Corticosteroid hay corticoid là loại thuốc phổ biến trong điều trị bệnh xương khớp. Mặc dù, thuốc này mang lại hiệu quả trong việc giảm đau và viêm nhưng vẫn gây ra một số tác dụng phụ. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về cách sử dụng corticosteroid phù hợp với tình trạng bệnh xương khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Nguyễn Thị Oanh - Bác sĩ Nội cơ xương khớp thuộc Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Corticosteroid là gì?
Corticosteroid là một loại hóc-môn steroid được sản xuất tự nhiên trong cơ thể ở tuyến thượng thận. Thuốc này cũng được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo để sử dụng trong y học. Corticosteroid bao gồm một số loại thuốc như cortisone, prednisone và methylprednisolone.
Corticoid, với cấu trúc steroid đặc trưng, thường được gọi là corticosteroid, là một nhóm thuốc kháng viêm mạnh được sử dụng để giảm phản ứng viêm trong nhiều bệnh lý khác nhau. Corticosteroid có nhiều dạng khác nhau, có thể dùng tại chỗ (bôi, nhờ mắt, hít, nhỏ tai, tiêm khớp ) hoặc toàn thân (uống, tiêm tĩnh mạch)
2. Sử dụng Corticosteroid trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Corticosteroid thường được sử dụng trong điều trị bệnh xương khớp khi có các tình trạng viêm và đau do các bệnh như gút, hoặc các bệnh lý tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ.
Dưới đây là một số trường hợp cụ thể về việc sử dụng corticosteroid trong điều trị xương khớp:
- Giảm viêm và đau: Corticosteroid có khả năng chống viêm mạnh, giúp giảm sưng và đau trong các bệnh lý khớp viêm.
- Tiêm trực tiếp vào khớp, tiêm điểm bám gân: Trong một số trường hợp, corticosteroid có thể được tiêm trực tiếp vào khớp, bao gân bị viêm để giảm đau và sưng một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ và theo liều lượng được chỉ định để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là khi sử dụng lâu dài.
Bệnh nhân cần thảo luận kỹ với bác sĩ về lợi ích và rủi ro của việc sử dụng corticosteroid trong quá trình điều trị.
4. Corticosteroid có lợi ích như thế nào?
Trong 1 số bệnh tự miễn, đáp ứng viêm hệ thống có thể làm tổn thương những cơ quan quan trọng của cơ thể, corticosteroid giúp ngăn ngừa quá trình này . Ví dụ, corticosteroid có thể ngăn ngừa tình trạng viêm thận ở bệnh nhân lupus trở nên nghiêm trọng hơn.
corticosteroid có thể mang lại sự giảm đau và cứng khớp đáng kể cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Sử dụng corticosteroid liều cao trong thời gian ngắn có thể giúp một người hồi phục sau một đợt viêm khớp nghiêm trọng.
Việc tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp mang lại lợi ích nhanh chóng trong việc giảm đau khớp và khôi phục chức năng, như trong trường hợp thoái hóa khớp gối có phản ứng viêm, hội chứng chóp xoay vai, viêm các điểm bám gân.
5. Các tác dụng phụ có thể của corticosteroid là gì?
Khả năng xuất hiện tác dụng phụ phụ thuộc vào liều lượng, loại corticosteroid và thời gian điều trị. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn những tác dụng phụ khác. Các tác dụng phụ phổ biến của corticosteroid toàn thân bao gồm: Tăng cảm giác thèm ăn. Tăng cân. Thay đổi tâm trạng. Yếu cơ. Mờ mắt. Dễ bị bầm tím. Suy giảm miễn dịch. Loãng xương (bệnh yếu xương). Khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường. Khởi phát hoặc làm nặng thêm tăng huyết áp. Kích thích dạ dày. Khó ngủ. Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp. Hoại tử vô mạch chỏm xương.
Những tác dụng phụ này là phổ biến nhất, nhưng không phải tất cả các tác dụng phụ đều được liệt kê.
Việc tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp có thể tác động tiêu cực đến cấu trúc mô khớp, đặc biệt là khi quá trình tiêm được thực hiện nhiều lần. Những ảnh hưởng này bao gồm việc làm mỏng sụn khớp, làm yếu các dây chằng khớp, bạch biến da vùng tiêm, và có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng tại vùng khớp.
6. Mọi người có bị tác dụng phụ không?
Không phải tất cả các bệnh nhân đều có tác dụng phụ. Tần suất xuất hiện của các tác dụng phụ có thể khác nhau giữa các cá nhân.
Nếu việc sử dụng orticosteroid là ngắn hạn (từ vài ngày đến vài tuần), có thể không xảy ra bất kỳ tác dụng phụ nào trong danh sách trên. Các tác dụng phụ được liệt kê ở đây thường không xuất hiện khi chỉ tiêm corticosteroid 1 vài lần viêm khớp, viêm gân hoặc viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng corticosteroid liều cao và kéo dài (từ vài tháng đến vài năm), số lượng tác dụng phụ có thể gia tăng.
7. Làm thế nào để giảm thiểu các tác dụng phụ của corticosteroid?
Để giảm thiểu các tác dụng phụ của corticosteroid, cần tuân theo một số hướng dẫn:
- Sử dụng corticosteroid chỉ khi cần thiết, không tự ý sử dụng corticosteroid mà không có hướng dẫn của bác sĩ. Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.
- Nếu có thể, sử dụng corticosteroid tại chỗ.
- Sử dụng liều nhỏ nhất cần thiết để kiểm soát bệnh.
- Giảm dần liều khi bệnh được kiểm soát.
- Theo dõi huyết áp và đường huyết thường xuyên và điều trị nếu cần.
- Theo dõi mật độ xương và điều trị loãng xương nếu có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.