Thuốc Zinforcol thuộc nhóm khoáng chất và vitamin. Thuốc Zinforcol được có thành phần chính là kẽm gluconat, được bào chế ở dạng viên nén và chỉ định sử dụng trường hợp thiếu kẽm nhẹ, vừa và nặng. Mặc dù chưa có ghi nhận về tác dụng phụ của thuốc Zinforcol nhưng khi sử dụng thuốc người bệnh cũng cần được tư vấn từ bác sĩ.
1. Cơ chế tác dụng của thuốc Zinforcol
Thuốc Zinforcol có thành phần chủ yếu là kẽm gluconat và kẽm là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển cũng như hoạt động của cơ thể. Kẽm thuộc nhóm chất khoáng vô cơ được bổ sung hàng ngày với hàm lượng nhỏ giúp tham gia vào các thành phần của hơn 300 enzyme chuyển hóa của cơ thể, từ đó có các tác động lên quá trình sinh học, đặc biệt với quá trình phân giải tổng hợp acid nucleic, protein, những thành phần căn bản của sự sống. Đồng thời nó còn tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp phòng chống các bệnh nhiễm trùng chẳng hạn nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hoá.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Zinforcol
Thuốc Zinforcol có tác dụng gì? Thuốc Zinforcol được chỉ định trong các trường hợp thiếu kẽm:
- Thiếu kẽm ở mức độ nhẹ và vừa với các triệu chứng suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chán ăn, táo bón nhẹ, buồn nôn, chậm tiêu, khó ngủ, mất ngủ, trẻ khóc quấy về đêm, cơ thể suy nhược, nhức đầu, khô da, vết thương lâu lành, khô mắt, loét giác mạc, nhiễm trùng tái diễn ở đường tiêu hoá, quáng gà, nhiễm khuẩn đường hô hấp...
- Thiếu kẽm ở mức độ nặng với những tổn thương ở mô như viêm lưỡi, rụng tóc, loạn dưỡng móng, chậm lớn, thiểu năng sinh dục, viêm hậu môn, viêm âm hộ, tiêu chảy...
- Ngoài ra, kẽm còn được bổ sung trong các trường hợp tiêu chảy cấp và mãn tính, phụ nữ đang nuôi con bú, trẻ bị bệnh còi xương, chậm lớn hoặc người có chế độ ăn thiếu cân bằng hoặc ăn kiêng.
Tuy nhiên, thuốc Zinforcol cũng có thể chống chỉ định với các trường hợp quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, hoặc các trường hợp mắc suy gan, thận, suy tuyến thượng thận trầm trọng, tiền căn có bệnh sỏi thận và phụ nữ đang mang thai.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Zinforcol
Liều lượng thuốc Zinforcol được chỉ định sử dụng dựa trên cách tính kẽm nguyên tố. Vì vậy từ lượng muối kẽm phải tính ra lượng kẽm nguyên tố. nếu như một viên thuốc bổ sung có chứa 70mg kẽm thì chỉ có chữa 10mg kẽm nguyên tố.
Liều khuyến nghị sử dụng thuốc cho hỗ trợ dinh dưỡng với liều tối đa 15mg/ngày và tùy theo từng trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.
Với liều áp dụng cho điều trị thiếu kẽm thì sẽ tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Khi sử dụng thuốc nên chia liều thành 1 đến 2 lần/ngày và uống sau bữa ăn.
Đối với trẻ nhỏ khi sử dụng viên kẽm có thể dễ bị buồn nôn hoặc nôn do có vị chát. Vì vậy cha mẹ cơ thể pha loãng với nước cùng với một chút đường để trẻ dễ uống. Không cho trẻ uống vào lúc đói hoặc ngay sau khi ăn quá no.
Cần lưu ý: Liều điều trị khuyến cáo ở trên cho thuốc Zinforcol chỉ mang tính chất tham khảo. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc Zinforcol, người bệnh cần được chỉ định của bác sĩ.
4. Xử trí quên liều và quá liều của thuốc Zinforcol
Nếu quên liều Zinforcol hãy sử dụng liều quên khi nhớ ra vào lúc sớm nhất. Tuy nhiên, khoảng cách giữa liều Zinforcol quên và liều tiếp theo quá gần nhau hãy bỏ qua liều quên. Người bệnh không nên sử dụng gấp đôi liều thuốc Zinforcol, vì có thể gây ra tình trạng quá liều thuốc. Để khắc phục tình trạng bỏ lỡ liều, người bệnh có thể thực hiện đặt chuông báo thức hoặc nhờ người thân nhắc nhở.
Trong trường hợp vô tình sử dụng thuốc Zinforcol quá liều so với quy định và xuất hiện một số dấu hiệu của không mong muốn cần đưa người bệnh đi cấp cứu hoặc đến gặp bác sĩ điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, người nhà có thể áp dụng một số biện pháp xử lý sơ bộ khi ngộ độc thuốc Zinforcol như: rửa dạ dày, gây nôn. Tiếp đến người nhà đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị các triệu chứng.
5. Một vài lưu ý với việc bổ sung thành phần kẽm trong thuốc Zinforcol
Những người nên bổ sung kẽm:
- Người mắc bệnh tiêu hoá với các bệnh như bệnh thận, viêm ruột hoặc hội chứng tắc ruột ngắn sẽ rất khó hấp thu chất dinh dưỡng. Vì vậy, hàng này những đối tượng này cần được bổ sung thêm hàm lượng kẽm.
- Những người ăn chay trường thì trong chế độ ăn hàng ngày của họ thường hàm lượng vi chất này rất ít, nhưng ngược lại ở chế độ ăn bình thường thì hàm lượng kẽm rất nhiều trong thịt, cá... Vì vậy, người ăn chay cần bổ sung lượng kẽm thiếu hụt trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Người nghiện bia rượu. Những đối tượng này thường xuyên sử dụng chất kích thích có nồng độ kẽm trong cơ thể thấp và bị bài tiết qua nước tiểu. Vì vậy cần bổ sung thêm kẽm cho các đối tượng này.
- Phụ nữ nuôi con bú hoặc trẻ lớn chỉ bú mẹ thì cần bổ sung đủ hàm lượng kẽm hàng ngày từ sữa mẹ nên sau thời gian này nhu cầu kẽm của người mẹ tăng lên 50% so với bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.