Cốt toái bổ có tác dụng gì đối với sức khỏe

Cốt toái bổ là một trong những cây thuốc có tác dụng dự phòng và điều trị loãng xương, gãy xương và các bệnh về xương khớp khác. Cốt toái bổ có tác dụng gì đối với sức khỏe của bạn? Cùng tham khảo thông tin chi tiết về loài cây này trong bài viết dưới đây.

1. Đặc điểm của cốt toái bổ là gì?

Ở Việt Nam, cốt toái bổ phân bố ở một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Cây hiếm gặp hơn ở các tỉnh Miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Cốt toái bổ là vị thuốc rất tốt cho can thận, xương khớp. Cây được dùng để điều trị chứng răng đau, răng long, răng chảy máu do thận hư.

  • Tên gọi khác của Cốt toái bổ: Tổ rồng, Hầu khương, Tắc kè đá, Thân khương, Tổ phượng, Hộc quyết, Thu mùn...
  • Tên khoa học: Drynaria fortunei
  • Họ: Dương xỉ (Polypodiaceae)

Cốt toái bổ có chiều cao khoảng 20–40cm, sống lâu năm, tồn tại riêng trên các hốc đá, phát triển tốt trên những đám rêu hoặc sống trên các thân cây lớn như cây đa, cây si lớn. Thân rễ mọc lan, dày và dẹt, phủ đầy lông dạng vảy màu nâu nhạt, vảy có hình ngọn giáo hẹp. Lá có hai loại: Lá không sinh sản che kín thân rễ có tác dụng hứng mùn, chiều dài 3 - 5cm, hình tim khum, mép lá có răng cưa nhọn, không có cuống, màu nâu, mặt dưới có lông, gân lá lồi lõm; lá sinh sản xẻ thùy sâu hình lá kép lông chim, có cuống dài khoảng 4–7cm, chiều dài lá 10 - 30cm, phiến lá dài có màu lục sẫm, mỗi lá có khoảng 7 - 12 cặp lá hình lông chim. Túi bào tử tròn, xếp thành hàng đều đặn giữa các gân lá dưới, không có áo túi. Bào tử nhỏ hình trái xoan, màu vàng nhạt. Mùa sinh trưởng của cây vào tầm tháng 5 đến tháng 8.

Cốt toái bổ được tìm thấy tại một số tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Cây sinh trưởng và duy trì nòi giống bằng cách phát tán bào tử. Phần thân rễ có khả năng phân nhánh và mọc nhiều chồi nên rất khó phân biệt được từng cá thể. Do trữ lượng trong tự nhiên hạn chế, lại thường xuyên bị khai thác triệt để nên nguồn cung cốt toái bổ dần cạn kiệt và chúng đã có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cần được lưu ý bảo tồn.

Bộ phận dùng làm dược liệu của cốt toái bổ

Phần thân và rễ phơi khô của cây cốt toái bổ được sử dụng làm thành phần trong nhiều bài thuốc Nam. Lựa chọn phần thân rễ già, loại bỏ phần rễ con và phần lá, rửa sạch đất cát rồi đem cắt thành từng đoạn, sau khi phơi hoặc sấy khô có kích thước khoảng 5 - 15cm, rộng 1 - 3cm, bề dày 3mm. Hoặc có thể dùng cách đem đun chín trước rồi phơi hoặc sấy khô thuận tiện hơn cho việc bảo quản.

Muốn loại bỏ hết phần lông bao phủ bên ngoài thân rễ, có thể dùng cách đốt cháy cho hết lông nhỏ.

Loại dược liệu này có mặt ngoài màu nâu đỏ hay nâu đen, nhiều nếp nhăn dọc thân, nhiều khi còn thấy sần sùi hay có mấu, mặt cắt ngang có màu nâu hoặc nâu pha hồng nhạt.

Thành phần hóa học của cốt toái bổ

Phần thân rễ của cốt toái bổ có hesperidin (CA., 1970, 73, 11382j) và 25 – 34,89% tinh bột.

Những nghiên cứu mới cho thấy thành phần trong cốt toái bổ có tổng cộng tới 369 hợp chất đã được phát hiện, có ít hơn 50 hợp chất khi không phân tách. Trong đó có các chất chống oxy hóa như: Flavonoid, proanthocyanidin, triterpenoids, axit phenolic và lignans.

Tác dụng dược lý

Một vài thí nghiệm trên chuột, dựa trên tác dụng của một polysacarit đồng nhất (DFPW) đã được phân lập và tinh chế từ phần thân rễ đã sấy khô của cốt toái bổ lên xương của những con chuột đã bị cắt bỏ buồng trứng (OVX). Có khả năng kết luận việc uống DFPW hàng ngày sẽ là phương thuốc rất hữu ích trong việc điều trị chứng loãng xương sau mãn kinh ở chuột, có thể so sánh với hoạt chất Raloxifene.

Chức năng này có liên quan đến tác dụng của DFPW trong sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và tái hấp thu xương. Nhờ đó, việc mất xương có thể thuyên giảm ở những con chuột bị OVX. Đồng nghĩa với việc có thể kết luận rằng DFPW có thể ngăn ngừa loãng xương.

  • Diệt vi khuẩn đường miệng

Thử nghiệm cho thấy Cloroform trong cốt toái bổ kết hợp với ampicillin hoặc gentamicin đã tiêu diệt 100% hầu hết các vi khuẩn trong vòng 3 – 4 giờ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hoạt động kháng khuẩn và hiệp đồng của cloroform tương tự như kháng sinh đường miệng.


Cốt toái bổ có tác dụng ngăn ngừa loãng xương và diệt vi khuẩn đường miệng
Cốt toái bổ có tác dụng ngăn ngừa loãng xương và diệt vi khuẩn đường miệng

2. Công dụng và liều dùng

Cốt toái bồ có vị đắng, tính ấm

Theo Đông Y

  • Công dụng: Hoạt huyết, hóa ứ, làm mạnh gân xương, bổ thận, giảm đau, cầm máu, sát trùng, khu phong thấp, hành huyết.
  • Điều trị: Chấn thương do té ngã, ù tai, đau nhức lưng, thận hư yếu, đau răng, đau lưng mỏi gối, chảy máu chân răng, tiêu chảy kéo dài, khớp sưng đau tê liệt, bong gân...
  • Dùng uống hay đắp ngoài. Liều dùng hàng ngày từ 6 - 12 gam. Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc uống hay ngâm rượu. Đắp ngoài da không có giới hạn lượng dùng.

Theo Tây y

  • Dược liệu có tác dụng giảm độc tính của Kanamycin đối với tai trong. Tuy nhiên khi ngưng dùng tình trạng tai điếc vẫn tiếp tục tiến triển. (Thực nghiệm được thực hiện trên chuột lang).
  • Làm giảm nồng độ lipid trong máu và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
  • Giảm đau và an thần
  • Drynaria fortunei làm tăng nồng độ canxi trong xương và máu, đồng thời nâng cao lượng phosphate trong cơ thể.

3. Bài thuốc chữa bệnh có thành phần Cốt toái bổ

3.1. Bài thuốc bổ thận chắc răng

Điều trị các chứng thận hư, dương phù sinh đau răng, chảy máu chân răng, răng lung lay.

Bài thuốc 1: Cốt toái bổ lượng vừa đủ đem giã nhỏ, sao đen, nghiền thành bột mịn, sau đó sát vào lợi và chân răng.

Bài thuốc 2: Cốt toái bổ 16 gam; Thục địa 16 gam; Sơn dược 12 gam; Sơn thù 12 gam; Bạch linh 12 gam; Đơn bì 12 gam; Trạch tả 12 gam; Tế tân 2,4 gam; Đem tất cả sắc lấy nước uống mỗi ngày.

3.2. Chữa gãy xương kín và chấn thương phần mềm

Dùng trong trường hợp té ngã bị thương, xương gãy lâu liền.

Bài thuốc 1: Cốt toái bổ; Lá sen; Trắc bách diệp; Bồ kết, các vị chuẩn bị lượng bằng nhau, đem tất cả tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12 gam, hãm với nước sôi; hoặc giã nát đắp ngoài da.

Bài thuốc 2: Cốt toái bổ 15 gam; Sinh địa 10g; Lá sen tươi 10 gam; Trắc bách diệp tươi 10 gam đem sắc lấy nước uống. Công dụng chữa lành vết thương, gân cốt bị tổn thương, răng bị viêm, lung lay hay chảy máu.

Bài thuốc 3: Cốt toái bổ 12gam; Đảng sâm 16 gam; Hoàng kỳ 12 gam; Hoài sơn 16 gam; Ba kích 16 gam; Bạch truật 12 gam; Đương quy 12 gam; Cẩu tích 12 gam; Tục đoạn 12 gam; Mẫu lệ 12 gam; Thiên niên kiện 8 gam; có thể đem sắc lấy nước uống hoặc nấu thành dạng cao lỏng. Chúng có tác dụng: bồi bổ khí huyết, bổ gân xương, người già suy nhược cơ thể, gãy xương liền chậm

Bài 4: Huyết kiệt; Đương quy; Một dược; Cốt toái bổ; Bằng sa; Địa miết trùng; Tục đoạn; Nhũ hương; Đại hoàng; Đồng tự nhiên, các vị lấy với lượng bằng nhau. Đem nghiền thành bột mịn rồi trộn với Vaseline thoa vùng đau nhức.

3.3. Chữa bệnh phong thấp

Nguyên liệu: 120 gam Rễ gắm; 40 gam Cốt toái bổ; 100 gam Vỏ chân chim; 800 gam rễ Rung túc; 60 gam Bạch hoa xà; 600 gam rễ Chiên chiến; 40 gam Bạch đồng nữ; 40 gam Xích đồng nam; 40 gam Tiền hồ; 40 gam Ô dược; 40 gam Cỏ xước; 40 gam rễ Bưởi bung.

Tiến hành: Đem các vị đã chuẩn bị trên nấu thành cao đặc, sau đó ngâm với rượu trắng trong 3 ngày. Mỗi ngày kiên trì uống 2 lần có tác dụng chữa bệnh phong thấp rất hiệu quả.


Cốt toái bổ cần được sử dụng đúng cách giúp điều trị bệnh
Cốt toái bổ cần được sử dụng đúng cách giúp điều trị bệnh

3.4. Chữa chứng đau nhức răng, thận hư yếu và tai ù

Nguyên liệu: Bầu dục lợn 1 cái; Cốt toái bổ tán bột.

Tiến hành: Cho Cốt toái bồ nhào vào bầu dục lớn, nướng chín và ăn trực tiếp.

3.5. Chữa đau lưng gối mỏi do thận hư yếu

Nguyên liệu: Đỗ trọng, Cốt toái bổ, Tỳ giải mỗi vị 16 gam; Thỏ ty tử, Dây đau xương, Rễ gối hạc, Ngưu tất mỗi vị 12 gam; Cẩu tích 20 gam; Hoài sơn 20 gam.

Tiến hành: Đem tất cả các vị sắc uống, dùng đều đặn hằng ngày.

3.6. Chữa máu tụ và bong gân do chấn thương

Nguyên liệu: Rễ củ cốt toái bổ tươi.

Tiến hành: Bỏ hết phần lá khô và lông tơ, rửa cho sạch và giã nát. Sấp nước rồi gói trong lá chuối đã nướng, sau đó đem đắp lên vùng đau nhức và bó lại.

3.7. Chữa chứng khô miệng, toàn thân mệt mỏi, nặng đầu, chân tay bủn rủn, thận hư yếu

Nguyên liệu: Tang ký sinh, Sâm bố chính, Gạc nai nướng, Củ mài mỗi vị 6 gam; Nhụy sen, Mẫu đen mỗi vị 4 gam; Hà thủ ô đỏ 12 gam; Cốt toái bổ 6 gam.

Tiến hành: Đem sắc tất cả các vị lấy nước uống hàng ngày

3.8. Bồi bổ gân xương

Nguyên liệu: Bột Mẫu lệ, Bột sừng hươu nai, bột Cốt toái bổ mỗi vị 2 gam.

Tiến hành: Đem nghiền và vo thành viên uống, dùng đều đặn và liên tục trong 3 – 4 tuần

3.9. Trị chứng phong thấp do huyết

Dạng thuốc viên

Nguyên liệu: Cẩu tích (ướp rượu nấu với nước muối nhạt, phơi khô) 240 gam; Thạch hộc (rửa với rượu, chưng kỹ và phơi khô) 160 gam; Hy thiêm (chưng với mật ong và rượu) 160 gam; Rễ cỏ xước (dùng tươi đem rửa với rượu); Cốt toái bổ (tươi cạo lông, thái nhỏ và tẩm với mật ong rồi phơi khô) 160 gam; Quán chúng (phơi trong bóng râm, bỏ lông và vỏ) 100 gam; Lá ké đầu ngựa (phơi trong bóng râm) 40 gam; Vỏ chân chim (sao vàng) 160 gam.

Tiến hành: Đem tất cả các vị đã sơ chế tán thành bột mịn, thêm mật ong làm thành viên. Mỗi lần dùng 8 – 12 gam uống với rượu hoặc nước gừng.

Dạng rượu ngâm

Nguyên liệu: Rễ bưởi bung, Xích đồng nam, Cỏ xước, Tiền hồ, Ô dược, Bạch đồng nữ mỗi vị 40 gam; Vỏ chân chim 100 gam; Rễ gắm 120 gam; Cốt toái bổ 40 gam; Rễ rung rúc 80 gam; Rễ chiên chiến, Bạch hoa xà mỗi vị 60 gam.

Tiến hành: Nấu thành dạng cao đặc, sau đó ngâm với 2 lít rượu trắng 40 độ trong 3 ngày. Sau đó chắt lấy dịch trong, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 30ml.

3.10. Chữa thấp khớp mãn tính thuộc thể nhiệt

Nguyên liệu: Cam thảo 4 gam; Thổ phục linh, Thiên hoa phấn, Cốt toái bổ, Thạch cao, Độc hoạt, Khương hoạt, Kê huyết đằng, Đan sâm, Hy thiêm, Sinh địa, Uy linh tiên; Rau má mỗi vị 12 gam.

Tiến hành: Sắc uống mỗi ngày chỉ 1 thang.

3.11. Chữa gãy xương lâu liền và chứng suy nhược cơ thể ở người cao tuổi

Nguyên liệu: Mẫu lệ, Tục đoạn, Cốt toái bổ, Cẩu tích, Hoàng kỳ, Đương quy, Bạch truật mỗi vị 12 gam; Hoài sơn, Đảng sâm, Ba kích mỗi vị 16 gam; Thiên niên kiện 8 gam.

Tiến hành: Đem tất cả các vị sắc thành nước uống.

4. Lưu ý khi dùng Cốt toái bổ

Không dùng cho người âm hư, huyết hư

Không dùng cốt toái bổ cho các trường hợp thiếu âm kèm nhiệt nội và các triệu chứng ứ máu.

Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú

Thông báo cho bác sĩ biết về việc bạn đang bị bệnh gì kèm theo và thuốc bạn đang sử dụng để hạn chế tối đa tình trạng tương tác thuốc

Không tự ý phối hợp các vị dược liệu với nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe