Đặc điểm của bệnh nhân suy giảm miễn dịch

Cơ thể của chúng ta được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ phá vỡ khả năng bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khiến cơ thể rất dễ nhiễm trùng ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người bệnh.

1. Vai trò của hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch được xem là lá chắn giúp cơ thể chống lại nhiễm khuẩn do các vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, nấm và động vật đơn bào gây ra. Hệ miễn dịch hoạt động tốt nhờ các thành tố sau:

  • Tế bào lympho B sản xuất ra các immunoglobulin (globulin miễn dịch), hay còn gọi là kháng thể. Immunoglobulin là các protein có khả năng trung hoà các vi sinh vật gây bệnh và giúp cho đại thực bào nhận diện, thu nhận và tiêu diệt chúng.
  • Tế bào lympho T tấn công những vi sinh vật gây bệnh nằm trong tế bào vật chủ, ví dụ các virút. Tế bào T cũng sản xuất cytokine, giúp tuyển chọn và tổ chức các tế bào miễn dịch khác.
  • Đại thực bào thu nhận (hay ‘thực bào’) và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.
  • Bổ thể là những protein tiêu diệt vi sinh vật và hỗ trợ các tế bào khác của hệ miễn dịch.

Các bệnh suy giảm miễn dịch là tình trạng một hay nhiều khiếm khuyết làm cho hoạt động của hệ miễn dịch trở nên không bình thường, dẫn đến gia tăng tình trạng dễ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng với hậu quả cấp tính, tái diễn hay mạn tính. Trong một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch thì việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh gặp rất nhiều khó khăn như bệnh lao trực khuẩn.


Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người
Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người

2. Phân loại suy giảm miễn dịch

Có 2 loại suy giảm hệ miễn dịch là suy giảm miễn dịch nguyên phátsuy giảm miễn dịch thứ phát.

2.1 Suy giảm miễn dịch nguyên phát là gì?

Suy giảm miễn dịch nguyên phát là các khiếm khuyết di truyền hay khiếm khuyết gen của hệ miễn dịch gây ra rối loạn trong một số thành phần của hệ miễn dịch. Suy giảm miễn dịch nguyên phát không lây lan hoặc truyền bệnh từ người sang người khác mà lây qua gen di truyền.

2.2 Các nhóm thiếu hụt của bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát

  • Thiếu hụt kháng thể là chính;
  • Suy giảm kết hợp dòng tế bào T và B;
  • Bệnh do điều hoà miễn dịch;
  • Các khiếm khuyết bẩm sinh của đại thực bào về số lượng hoặc chức năng;
  • Khiếm khuyết của miễn dịch bẩm sinh;
  • Các bệnh tự viêm và thiếu hụt bổ thể.

3. Các phương pháp điều trị và những lưu ý cần biết

3.1 Điều trị immunoglobulin thay thế

Hầu hết cơ thể bệnh nhân suy giảm miễn dịch nguyên phát sản xuất quá ít hoặc không sản xuất được immunoglobulin. Việc thay thế immunoglobulin giúp bảo vệ cơ thể chống lại một loạt nhiễm trùng và giảm triệu chứng tự miễn. Immunoglobulin được đưa vào qua đường truyền tĩnh mạch và truyền dưới da.

Điểm cần lưu ý khi điều trị bằng phương pháp thay thế immunoglobulin:

  • Một số bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn hoặc đau cơ, đau lưng khi truyền immunoglobulin.
  • Bệnh nhân sẽ có khả năng bị các tác dụng phụ nặng hơn như viêm màng não vô khuẩn, giảm hồng cầu, huyết khối.
  • Việc điều trị cần được duy trì đều đặn và thường là suốt đời vì chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ tạm thời. Quá trình truyền immunoglobulin cần phải được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ hay y tá, hoặc truyền tại nhà bởi y tá hoặc người thân được đào tạo.
  • Người bệnh điều trị immunoglobulin vẫn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng như giữ vệ sinh tốt hay điều trị kháng sinh dự phòng trong một số trường hợp.

3.2 Ghép tế bào gốc (hoặc ghép xương tủy)

Đây một biện pháp điều trị dùng tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu cuống rốn của người cho khỏe mạnh để ghép cho một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nguyên phát khi các tế bào miễn dịch bị thiếu hụt hoặc hoạt động không bình thường.

Điểm cần lưu ý khi điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc:

  • Hệ miễn dịch của người nhận có thể tấn công với tế bào của người hiến.
  • Hóa trị liệu để chuẩn bị hệ thống miễn dịch trước khi thực hiện cấy ghép có thể xảy ra đối với 1 số trường hợp bệnh nhân đặc biệt
  • Phương pháp này chỉ được sử dụng để điều trị một số dạng nhất định của bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát như hội chứng tăng IgM, bệnh u hạt mạn tính, hội chứng Wiskott-Aldrich và hội chứng Duncan.

3.3 Điều trị bằng kháng sinh và các biện pháp khác


Sử dụng kháng sinh là một trong những cách điều trị rối loạn miễn dịch
Sử dụng kháng sinh là một trong những cách điều trị rối loạn miễn dịch

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch nguyên phát hay phải dùng các loại kháng sinh để điều trị, và đôi khi là để phòng tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác như kích thích hoạt hóa dòng bạch cầu hạt (G-CSF; Interferon Gamma; PEG – ADA); liệu pháp gen; lý liệu pháp; điều trị các triệu chứng ‘tự miễn’.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: NCBI

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe