Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay, đời sống càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp, chăm sóc răng miệng khỏe mạnh đang trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trước khi làm răng, cần hiểu rõ về chúng. Không phải ai cũng biết cung răng là gì? Cách đọc và quan sát vị trí các răng sao cho chính xác, hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời.
1. Cung răng là gì?
Răng được xếp theo một thứ tự nhất định, nằm sát cạnh nhau và trở thành một đường cong trên bề mặt phẳng nằm ngang được gọi là cung răng. Vì vậy, con người đều có hai cung răng, đó là một cung răng hàm trên và cung răng hàm dưới, trong đó cung răng hàm trên sẽ rộng, lớn hơn cung răng hàm dưới.
Đường tượng trưng cho cung hàm răng là đường đi qua rìa cắn của răng cửa, đỉnh răng nanh và đỉnh núm ngoài răng hàm lớn cũng như răng hàm nhỏ.
Có các dạng hình cung răng như sau:
- Dạng cung răng hình vuông (Hypepol): Vị trí các răng cửa, răng nanh sắp xếp với nhau thành một cung dẹt, trong đó răng hàm lớn, răng hàm nhỏ sẽ sắp xếp với nhau theo một đường thẳng.
- Dạng cung răng hình Elip: Vị trí các răng cửa, răng nanh sẽ sắp xếp thành hình vòng tròn, các răng hàm nhỏ sẽ hơi lồi ra, còn răng hàm lớn thì thu vào.
- Dạng cung răng hình chữ U: Có vị trí răng cửa và răng nanh xếp thành hình vòng cung. Có vị trí răng hàm nhỏ và răng hàm lớn sắp xếp song song với nhau hai bên.
Ngoài ra, còn phân loại có dạng cung răng hình chữ V, tuy nhiên không phổ biến.
2. Đặc điểm của cung răng
Ngoài việc hiểu cung răng là gì cũng cần tìm hiểu các đặc điểm của cung răng. Theo đó, cung răng có những đặc điểm nổi bật như sau:
- Các răng được xếp kề sát nhau, tiếp giáp với nhau ở đường vòng lớn nhất nhằm giúp tránh bị xô lệch theo chiều từ gần tới xa.
- Các răng hàm trên luôn tiếp giáp và khớp với cung răng hàm dưới để tạo khớp cắn, giúp nghiền thức ăn trong quá trình ăn, nhai dễ dàng.
- Cung răng hàm trên sẽ to hơn cung răng hàm dưới và chùm ra ngoài cung răng hàm dưới, vì vậy lực tác dụng của mỗi cung răng là khác nhau. Hướng lực tác động của răng hàm trên là theo chiều từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài. Hướng lực của cung răng hàm dưới hoạt động theo chiều từ dưới lên trên và từ ngoài vào trong.
- Răng cố định và được đứng vững trên cung hàm nhờ vào các yếu tố: răng bên cạnh, răng đối diện, tương quan má lưỡi. Nếu thiếu một trong các yếu tố này sẽ làm sai lệch khớp răng.
3. Cách đọc và quan sát vị trí các răng
Ở một người trưởng thành sẽ có tổng cộng 32 cái răng, chia đều 16 răng cho hàm trên và 16 răng cho hàm dưới để nhai, nghiền thức ăn dễ dàng. Các răng này được chia thành 4 nhóm chính như sau:
- Nhóm răng cửa gồm răng số 1 và 2.
- Nhóm răng nanh là răng số 3.
- Nhóm răng hàm nhỏ gồm số 4 và số 5.
- Nhóm răng hàm lớn bao gồm răng số 6, 7 và 8.
Răng hàm vị trí số 6 là chiếc răng lớn mọc ở vị trí thứ 2 được tính từ vị trí của răng khôn và nó nằm cạnh chiếc răng số 7. Răng số 6 có vai trò trong quá trình ăn, nhai rất quan trọng, được coi là “chìa khóa” của khớp cắn và có sự liên hệ mật thiết với các dây thần kinh nằm trong xoang hàm. Do đó, việc bảo vệ, không để mất răng số 6 là điều hết sức quan trọng mà ai cũng cần phải chú ý.
Nếu bị mất răng hàm số 6 sẽ tạo ra một khoảng trống khiến thức ăn ăn hàng ngày dễ bị giắt vào răng. Đây là điều kiện lý tưởng để cho vi khuẩn xâm nhập vào, gây ra các bệnh lý về răng miệng nguy hiểm như: Viêm nướu, sâu răng,...
Răng khôn chính là răng số 8 thuộc nhóm răng hàm. Răng khôn là răng mọc cuối cùng trong các loại răng ở trên cung hàm. Răng khôn chỉ xuất hiện khi con người ở độ tuổi từ 18 đến 25. Đây là răng mọc cuối cùng nên các răng khác gần như đã “lấp đầy” trên bộ cung hàm, vì vậy chiếc răng này có xu hướng mọc ngầm, hay bị đâm ngang các răng kế bên hoặc chen lấn làm ảnh hưởng, xô lệch các răng còn lại.
Đa số khi những chiếc răng khôn vừa phát triển gây đau nhức và mỏi răng, các nha sĩ thường khuyên nên nhổ răng khôn để bảo vệ những chiếc răng khác hoặc hạn chế cảm giác đau nhức.
Các răng trong bốn nhóm kể trên mọc đều và thẳng hàng, tương quan giữa vị trí răng, kích cỡ và tỉ lệ là lý tưởng. Tuy nhiên, có nhiều người răng mọc lệch lạc, hô, móm, bị thưa hay lệch khớp cắn... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quá trình ăn uống hàng ngày mà còn tác động ít nhiều đến thẩm mỹ, chất lượng răng miệng cũng như sức khỏe con người.
Với những trường hợp răng mọc có vấn đề, không khớp giữa 2 cung hàm trên và dưới, phần lớn bác sĩ nha khoa sẽ phải can thiệp để chỉnh nha sớm nhằm đưa răng về đúng vị trí trên cung hàm, khớp cắn đều và thẳng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.