Công dụng thuốc Zaniat

Thuốc Zaniat được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Cefuroxim. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm với hoạt chất Cefuroxim.

1. Công dụng của thuốc Zaniat

Thuốc Zaniat có thành phần chính là Cefuroxim với các dạng hàm lượng như 125mg (Zaniat 125), 250mg (Zaniat 250), 500mg (Zaniat 500),... Cefuroxim là kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp thế hệ 2. Cefuroxim axetil là tiền chất, bản thân chưa có tác dụng kháng khuẩn, đi vào trong cơ thể bị thủy phân dưới tác dụng của enzyme esterase thành Cefuroxim nên mới có tác dụng.

Cefuroxim có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn đang trong giai đoạn phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Hoạt chất này gắn vào các protein gắn với penicillin, là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo của màng tế bào vi khuẩn, đóng vai trò là enzyme xúc tác cho giai đoạn cuối của quá trình tổng hợp vách tế bào. Kết quả là vách tế bào được tổng hợp sẽ yếu đi, không bền dưới tác dụng của áp lực thẩm thấu.

Giống như các kháng sinh cephalosporin thế hệ 2 khác như cefaclor, cefamandol, Cefuroxim có hoạt tính trên vi khuẩn gram âm tốt hơn so với các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 nhưng có phổ tác dụng trên vi khuẩn gram âm hẹp hơn so với các kháng sinh cephalosporin thế hệ 3. Bên cạnh đó, Cefuroxim cũng có tác dụng trên nhiều vi khuẩn hiếu khí gram dương, trên hầu hết vi khuẩn gram âm và nhiều trực khuẩn gram âm,... Tuy nhiên, Cefuroxim không có tác dụng trên một vài vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis.

Chỉ định sử dụng thuốc Zaniat:

  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm họng;
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp tính, viêm phổi, đợt kịch phát của viêm phế quản mạn tính;
  • Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục như viêm thận - bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo;
  • Điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm như chốc lở, nhọt bệnh mủ da;
  • Điều trị bệnh lậu, viêm niệu đạo cấp tính không có biến chứng do lậu cầu, viêm cổ tử cung;
  • Điều trị bệnh Lyme ở giai đoạn sớm, phòng ngừa bệnh Lyme giai đoạn muộn ở người từ 12 tuổi trở lên.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Zaniat:

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Zaniat

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống thuốc vào bữa ăn.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi:
    • Nhiễm khuẩn tai - mũi - họng (viêm xoang, viêm họng, viêm tai giữa): Dùng liều 250mg hoặc 500mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 10 ngày;
    • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Dùng liều 250mg hoặc 500mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 10 ngày đối với đợt bùng phát của viêm phế quản mạn tính, từ 5 - 10 ngày đối với viêm phế quản cấp tính có đi kèm bội nhiễm;
    • Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng cho người bệnh điều trị ngoại trú: Dùng liều 500mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 10 - 14 ngày;
    • Nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn tiết niệu không biến chứng: Dùng liều 250mg hoặc 500mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 10 ngày;
    • Bệnh Lyme mới mắc: Dùng liều 500mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 20 ngày;
  • Trẻ em 6 - 12 tuổi: Nếu bị nhiễm khuẩn tai - mũi - họng thì dùng liều 250mg x 12 giờ/lần, điều trị trong 10 ngày;
  • Trẻ em 3 tháng - 6 tuổi: Không dùng thuốc Zaniat dạng viên nén, nên dùng dạng bào chế có hàm lượng phù hợp hơn;
  • Trẻ em dưới 3 tháng tuổi: Chưa có kinh nghiệm sử dụng Cefuroxim cho nhóm đối tượng này;
  • Bệnh nhân suy thận: Hiện chưa rõ tính an toàn và hiệu quả của Cefuroxim ở bệnh nhân suy thận. Vì Cefuroxim chủ yếu được đào thải bởi thận nên có thể giảm liều Cefuroxim ở người bị suy giảm chức năng thận để bù đắp cho hiện tượng bài tiết thuốc bị chậm hơn so với người có chức năng thận bình thường. Thẩm phân máu cũng có thể loại bỏ Cefuroxim;
  • Bệnh nhân suy gan: Hiện chưa có sẵn dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng thuốc Zaniat ở người bệnh suy gan.

*Lưu ý: Không có tình trạng tương đương sinh khả dụng giữa thuốc Cefuroxim dạng viên nén và dạng hỗn dịch uống nên không thể thay thế 2 dạng này cho nhau dựa trên quy đổi mg/mg.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Zaniat quá liều, người bệnh có thể bị buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Thậm chí, bệnh nhân có thể gặp phản ứng tăng kích thích thần kinh cơ và cơn co giật, đặc biệt là ở người bị suy thận.

Khi xử lý quá liều, cần quan tâm tới khả năng quá liều, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường ở bệnh nhân. Nên bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, kết hợp thông khí và truyền dịch. Nếu bệnh nhân phát triển các cơn co giật thì nên ngưng sử dụng thuốc ngay và có thể sử dụng liệu pháp chống co giật nếu có chỉ định lâm sàng. Việc thẩm tách máu có thể loại bỏ thuốc khỏi máu nhưng đa phần việc điều trị là hỗ trợ, giải quyết triệu chứng.

Quên liều: Khi quên dùng 1 liều thuốc Zaniat, người bệnh nên bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian đã gần tới liều kế tiếp thì người bệnh bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc như kế hoạch ban đầu, không cần dùng gấp đôi liều để bù cho liều đã bỏ lỡ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zaniat

Khi sử dụng thuốc Zaniat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, ban da dạng sần;
  • Ít gặp: Phản ứng phản vệ, nhiễm nấm Candida, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, thử nghiệm Coombs dương tính, buồn nôn, ói mửa, mày đay, ngứa da;
  • Hiếm gặp: Sốc, thiếu máu tan máu, viêm đại tràng màng giả, hội chứng Stevens - Johnson, hồng ban đa dạng, hoại tử biểu bì nhiễm độc, tăng nhẹ AST - AST - phosphatase kiềm - LDH - nồng độ bilirubin huyết thanh thoáng qua, vàng da ứ mật, suy thận cấp, viêm thận kẽ, đau niệu đạo hoặc chảy máu, đau thận, nhiễm trùng tiết niệu, tăng ure huyết, tăng creatinin huyết, tiểu tiện khó, nhiễm nấm Candida âm đạo, viêm âm đạo, ngứa và kích ứng âm đạo, cơn co giật (nếu dùng liều cao và bị suy thận), kích động, đau đầu, đau khớp.

Người bệnh nên thông báo ngày cho bác sĩ về các tác dụng phụ mà mình gặp phải khi sử dụng thuốc Zaniat để có biện pháp can thiệp xử trí thích hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Zaniat

Trước và trong khi sử dụng thuốc Zaniat, người bệnh cần lưu ý:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Zaniat ở bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin, penicillin hay các thuốc khác;
  • Người bệnh sử dụng thuốc Zaniat có thể gặp phản ứng quá mẫn với những biểu hiện đa dạng như: Sốt, đỏ da, ngứa da, mày đay, hồng ban đa dạng, phản ứng giống bệnh huyết thanh, hội chứng Stevens - Johnson, hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, phù mạch, phản ứng phản vệ,...;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Zaniat ở bệnh nhân dị ứng với kháng sinh beta - lactam;
  • Nên kiểm tra chức năng thận ở người bệnh nặng đang sử dụng kháng sinh với liều tối đa;
  • Thận trọng khi dùng đồng thời thuốc Zaniat với các thuốc lợi tiểu mạnh, kháng sinh cephalosporin và aminoglycosid;
  • Sử dụng thuốc Zaniat dài ngày có thể gây bội nhiễm;
  • Thuốc Zaniat có thể gây viêm đại tràng giả mạc nên cần thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm đại tràng;
  • Một số loại kháng sinh cephalosporin (trong đó có Cefuroxim) có thể gây động kinh, đặc biệt là người bệnh bị suy giảm chức năng thận mà không được điều chỉnh giảm liều kháng sinh. Trong quá trình dùng thuốc, nếu xuất hiện triệu chứng co giật thì người bệnh nên ngưng dùng thuốc và sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh động kinh phù hợp;
  • Chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả của Cefuroxim axetil ở bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi;
  • Thuốc Zaniat có thể ảnh hưởng tới các xét nghiệm chẩn đoán: Thử nghiệm Coombs dương tính, xác định nồng độ glucose trong máu,...;
  • Cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc, vì thuốc Zaniat có thể gây những tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt;
  • Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Cefuroxim không gây tổn thương khả năng sinh sản hoặc gây hại cho bào thai. Việc sử dụng kháng sinh này để điều trị bệnh viêm thận - bể thận ở người mang thai không thấy xuất hiện tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh sau khi tiếp xúc với thuốc ở tử cung người mẹ. Do đó, cephalosporin được xem là an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, do vẫn còn thiếu các công trình nghiên cứu về hiệu quả và độ an toàn của thuốc ở bà mẹ mang thai nên chỉ dùng thuốc khi thực sự cần thiết;
  • Cefuroxim bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp. Do chưa đánh giá được nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc ở trẻ bú mẹ nên chỉ dùng thuốc Zaniat ở bà mẹ đang cho con bú sau khi cân nhắc kỹ giữa nguy cơ và lợi ích, đồng thời cần theo dõi sát sao sức khỏe của bé trong quá trình mẹ sử dụng kháng sinh.

5. Tương tác thuốc Zaniat

Một số tương tác thuốc của Zaniat gồm:

  • Thuốc Probenecid liều cao làm giảm độ thanh thải Cefuroxim ở thận, khiến cho nồng độ Cefuroxim trong huyết tương cao hơn và kéo dài hơn, làm tăng tác dụng của thuốc;
  • Cefuroxim sử dụng đồng thời với các loại kháng sinh aminoglycosid, cephalothin (cephalosporin thế hệ 1) hoặc thuốc lợi tiểu mạnh (furosemid) có thể làm gia tăng độc tính đối với thận;
  • Cefuroxim axetil dùng đường uống có thể ảnh hưởng tới hệ vi khuẩn chí ở ruột, làm giảm tái hấp thu estrogen. Do đó, thuốc có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc tránh thai đường uống có chứa estrogen và progesterone;
  • Sử dụng thuốc Cefuroxim đồng thời với thuốc chống đông đường uống có thể làm gia tăng thời gian đông máu.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Zaniat, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng thuốc để đảm bảo hiệu quả trị bệnh tốt nhất và hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe