COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người béo phì?

Khoảng 80% trường hợp nhiễm COVID-19 chỉ gặp triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng, số còn lại bị nhiễm trùng nặng thường là người có tuổi, mắc bệnh lý nền và thừa cân. Người béo phì bị nhiễm corona virus, hay chỉ số khối cơ thể (BMI) > 30, có nhiều nguy cơ bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

1. Người béo phì mắc Covid có nguy hiểm không?

Béo phì là một trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bất kể ở độ tuổi nào. Theo phân loại gần đây của CDC, béo phì, hệ miễn dịch suy yếu, bệnh phổi hoặc thận mãn tính đều là những yếu tố khiến COVID-19 diễn tiến nặng. Cơ quan này cũng điều chỉnh mức độ nguy hiểm từ BMI 40 xuống BMI 30. Trong khi đó, khoảng 40% người Mỹ có BMI trên 30.

Một nghiên cứu của Anh Quốc phát hiện ra rằng, những người béo phì bị nhiễm corona virus có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người không béo phì, bất kể tuổi tác và giới tính. Cụ thể, nguy cơ tử vong tăng 40% đối với những người có chỉ số BMI từ 30 - 40. Con số này tỉ lệ thuận với mức độ béo phì, nghĩa là một người có cân nặng càng quá khổ, nguy cơ tử vong do COVID-19 càng cao.

Ngoài nguy cơ tử vong cao hơn, người thừa cân quá mức hoặc béo phì bị nhiễm corona virus dễ khiến bệnh tình chuyển biến xấu. Một nghiên cứu khác cho thấy 7,9% bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong phòng săn sóc tích cực (ICU) có chỉ số BMI trên 40, trong khi đó tỷ lệ chung trong dân số là 2,9%. Tuy nhiên, cân nặng sẽ không ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm COVID-19 của một người.

Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, bệnh nhân béo phì có liên hệ chặt chẽ với tiên lượng xấu. Người bị béo phì cũng có nguy cơ tử vong cao hơn trong các trận đại dịch cúm vào những năm 1950 và 1960.

Các số liệu cho thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh béo phì - cảnh báo mà mọi người thường xem nhẹ trong bối cảnh bình thường. Nhưng hiện tại bằng chứng về mối liên quan giữa bệnh béo phì và COVID-19 vẫn còn hạn chế. Do đó cũng chưa thể xác định nỗ lực giảm cân đối giúp giảm thiểu rủi ro hay không.


Béo phì là một trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bất kể ở độ tuổi nào
Béo phì là một trong những nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, bất kể ở độ tuổi nào

2. Nguyên nhân khiến người béo phì mắc Covid dễ bệnh nặng

Một số người cho rằng cân nặng quá khổ sẽ khiến bạn khó thở hơn, đặc biệt là khi bị ốm. Theo cách hiểu đơn giản, chiếc bụng to sẽ đè lên cơ hoành, từ đó ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Nhưng trên thực tế, các chuyên gia cho biết nguy cơ bệnh trở nặng ở người béo phì bị nhiễm corona virus đến từ chất béo và thay đổi hormone. Chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, cũng như các chức năng chống viêm và miễn dịch của cơ thể.

Ví dụ, những người béo phì tạo ra nhiều protein “bổ sung” - có thể dẫn đến hiện tượng đông máu ngoài tầm kiểm soát. Đây là một vấn đề thường gặp ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng.

Người thừa cân cũng có nồng độ hormone adiponectin trong máu thấp hơn. Các nghiên cứu gần đây trên động vật cho thấy adiponectin giúp bảo vệ phổi, giữ cho các mạch máu sạch và thông thoáng. Vì vậy, nếu có sẵn nồng độ adiponectin thấp, người béo phì mắc Covid sẽ bị viêm phổi.

Mạch máu của người béo phì vốn có nhiều độ nhớt dính, kết hợp với hệ miễn dịch hoạt động mạnh do có virus xâm nhập, sẽ hình thành nhiều cục máu đông hơn, tạo tiền đề cho tắc nghẽn. Tắc nghẽn mạch máu có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và tổn thương phổi - tất cả các vấn đề mà bệnh nhân COVID-19 nặng đều gặp phải.

Hơn nữa, những người bị béo phì thường có nhiều thụ thể ACE2 trên tế bào. Đây được xem là “cánh cửa” mà virus sử dụng để lan rộng khắp cơ thể và nhân bản ra nhiều hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy mô mỡ chứa nhiều thụ thể ACE2 hơn các tế bào phổi. Càng nhiều ACE2 nghĩa là càng nhiều virus trong cơ thể.


Các chuyên gia cho biết nguy cơ bệnh trở nặng ở người béo phì bị nhiễm corona virus đến từ chất béo và thay đổi hormone.
Các chuyên gia cho biết nguy cơ bệnh trở nặng ở người béo phì bị nhiễm corona virus đến từ chất béo và thay đổi hormone.

3. Vai trò của Insulin đối với người béo phì bị nhiễm corona virus

Insulin là một loại hormone quan trọng để duy trì lượng đường trong máu. Khi mắc bệnh béo phì và một số tình trạng khác, các tế bào của cơ thể ngừng phản ứng với insulin để sử dụng đường làm năng lượng. Thay vào đó, insulin được đưa ra khỏi máu, còn cơ thể thì dự trữ chất béo. Đáp lại, tuyến tụy cố gắng tiết ra nhiều insulin hơn. Nhưng vấn đề là insulin không chỉ tác động đến lượng đường huyết, mà còn ảnh hưởng lên thụ thể ACE2 có virus liên kết.

Tình trạng kháng insulin - thường xảy ra ở những người béo phì, có thể kích hoạt các thụ thể ACE2. Nếu kháng insulin, bạn sẽ có nhiều thụ thể hơn trên bề mặt tế bào, chẳng hạn như trên tế bào phổi. Điều đó sẽ làm cho virus dễ dàng xâm nhập vào các tế bào phổi hơn. Càng nhiều virus xâm nhập, tình trạng nhiễm COVID càng tồi tệ hơn, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ngoài béo phì, thì nhiễm trùng cũng có thể khiến người bệnh kháng insulin. Vì vậy, xét nghiệm máu đo tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân COVID-19, sau đó xem xét mức độ bệnh, sẽ không giúp tìm ra nguyên nhân.

Trong một cách tiếp cận khác, các nhà nghiên cứu khai thác dữ liệu của hàng chục nghìn bệnh nhân, để xem liệu gen kháng insulin có liên quan đến mức độ nghiêm trọng hoặc khả năng sống sót của COVID-19 hay không. Các nhà nghiên cứu vẫn đang lên kế hoạch để chứng minh các giả thuyết này.

4. Lưu ý đối với người béo phì mắc Covid


Khi bạn điều chỉnh lối sống để giảm cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng giảm rất nhiều
Khi bạn điều chỉnh lối sống để giảm cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng giảm rất nhiều

Ngay cả đối với các tình trạng sức khỏe khác Covid, cân nặng cũng được xem là yếu nguy cơ đáng kể. Chẳng hạn, người bệnh tiểu đường có nguy cơ gặp biến chứng khi mắc các vấn đề y tế. Nhưng trong nhiều trường hợp, một phần nguyên nhân là do thừa cân. Vì vậy, khi bạn điều chỉnh lối sống để giảm cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng giảm rất nhiều.

Tìm hiểu căn nguyên rõ ràng có thể giúp bác sĩ phát triển các chiến lược giúp bảo vệ bệnh nhân béo phì. Ví dụ, có nhiều cách để cải thiện độ nhạy insulin tương đối nhanh chóng thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thuốc.

Theo số liệu thống kê, cường độ tập thể dục của người dân không tăng trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng doanh số bán các sản phẩm rượu và đồ ăn nhanh lại tăng lên. Người bệnh béo phì có thể cần phải loại bỏ chocolate và đồ uống có đường để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng do nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, CDC khuyến cáo người béo phì mắc Covid cần:

  • Tiếp tục dùng thuốc điều trị các bệnh lý nền (nếu có).
  • Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ về dinh dưỡng và hoạt động thể chất, cũng như các biện pháp giãn cách xã hội và phòng ngừa nhiễm virus.
  • Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất nếu lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình hoặc cảm thấy ốm, mệt mỏi.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thiệt hại, nhưng nếu nhờ nó mà mọi người bắt đầu chú trọng cải thiện lối sống, tạo ra một số thay đổi nhỏ bền vững theo hướng tích cực, thì cũng là một điều tốt. Đây là thời điểm tuyệt vời để mọi người thiết lập lại lối sống lành mạnh hơn, giữ vệ sinh cá nhân tốt hơn và quan tâm kiểm soát cân nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov; medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe