Ung thư từ lâu là khối u ác tính của nền y học, xã hội ngày càng phát triển thì tỷ lệ người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng. Ở Việt Nam, ý thức tự giác đi khám sức khỏe định kỳ của người dân chưa cao, nhiều người chỉ khi có các biểu hiện bệnh lý mới đến bệnh viện thăm khám vì vậy khi phát hiện bệnh thì ung thư di căn vào xương rất khó điều trị. Vậy ung thư di căn xương có nguy hiểm hay không và người bệnh có thể sống bao lâu sau khi bị di căn?
1. Ung thư di căn xương là gì?
Khi tế bào ung thư từ ổ nguyên phát di căn đến tổ chức xương và làm tổn hại đến cấu trúc của xương được gọi là ung thư di căn xương. Ung thư di căn được hiểu đơn giản là ung thư đã đến giai đoạn cuối và hệ thống xương được đánh giá là cơ quan hay bị di căn nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Mặc dù có nhiều loại ung thư khác nhau nhưng ung thư phổi, vú, tuyến tiền liệt, thận, tuyến giáp, dạ dày có nguy cơ cao nhất di căn vào xương. Ngoài ra các vị trí xương hay bị di căn bao gồm cột sống, xương chậu, xương sườn, xương sọ, xương cánh tay... Ung thư di căn xương chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, các điều trị hiện tại chỉ giúp giảm các triệu chứng, hạn chế sự di căn của khối u kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Ung thư di căn xương sống bao lâu là điều được nhiều người quan tâm, ung thư di căn được hiểu đơn giản là ung thư đến giai đoạn cuối, thời điểm này các biện pháp điều trị chủ yếu là hạn chế sự di căn của khối u. Nhìn chung thì ung thư di căn xương đều có tiên lượng xấu và tình trạng bệnh phụ thuộc vào mức độ ung thư của cơ quan nguyên phát.Tùy vào mức độ di căn mà tỷ lệ sống sót của mỗi bệnh nhân khác nhau, tuy nhiên nếu ung thư di căn xương thì tỉ lệ sống thêm của người bệnh đạt 5 năm kể từ khi phát hiện chỉ chiếm từ 20-30%. Nếu ung thư di căn xương từ ung thư phổi thì thời gian bệnh nhân sống được chỉ tính bằng tháng.
2. Chẩn đoán ung thư di căn xương
2.1 Chẩn đoán xác định
Người bệnh ung thư di căn xương thường có những biểu hiện như sau:
- Biểu hiện thường gặp nhất là đau xương, người bệnh thường đau nhiều hơn về đêm và mỗi khi nghỉ ngơi
- Gãy xương bệnh lý
- Rễ thần kinh hoặc tủy sống có dấu hiệu bị chèn ép
- Sức khỏe người bệnh đi xuống, ăn không ngon, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, có thể gặp tình trạng nôn mửa và táo bón.
- Một vài triệu chứng khác như thiếu máu do tổn thương tủy xương, các nhiễm trùng cơ hội và xuất huyết do nguyên nhân giảm tiểu cầu.
- Bệnh nhân có các biểu hiện của ung thư nguyên phát.
Để xác định chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm marker ung thư...
- X-quang xương
- Xạ hình xương
- Chụp cắt lớp vi tính
- Sinh thiết xương
- Đo mật độ xương
2.2 Chẩn đoán phân biệt
Một vài bệnh lý có các biểu hiện giống ung thư di căn xương, bác sĩ cần phải làm các chẩn đoán để phân biệt với một số bệnh lý như:
- Các u xương lành tính.
- Loãng xương hoặc loãng xương thứ phát
- Đa u tủy xương (bệnh Kahler).
- Một số bệnh lý ác tính khác ở xương
3. Ung thư di căn xương điều trị như thế nào?
3.1 Nguyên tắc điều trị ung thư di căn xương
Biện pháp điều trị chủ yếu và quan trọng nhất là điều trị triệu chứng, chăm sóc và giảm nhẹ đau đớn cho bệnh nhân để cải thiện chất lượng cuộc sống. Giảm đau, điều trị gãy xương nếu có, tăng calci máu và nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.
Thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa quá trình hủy xương cũng như quá trình di căn xương đồng thời kết hợp điều trị ung thư nguyên phát nếu có thể.
3.2 Điều trị ung thư di căn xương cụ thể:
Ung thư di căn vào xương rất khó điều trị, đa phần các chỉ định điều trị chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng cũng như đau đớn cho người bệnh. Điều trị các triệu chứng của ung thư di căn xương bao gồm giảm đau, thiếu máu, tăng calci cho người bệnh:
Giảm đau: Điều trị giảm đau theo bậc thang giảm đau của WHO, sử dụng các thuốc chống viêm không chứa steroid kết hợp với thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm đau thần kinh
Điều trị tăng calci máu: truyền dịch pha loãng, tiêm thuốc lợi tiểu, calcitonin, truyền tĩnh mạch corticoid, biphosphonat đường tĩnh mạch.
Điều trị thiếu máu: Truyền khối hồng cầu hoặc các chế phẩm của máu khác theo chỉ định của bác sĩ, điều trị ngăn chặn hoặc giảm hủy xương, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Điều trị ngoại khoa: Nếu bệnh nhân bị gãy xương, chèn ép tủy thì được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cắt bỏ các tổn thương khi cần thiết. Chăm sóc giảm đau cho người bệnh ung thư di căn xương đồng thời tập vật lý trị liệu và điều trị các liệu pháp tâm lý nếu cần thiết.
Theo các nghiên cứu y khoa chỉ ra, ung thư di truyền chỉ chiếm từ 5-10% tổng số ca bệnh còn đa phần bệnh hình thành do lối sống của mỗi người. Vậy để phòng ngừa căn bệnh ung thư này, mỗi người nên tập cho bản thân một lối sống lành mạnh, hạn chế những yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, bảo vệ cơ thể dưới ánh nắng mặt trời, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, duy trì cơ thể cân đối, chăm tập luyện thể thao, và tiêm chủng vacxin phòng chống ung thư nếu có điều kiện. Ngoài ra mỗi người nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ hoặc sàng lọc ung thư để có thể phát hiện ra ung thư sớm.