Đặc điểm virus gây dịch bệnh Ebola

Ebola là bệnh nghiêm trọng và gây tử vong ở người, nguyên nhân là do virus Ebola. Dịch bệnh Ebola lớn nhất trong lịch sử bùng phát lần đầu tiên ở Tây Phi năm 2014. Các tổ chức y tế trên thế giới vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sự lây lan của Ebola.

1. Bệnh Ebola là bệnh gì?

1.1. Phân loại

Bệnh virus Ebola (EVD) là một căn bệnh đe dọa tính mạng với các đợt bùng phát thường xuyên và xuất hiện chủ yếu ở lục địa châu Phi. Dịch bệnh Ebola ảnh hưởng nhiều nhất đến con người và các loài linh trưởng như khỉ, vượn và tinh tinh. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm một trong nhóm các virus thuộc chi Ebolavirus, bao gồm:

  • Virus Ebola (loài Zaire Ebolavirus);
  • Virus Sudan (loài Sudan Ebolavirus);
  • Virus rừng Taï (loài Taï Forest Ebolavirus, trước đây được biết với tên Côte d hèIvoire Ebolavirus);
  • Virus Bundibugyo (loài Bundibugyo Ebolavirus);
  • Reston virus (loài Reston Ebolavirus);
  • Virus Bombali (loài Bombali Ebolavirus).

Trong số này, chỉ có 4 virus được biết có gây bệnh ở người, đó là Ebola, Sudan, Taï Forest và Bundibugyo. Virus Reston thì gây bệnh ở linh trưởng và lợn. Chưa rõ liệu virus Bombali - được phát hiện ở loài dơi, gây bệnh cho động vật, người hay là cả hai.


Hình ảnh virus gây bệnh Ebola
Hình ảnh virus gây bệnh Ebola

1.2. Nguồn gốc

Virus Ebola được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 gần dòng sông có tên là Ebola - hiện nay nằm trong biên giới Cộng hòa Dân chủ Congo. Kể từ đó, virus đã lây nhiễm cho nhiều người theo thời gian, dẫn đến sự bùng phát dịch ở một số nước Châu Phi.

Các nhà khoa học không rõ nguồn gốc của virus Ebola đến từ đâu. Tuy nhiên, dựa trên bản chất của các loại virus tương tự, họ tin rằng virus này xuất phát từ động vật, nhiều khả năng là từ dơi hoặc các loài linh trưởng. Những động vật bị nhiễm virus sẽ truyền sang cho đồng loại, như vượn, khỉ, linh dương và cuối cùng là con người.

1.3. Con đường lây lan

Ban đầu, virus sẽ lây lan sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và mô của động vật. Sau đó, virus Ebola lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của bệnh nhân hoặc người tử vong vì dịch bệnh Ebola. Cụ thể là khi một người chạm vào các chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh (hoặc các vật thể có virus tồn tại), sau đó để virus xâm nhập vào các vết thương hở trên da hoặc màng nhầy ở mắt, mũi hoặc miệng.

Mọi người cũng có thể nhiễm virus nếu quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh, thậm chí là bệnh nhân Ebola đã được điều trị phục hồi. Virus vẫn có khả năng tồn tại trong một vài loại chất dịch cơ thể, ví dụ như tinh dịch của nam giới, ngay cả khi họ đã khỏi bệnh.

Những bệnh nhân đã bình phục sau khi nhiễm virus Ebola có thể vẫn phải đối mặt với các triệu chứng liên quan như: Mệt mỏi, đau cơ, các vấn đề về mắt và thị lực, cũng như đau bụng - dạ dày.


Người bệnh sau nhiễm Ebola có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi
Người bệnh sau nhiễm Ebola có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi

2. Đặc điểm virus gây dịch bệnh Ebola

  • Ebola không phải là bệnh về đường hô hấp, vì vậy không lây truyền qua không khí như các loại virus cảm cúm;
  • Ebola lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ vết thương hở hoặc niêm mạc của một người khỏe, với máu và các chất dịch cơ thể khác (như nước tiểu, phân, nước bọt, chất nôn, mồ hôi và tinh dịch) của người bị bệnh hoặc đã tử vong vì Ebola;
  • Ebola cũng có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với những đồ vật có dính virus (như kim tiêm hoặc ống tiêm), động vật bị nhiễm bệnh hoặc tinh dịch từ một người đàn ông đã từng mắc Ebola trước đây (mặc dù hiện tại họ đã hồi phục hoàn toàn);
  • Trẻ em cũng có thể nhiễm Ebola thông qua sữa mẹ, do đó người mẹ bị nhiễm Ebola hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ thì không nên cho con bú
  • Các dấu hiệu và triệu chứng của Ebola bao gồm: Sốt, nhức đầu dữ dội, đau cơ, yếu cơ, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày và chảy máu không rõ nguyên nhân;
  • Thời gian ủ bệnh Ebola (từ khi tiếp xúc với nguồn lây cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng) có thể là từ 2 - 21 ngày. Trung bình là 8 - 10 ngày;
  • Virus Ebola có sức đề kháng lớn với môi trường, trong nhiệt độ khoảng 56°C thì có thể sống được 30 phút;

  • Tất cả các hóa chất tiệt trùng hiện nay đều có thể tiêu diệt được virus Ebola;
  • Hiện tại không có thuốc kháng virus điều trị hoặc vắc-xin phòng ngừa Ebola được FDA Hoa Kỳ cấp phép. Một số loại vắc-xin thử nghiệm và phương pháp điều trị đang được nghiên cứu và sử dụng ở một số nơi nhất định (như trong khi dịch bệnh bùng phát).

Đau đầu là một trong các triệu chứng nhiễm Ebola
Đau đầu là một trong các triệu chứng nhiễm Ebola

3. Tình hình dịch bệnh Ebola ở Việt Nam

Theo Cục Y tế Dự phòng, tính đến tháng 8/2014 đã ghi nhận gần 2000 trường hợp mắc virus Ebola, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm tới 90%. Số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại các nước châu Phi liên tục gia tăng, và virus tiếp tục lây lan từ tâm dịch sang các quốc gia lân cận.

Trong khi các nước Tây Phi khác đã nỗ lực kiềm chế sự bùng phát của đại dịch bệnh virus Ebola khủng khiếp nhất trong 4 thập kỷ qua, thì các quốc gia Châu Á cũng rất tích cực chuẩn bị những phương án phòng chống dịch bệnh. Riêng nước ta, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Ebola ở Việt Nam là rất thấp. Virus này không lây qua đường hô hấp mà chỉ qua tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh, trong khi khâu chuẩn bị của nước ta rất tốt và kịp thời. Vì vậy công tác truyền thông cần cập nhật chính xác, tránh gây hoang mang cho cộng đồng.

Tuy nhiên cũng theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc phạm vi phân bố của họ hàng loài dơi ăn quả Pteropodidae. Đây có thể là vật chủ tự nhiên của loại virus nguy hiểm này. Do đó cần tránh chủ quan, đồng thời triển khai tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân những thông tin quan trọng, từ đó cùng chung tay phòng tránh dịch bệnh.

4. Phòng ngừa dịch bệnh Ebola

  • Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người khác;
  • Không dùng chung các đồ vật có thể tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người khác, như quần áo, khăn trải giường hoặc kim tiêm;
  • Tránh các nghi thức mai táng hoặc chôn cất có tiếp xúc với thi thể của người đã chết vì Ebola;
  • Tránh tiếp xúc với dơi, khỉ và vượn, hoặc thịt sống của những loài vật này;
  • Tránh đến những cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân mắc Ebola;
  • Vệ sinh cá nhân cẩn thận. Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn;

Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa dịch bệnh Ebola
Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa dịch bệnh Ebola

  • Tìm hiểu tình hình dịch bệnh từ những nguồn tin chính thống trước khi đi du lịch đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
  • Nếu bạn đã đến khu vực có dịch Ebola, hãy thăm khám ngay lập tức nếu bị sốt, nhức đầu, tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày hoặc chảy máu không rõ nguyên nhân.

Tóm lại dịch bệnh Ebola là một căn bệnh hiếm gặp và nguy hiểm, được phát hiện và gây dịch ở một số nước châu Phi. Dịch virus Ebola nhiều khả năng bắt đầu khi con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh (loài dơi hoặc linh trưởng). Bệnh sau đó lây từ người sang người thông qua máu hoặc chất dịch cơ thể. Nhân viên y tế, cũng như gia đình và bạn bè tiếp xúc gần với bệnh nhân Ebola là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe