Thủ thuật thắt ống dẫn trứng hay còn gọi là triệt sản nữ, được phụ nữ lựa chọn khi đã quyết định ngừa thai vĩnh viễn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nữ giới thay đổi ý định, mong muốn có thai trở lại sau một thời gian. Vậy nếu như đã thắt ống dẫn trứng có tháo được không?
1. Phẫu thuật tái thông vòi trứng
Trả lời cho câu hỏi “Thắt ống dẫn trứng có tháo được không?”, các bác sĩ cho rằng vẫn có cách tháo ống dẫn trứng đã thắt và thủ thuật này được gọi là tái thông tai vòi của buồng trứng. Trong đó, vòi trứng sẽ được nội soi tháo nút thắt hoặc vi phẫu nối liền lại để phụ nữ có thể mang thai và sinh con thêm lần nữa.
Bác sĩ sẽ dựa vào một số yếu tố sau đây trước khi đồng ý chỉ định ca phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng cho nữ bệnh nhân:
- Tuổi tác, tốt nhất là phụ nữ dưới 30 - 40 tuổi (30% - 80% thành công);
- Phương pháp thắt ống dẫn trứng đã thực hiện trước đây;
- Sức khỏe tổng thể;
- Tình trạng chung của buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng;
- Chiều dài của vòi trứng còn lại;
- Tiền sử thai kỳ;
- Tiền sử phẫu thuật lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, bệnh viêm vùng chậu (PID) hoặc các rối loạn phụ khoa khác.
Đối với phụ nữ đã từng tiến hành những phẫu thuật trên, nguy cơ để lại mô sẹo có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của thủ thuật tháo nút thắt ống dẫn trứng. Nhìn chung, tái thông ống dẫn trứng sẽ phù hợp nhất với những đối tượng có tiền sử:
- Chỉ cắt bỏ một phần nhỏ của ống dẫn trứng;
- Đã dùng phương pháp thắt ống dẫn trứng bằng vòng hoặc kẹp;
- Tiến hành thủ thuật thắt ống dẫn trứng ngay sau lần sinh con cuối cùng.
2. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Cả hai vợ chồng đều phải tiến hành kiểm tra thể chất đầy đủ trước khi bắt đầu ca phẫu thuật để đảm bảo chắc chắn về khả năng mang thai sau khi tái thông ống dẫn trứng. Các bước chuẩn bị cụ thể là:
- Xét nghiệm máu và siêu âm buồng trứng;
- Đo chiều dài và đánh giá chức năng của ống dẫn trứng còn lại (chụp X quang HSG);
- Kiểm tra số lượng tinh trùng và chất lượng tinh dịch.
Tất cả những chi phí xét nghiệm trên, cùng với tổng khoản chi cho viện phí và thuốc gây mê khiến cho phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng (nội soi hoặc vi phẫu) khá tốn kém và cũng không nằm trong danh mục thanh toán của BHYT. Do đó, gia đình bệnh nhân cũng cần cân nhắc đến năng lực tài chính, so sánh với tỷ lệ thành công và mức độ cần thiết trước khi quyết định tiến hành ca mổ.
3. Quy trình tái thông ống dẫn trứng
Phương pháp tái thông ống dẫn trứng là một thủ thuật rất phức tạp vì đường kính vòi tử cung rất nhỏ (chỉ khoảng 1,5 mm) nên cần được tiến hành tại các bệnh viện lớn, có chuyên ngành phẫu thuật nội soi / vi phẫu sản phụ khoa. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để hôn mê sâu và không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật.
Bước đầu của quy trình, bác sĩ sẽ luồn thiết bị nội soi qua rốn của bệnh nhân, vào khu vực xương chậu để quan sát ống dẫn trứng và quyết định có thể tái thông được hay không.
Nếu khả năng phục hồi ống dẫn trứng cao, bác sĩ sẽ rạch một vết mổ nhỏ gần lông mu vùng kín của bệnh nhân, gọi nôm na là "đường cắt bikini". Thông qua kính hiển vi đã được gắn vào đầu ống nội soi, tất cả các clip hoặc vòng đang kẹp và thắt vòi trứng sẽ được tháo ra. Sau đó, các đầu của ống dẫn trứng được nối lại với tử cung bằng những mũi khâu rất nhỏ.
Thông thường, một ca phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng thường mất khoảng từ 2 đến 3 giờ.
4. Phục hồi sau phẫu thuật
Thời gian phục hồi sau ca mổ phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ đã tiến hành. Tái thông vòi trứng là một trong những phẫu thuật ổ bụng phức tạp và khó khăn nhất, mất nhiều thời gian hơn so với phương pháp thắt ống dẫn trứng mà bệnh nhân đã từng thực hiện trước đây.
Trong quá khứ, phụ nữ cần ở lại bệnh viện để theo dõi hậu phẫu trong khoảng từ 1 đến 3 ngày. Nhưng hiện nay, phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng tiên tiến hơn với những kỹ thuật vi phẫu đã giúp phụ nữ không cần ở bệnh viện qua đêm. Bệnh nhân sau ca vi phẫu phục hồi ống dẫn trứng sẽ được về nhà trong ngày, thời gian nằm viện chỉ mất khoảng 2 - 4 giờ tính từ lúc ca mổ hoàn tất.
Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giảm đau để giúp bệnh nhân kiểm soát các triệu chứng khó chịu hậu phẫu. Hầu hết phụ nữ có thể sinh hoạt bình thường trở lại trong vòng 2 tuần.
5. Biến chứng và rủi ro
Tất cả những ca phẫu thuật đều có nguy cơ xảy ra biến chứng và rủi ro. Đối với vi phẫu phục hồi ống dẫn trứng, mặc dù rất hiếm song người bệnh có thể bị:
- Chảy máu, nhiễm trùng và tổn thương các cơ quan lân cận;
- Phản ứng với thuốc mê;
- Nguy cơ mang thai ngoài tử cung trạng đe dọa đến tính mạng;
- Đôi khi hình thành mô sẹo và gây tắc ống dẫn trứng.
Ngoài ra, phụ nữ muốn mang thai trở lại sau thủ thuật thắt ống dẫn trứng có thể lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thay thế cho phẫu thuật tái thông vòi trứng. Hơn nữa, biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng là một gợi ý trong trường hợp phụ nữ vẫn không thể có thai sau khi đã phẫu thuật tái thông phục hồi ống dẫn trứng.
Tóm lại, xung quanh vấn đề “Thắt ống dẫn trứng có tháo được không?”, các bác sĩ khẳng định có thể thực hiện nối vòi trứng cho những phụ nữ đã triệt sản nhưng muốn có con trở lại. Tái thông ống dẫn trứng là một kỹ thuật tạo hình vi phẫu phức tạp, tỷ lệ thành công phụ thuộc vào thời gian và hình thức của phương pháp thắt ống dẫn trứng mà bệnh nhân đã thực hiện trước đây. Mặt khác, khả năng tiếp tục sinh sản của nữ giới còn phụ thuộc vào độ tuổi, do đó các bệnh viện thường chỉ nhận phục hồi vòi trứng cho bệnh nhân dưới 40 tuổi và không có tổn thương ứ dịch tại cơ quan này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com