Công dụng thuốc Zolotan 5 và 10

Thuốc Zolotan chứa hoạt chất Zolpidem tartrat được chỉ định trong điều trị ngắn hạn tình trạng mất ngủ ở người bệnh suy nhược và âu lo... Cùng tìm hiểu về công dụng và liều dùng thuốc Zolotan qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Zolotan

Thuốc Zolotan chứa hoạt chất Zolpidem được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với 2 hàm lượng là Zolpidem 5mg và 10mg.

Hoạt chất Zolpidem thuộc nhóm thuốc an thần gây ngủ dẫn xuất imidazopyridin có thời gian tác dụng ngắn, cấu trúc hóa học khác với thuốc an thần gây ngủ nhóm Benzodiazepine, Barbiturat nhưng tác dụng tương tự Benzodiazepine. Tuy nhiên khác với Benzodiazepine, Zolpidem rất ít tác dụng giải lo âu, chống co giật và giãn cơ.

Thuốc Zolotan được chỉ định trong điều trị ngắn hạn mất ngủ làm người bệnh lo âusuy nhược.

2. Liều dùng của thuốc Zolotan

Zolotan được uống trước khi đi ngủ, người bệnh nên dùng thuốc vào một thời điểm như nhau trong ngày. Một số khuyến cáo về liều dùng thuốc Zolotan như sau:

  • Người trưởng thành: Khuyến cáo dùng Zolotan 10 uống 1 viên trước khi đi ngủ. Trường hợp cần thiết có thể dùng liều cao hơn, tuy nhiên liều cao thuốc có thể dẫn đến tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn, bao gồm cả khả năng lạm dụng thuốc;
  • Người bệnh cao tuổi, suy nhược: Khuyến cáo dùng Zolotan 5 uống 1 viên trước khi đi ngủ, liều thuốc có thể điều chỉnh khi cần thiết;
  • Người bệnh suy thận, suy gan: Khuyến cáo dùng Zolotan 5mg uống 1 viên trước khi đi ngủ, liều thuốc có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Khuyến cáo không dùng Zolpidem quá 10mg/ngày và chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn (không quá 7 – 10 ngày). Liều thuốc cần được giảm ở người bệnh sử dụng đồng thời với thuốc có khả năng ức chế thần kinh trung ương do nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn.

Độ an toàn và hiệu quả của Zolpidem ở trẻ em dưới 18 tuổi chưa được chứng minh, vì vậy không dùng thuốc ở đối tượng này.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zolotan

Thuốc Zolotan có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, suy nhược, lo âu, tiêu chảy, đổ mồ hôi, táo bón, khó tiêu, chán ăn, đau khớp, mất chức năng phối hợp;
  • Ít gặp: Ức chế tâm thần, dị cảm, đau nửa đầu, vô cảm, đau dây thần kinh, bại não, viêm thần kinh, run, khó nói, rối loạn vị giác, ho, đầy hơi, chuột rút, viêm phế quản;
  • Hiếm gặp: Mất ngủ, ảo giác, khuynh hướng tự sát, đau dây thần kinh tọa, co giật, choáng phản vệ, mẫn cảm với ánh sáng, dị ứng da, tắc ruột, chảy máu trực tràng, chảy máu cam, yếu cơ, co thắt phế quản, viêm gân, hạ huyết áp, tăng men gan.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc Zolotan.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Zolotan

Chống chỉ định sử dụng thuốc Zolotan trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm với Zolpidem hoặc bất kỳ thành phần nào của Zolotan;
  • Người mắc chứng ngừng thở khi ngủ;
  • Người bệnh suy nhược cơ;
  • Người suy gan, suy thận nặng;
  • Người bệnh suy hô hấp cấp hoặc suy hô hấp nặng;
  • Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú.

Thận trọng khi dùng thuốc:

  • Thận trọng khi dùng Zolotan ở người bệnh suy giảm chức năng hô hấp, vì thuốc có khả năng gây ức chế hô hấp.
  • Người bệnh cần được nhắc nhở là không uống rượu bia hoặc dùng thuốc ức chế thần kinh trung ương khi đang điều trị bằng Zolotan vì làm tăng tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương.
  • Thận trọng khi dùng Zolotan ở người cao tuổi, người suy giảm chức năng gan và thận, người bệnh có tiền sử nghiện thuốc, người mắc bệnh trầm cảm.
  • Tránh dùng thuốc Zolotan kéo dài. Trường hợp điều trị bằng thuốc từ 1 – 2 tuần trở lên cần giảm dần liều thuốc đến khi ngừng để tránh nguy cơ bị hội chứng cai thuốc.
  • Zolotan có thể gây ngủ gà, vì vậy khuyến cáo không lái xe, vận hành máy móc khi đang dùng thuốc.
  • Bảo quản thuốc Zolotan ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng và độ ẩm cao.

5. Tương tác thuốc

  • Nồng độ của Zolpidem trong máu tăng lên khi dùng đồng thời với thuốc Azol chống nấm (Floconazol, Ketoconazol...), từ đó làm tăng tác dụng và tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn của Zolotan.
  • Rifampicin chuyển hóa enzyme P450 34A, từ đó làm giảm nồng độ trong huyết tương và giảm tác dụng của Zolotan khi dùng phối hợp.
  • Ritinavir và các thuốc cùng nhóm tác động ức chế chuyển hóa của Zolpidem, dẫn đến tăng tác dụng an thần và ức chế hô hấp. Vì vậy khuyến cáo không dùng đồng thời các loại thuốc này.
  • Thuốc ức chế thu hồi Serotonin (Paroxetin, Fluoxetin...) ức chế chuyển hóa và làm tăng tác dụng của Zolotan.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của thuốc Zolotan. Vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng Zolotan.

Tóm lại, thuốc Zolotan được chỉ định trong điều trị ngắn hạn mất ngủ làm người bệnh lo âu và suy nhược. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Zolotan theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe