Ung thư trực tràng là bệnh ung thư bắt đầu ở trực tràng, nó nằm ở cuối đại tràng và được chia thành 5 giai đoạn, đánh số từ 0 đến 4. Tuy nhiên giai đoạn 0 rất khó để phát hiện, khi được phát hiện bệnh thường ở một trong 4 giai đoạn sau.
1. Bệnh ung thư trực tràng phát triển như thế nào?
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) ước tính có đến khoảng 1 trong 23 người đàn ông và 1 trong 25 phụ nữ sẽ phát triển ung thư đại trực tràng trong suốt cuộc đời của họ.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng, một trong những điều đầu tiên bác sĩ sẽ muốn xác định là giai đoạn ung thư của bạn.
Giai đoạn đề cập đến mức độ lan rộng của tế bào ung thư trực tràng. Giai đoạn ung thư trực tràng là điều cần thiết để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Việc phân chia giai đoạn ung thư trực tràng thường dựa trên một hệ thống đánh giá được thành lập bởi Ủy ban Hỗn hợp về Ung thư Hoa Kỳ gọi là hệ thống phân giai đoạn TNM.
Hệ thống phân chia giai đoạn ung thư này xem xét các yếu tố sau:
- Khối u nguyên phát (T): Khối u nguyên phát đề cập đến mức độ lớn của khối u ban đầu và liệu ung thư đã phát triển vào thành trực tràng hoặc đã di căn sang các khu vực lân cận hay chưa.
- Hạch vùng (N): Các hạch bạch huyết khu vực đề cập đến việc liệu các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó hay chưa.
- Di căn xa (M): Di căn xa đề cập đến việc ung thư đã di căn từ trực tràng đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
2. Ung thư trực tràng được phân chia giai đoạn như thế nào?
Với mỗi giai đoạn của ung thư trực tràng, bệnh còn được phân loại sâu hơn và được gán một con số hoặc một chữ cái để chỉ ra mức độ của bệnh. Các phân loại này dựa trên cấu trúc của trực tràng, cũng như mức độ ung thư đã phát triển qua các lớp của thành trực tràng.
2.1. Giai đoạn 0: ung thư trực tràng giai đoạn đầu
Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư trực tràng và có nghĩa là nó chưa phát triển ra ngoài niêm mạc hoặc lớp trong cùng của trực tràng.
2.2. Giai đoạn 1: ung thư trực tràng giai đoạn 1
Ung thư trực tràng giai đoạn 1 cho biết ung thư đã phát triển vào lớp bên trong của trực tràng, được gọi là niêm mạc, đến lớp tiếp theo của thành trực tràng, được gọi là lớp dưới niêm mạc. Các tế bào ung thư ở giai đoạn này chưa lan đến các hạch bạch huyết.
2.3. Giai đoạn 2: Ung thư trực tràng giai đoạn 2
Ung thư trực tràng giai đoạn 2, bệnh tiến triển hơn một chút so với giai đoạn 1 và đã phát triển ra ngoài niêm mạc và lớp dưới niêm mạc của trực tràng.
Ung thư trực tràng giai đoạn 2 được phân loại thêm là giai đoạn 2A, 2B hoặc 2C:
- Giai đoạn 2A: Ung thư trực tràng không lan đến các hạch bạch huyết hoặc mô lân cận. Các tế bào ung thư đã đi đến các lớp bên ngoài của trực tràng nhưng nó chưa hoàn toàn phát triển qua đó.
- Giai đoạn 2B: Ung thư trực tràng không lan đến các hạch bạch huyết, nhưng đã phát triển qua lớp ngoài của trực tràng và đến phúc mạc. Đây là lớp màng bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng.
- Giai đoạn 2C: Ung thư không được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gần đó, nhưng ngoài việc phát triển qua lớp ngoài của trực tràng, các tế bào ung thư trực tràng đã phát triển đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận.
2.4. Giai đoạn 3: Ung thư trực tràng giai đoạn 3
Ung thư trực tràng giai đoạn 3 được phân loại thành giai đoạn 3A, 3B và 3C như sau:
- Giai đoạn 3A: Khối ung thư đã phát triển đến hoặc xuyên qua các lớp cơ của trực tràng và được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gần đó. Nó không lây lan đến các hạch hoặc cơ quan ở xa.
- Giai đoạn 3B: Khối ung thư đã phát triển qua các lớp ngoài cùng của trực tràng và xuyên qua phúc mạc hoặc xâm lấn các cơ quan hoặc cấu trúc xung quanh, và được tìm thấy trong 1 đến 3 hạch bạch huyết. Hoặc khối u chưa xuyên qua các lớp bên ngoài của thành trực tràng nhưng được tìm thấy trong 4 hoặc nhiều hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 3C: Khối ung thư trực tràng đã phát triển vượt ra ngoài các lớp cơ và ung thư được tìm thấy trong 4 hoặc nhiều hạch bạch huyết gần đó, nhưng không phải ở các vị trí xa.
2.5.Giai đoạn 4: Ung thư trực tràng giai đoạn cuối
Ung thư trực tràng giai đoạn 4 được phân thành hai giai đoạn 4A và 4B như sau:
- Giai đoạn 4A: Giai đoạn này ung thư trực tràng đã lan đến một vị trí xa, chẳng hạn như gan hoặc phổi.
- Giai đoạn 4B: Giai đoạn phát triển nhất của ung thư trực tràng này cho thấy ung thư đã lan đến từ hai vị trí xa nhau trở lên, chẳng hạn như phổi và gan.
Ngoài phân chia giai đoạn, ung thư trực tràng còn được phân loại là cấp độ thấp hoặc cấp độ cao.
Khi một nhà nghiên cứu bệnh học kiểm tra các tế bào ung thư dưới kính hiển vi, họ đánh một số từ 1 đến 4 dựa trên mức độ trông giống như các tế bào khỏe mạnh.
Số càng cao, các tế bào trông càng bất thường. Ung thư trực tràng có cấp độ thấp sẽ có xu hướng phát triển chậm hơn so với ung thư cấp độ cao. Các dự đoán cũng được coi là tốt hơn cho những người bị ung thư trực tràng ở mức độ thấp.
3. Biểu hiện của bệnh ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Ở các giai đoạn sau, các triệu chứng có xu hướng thay đổi dựa trên kích thước và vị trí khối u trong trực tràng của bạn. Các triệu chứng này có thể bao gồm:
- Thay đổi thói quen đại tiện
- Trong phân có máu hoặc chảy máu trực tràng.
- Đau bụng
- Mệt mỏi
- Giảm cân không giải thích được.
4. Cách điều trị ung thư trực tràng ở từng giai đoạn
Phương pháp điều trị ung thư trực tràng phần lớn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Hãy nhớ rằng, việc lựa chọn phương pháp điều trị cũng sẽ tính đến mức độ ung thư, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bạn.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, thông thường mỗi giai đoạn của ung thư trực tràng được điều trị bằng những cách sau:
- Giai đoạn 0: Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết cho ung thư trực tràng giai đoạn đầu.
- Giai đoạn 1: Chỉ nên phẫu thuật cho ung thư trực tràng giai đoạn 1. Kỹ thuật được sử dụng có thể khác nhau tùy vào vị trí và kích thước của khối u.
- Giai đoạn 2: Nên phẫu thuật để loại bỏ phần ung thư của trực tràng và các hạch bạch huyết lân cận. Trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như nếu ung thư được coi là cấp cao hoặc nếu có các đặc điểm nguy cơ cao, hóa trị có thể được khuyến nghị.
- Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này việc điều trị sẽ bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u và các hạch bạch huyết sau đó là hóa trị. Trong một số trường hợp, phương pháp xạ trị cũng có thể được khuyến khích.
- Giai đoạn 4: Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị và có thể cả xạ trị. Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm trúng đích cũng có thể được khuyến nghị.
5. Có thể ngăn ngừa ung thư trực tràng không?
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư trực tràng, chẳng hạn như tiền sử gia đình và tuổi tác, là không thể ngăn ngừa được.
Tuy nhiên, các yếu tố khác như lối sống có thể góp phần gây ra ung thư trực tràng có thể ngăn ngừa được và có thể giúp giảm nguy cơ phát triển căn bệnh này nói chung.
Bạn có thể thực hiện các việc sau ngay bây giờ để giảm rủi ro mắc ung thư trực tràng:
- Giảm lượng thịt đỏ bạn ăn.
- Tránh các loại thịt đã qua chế biến như xúc xích và thịt nguội.
- Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
- Giảm chất béo trong chế độ ăn uống.
- Tập thể dục hàng ngày.
- Giảm cân, nếu bác sĩ của bạn đề nghị điều này.
- Bỏ hút thuốc
- Giảm uống rượu
- Giảm căng thẳng
- Quản lý bệnh tiểu đường từ trước.
Một biện pháp phòng ngừa khác là đảm bảo rằng bạn được nội soi đại tràng hoặc tầm soát ung thư khác sau tuổi 50. Ung thư trực tràng được phát hiện càng sớm, thì kết quả điều trị càng tốt.
6. Sàng lọc ung thư trực tràng
Các xét nghiệm để sàng lọc ung thư trực tràng bao gồm:
- Xét nghiệm chất miễn dịch trong phân (FIT) hàng năm.
- FIT 2 năm một lần
- Nội soi trực tràng
- Nội soi đại tràng.
Nếu sau khi làm xét nghiệm FIT mà bạn có kết quả dương tính với ung thư trực tràng, bác sĩ của bạn sẽ đề nghị nội soi để xác định chẩn đoán của bạn.
Nội soi đại tràng là một phương pháp kiểm tra trong đó bác sĩ sử dụng một ống dài và hẹp có gắn một camera nhỏ để xem bên trong đại tràng của bạn. Nếu ung thư trực tràng được phát hiện, các xét nghiệm bổ sung thường cần thiết để xác định kích thước của khối u và liệu nó có lan ra ngoài trực tràng hay không.
Các xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện có thể bao gồm xem xét hình ảnh bụng, gan và ngực bằng chụp CT, chụp X-quang hoặc chụp MRI.
Có thể có những trường hợp không thể xác định đầy đủ giai đoạn của bệnh cho đến khi phẫu thuật trực tràng được thực hiện. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành kiểm tra khối u nguyên phát cùng với các hạch bạch huyết đã loại bỏ, giúp xác định giai đoạn bệnh một cách chính xác.
Giai đoạn ung thư trực tràng sẽ ảnh hưởng đến cách điều trị. Những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng giai đoạn 1 và 2 thường có tỷ lệ sống sót cao nhất.
Hãy nhớ rằng, giai đoạn của ung thư trực tràng nhưng không phải là điều duy nhất quyết định tỷ lệ sống sót của bạn. Mà có rất nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của bạn, bao gồm cả mức độ phản ứng của bạn với điều trị, mức độ ung thư, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bạn tại thời điểm chẩn đoán.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Healthline.com