích nước tiểu.

3.1 Tổng phân tích nước tiểu

Tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm sàng lọc các vấn đề bệnh lý. Xét nghiệm này lấy một mẫu nhỏ nước tiểu của trẻ. Phân tích nước tiểu thường có thể được thực hiện tại phòng khám.


Tổng phân tích nước tiểu có thể chẩn đoán bệnh lý ở trẻ
Tổng phân tích nước tiểu có thể chẩn đoán bệnh lý ở trẻ

3.2 Các cận lâm sàng khác

Hầu hết trẻ đái dầm không cần xét nghiệm thêm. Tuy nhiên, khi trẻ đái dầm vào ban ngày hoặc tổng phân tích nước tiểu phát hiện bất thường hoặc khám phát hiện tổn thương có thể cần được kiểm tra thêm.

4. Điều trị đái dầm

Điều trị ban đầu đái dầm bao gồm giáo dục và khuyến khích trẻ. Có thể thử dùng thuốc hoặc đặt báo thức khi trẻ có hành vi đái dầm nếu chứng đái dầm không cải thiện với biện pháp không dùng thuốc.

Trước khi bắt đầu điều trị, điều quan trọng cần xem xét con bạn có sẵn sàng và khả năng để tham gia không. Cả bạn và con bạn cần kiên nhẫn. Nếu con bạn chưa đủ nhận thức để làm theo một số bước điều trị, thì không nên ép buộc con bạn.

Điều trị thường kéo dài và có thể bao gồm những lần thành công và thất bại. Điều trị nên được theo dõi sát với bác sĩ lâm sàng (khoảng bốn tháng một lần).

Cha mẹ phải hiểu rằng chứng đái dầm hoàn toàn tự phát và không bao giờ được phạt trẻ vì đái dầm. Đánh và la mắng không cải thiện tình trạng đái dầm.

5. Khi nào cần đi khám?

Bạn nên trao đổi với bác sĩ của con bạn nếu con bạn gặp khó khăn khi đi tiểu như tiểu gấp, tiểu gắt, nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, cảm thấy cả ngày rất khát nước, phù bàn chân hoặc mắt cá chân hoặc có triệu chứng đái dầm xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng không đái dầm. Đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp điều trị nào.


Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lý
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm bệnh lý

Nếu con bạn không gặp phải các vấn đề nghiêm trọng kể trên, bạn có thể gặp bác sĩ bất cứ lúc nào hoặc bạn có thể thử làm theo lời khuyên hoặc các kỹ thuật trị liệu “tạo động lực”. Kỹ thuật trị liệu “tạo động lực” phù hợp nhất với trẻ nhỏ mắc chứng đái dầm. Hầu hết, bác sĩ không đề nghị sử dụng thiết bị báo động đi tiểu hoặc thuốc trừ khi trẻ qua 6 tuổi vẫn còn đái dầm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe