Thuốc Xylocream được bào chế dưới dạng kem bôi da, có thành phần chính là Lidocain và Prilocain. Thuốc được sử dụng để gây tê tại chỗ cho cả người lớn và trẻ em.
1. Xylocream là thuốc gì?
Xylocream là thuốc gì? 1g kem bôi Xylocream có chứa: 25mg Lidocain và 25mg Prilocain cùng các tá dược khác. Xylocream gây tê trên da thông qua cơ chế giải phóng Lidocain và Prilocain. Các hoạt chất trên sẽ được khuếch tán vào lớp thượng bì và biểu mô da, tập trung xung quanh các thụ thể nhận cảm đau ở da và các sợi dẫn truyền thần kinh.
Lidocain và Prilocain là 2 thuốc gây tê tại chỗ có cấu trúc amid. Cả 2 chất này đều có khả năng ổn định màng tế bào thần kinh thông qua khả năng ức chế trao đổi ion cần thiết cho khử cực tế bào, nhờ vậy có tác dụng gây tê tại chỗ. Độ sâu của tác dụng gây tê sẽ phụ thuộc vào thời gian bôi thuốc và liều dùng. Người bệnh cần khoảng 1 - 2 giờ để đạt được tác dụng gây tê phù hợp trên vùng da nguyên vẹn.
Chỉ định sử dụng thuốc Xylocream
Người lớn: Xyclocream được chỉ định gây tê tại chỗ:
- Trên da trong các trường hợp:
- Đặt kim luồn tĩnh mạch hoặc lấy mẫu máu;
- Phẫu thuật bề mặt;
- Phẫu thuật da ở vùng da lớn mới được cạo, ví dụ cắt tóc bằng laser;
- Niêm mạc đường sinh dục, ví dụ trước khi phẫu thuật bề mặt hoặc trước khi gây mê qua niêm mạc;
- Ổ loét ở chân để tạo sự thuận lợi khi làm sạch hoặc mở ổ.
Trẻ em: Xylocream được chỉ định sử dụng ở trẻ sơ sinh 0 - 2 tháng tuổi, trẻ nhỏ 3 - 11 tháng tuổi và trẻ em 1 - 11 tháng tuổi với tác dụng gây tê bề mặt da như khi đặt kim luồn hoặc lấy mẫu máu, phẫu thuật bề mặt. Ngoài ra, Xylocream cũng được sử dụng cho trẻ em bị viêm da dị ứng trước khi nạo các nốt viêm.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Xylocream:
- Bệnh nhân mẫn cảm với thuốc gây tê tại chỗ nhóm amid hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc;
- Trẻ sơ sinh thiếu tháng (sinh trước 37 tuần thai).
2. Cách dùng và liều dùng thuốc Xylocream
Cách dùng: Bôi lên da.
Liều dùng: Tùy từng trường hợp cụ thể theo bề mặt cần bôi thuốc và tuổi tác người bệnh. Cụ thể:
Trên da: Bôi 1 lớp kem dày lên da, băng kín bằng băng gạc:
- Người lớn: Dùng liều khoảng 1,5g/10cm2:
- Thủ thuật nhỏ bao gồm đặt kim, xử lý vết thương tại chỗ ngoài bề mặt: Bôi khoảng 2g trong 1 - 5 tiếng;
- Phẫu thuật da trên vùng da lớn ở bệnh viện, ví dụ ghép phần da bị tách rời: Bôi khoảng 1,5 - 2g/10cm2 trong 2 - 5 tiếng;
- Phẫu thuật da trên vòng da lớn mới cạo như cắt tóc bằng laser (do người bệnh tự tiến hành): Liều khuyến cáo tối đa là 60g. Liều khuyến cáo tối đa ở vùng điều trị là 600cm2 trong ít nhất 1 tiếng, nhiều nhất 5 tiếng
- Trẻ em: Thủ thuật nhỏ như đặt kim tiêm hay xử lý vết thương tại chỗ ngoài bề mặt: Bôi khoảng 1g/10cm2 trong 1 tiếng:
- Trẻ sơ sinh 0- 2 tháng tuổi: Bôi tối đa 1g và 10cm2 trong 1 tiếng;
- Trẻ nhỏ 3 - 11 tháng tuổi: Bôi tối đa 2g và 20cm2 trong 1 tiếng;
- Trẻ 1 - 5 tuổi: Bôi tối đa 10g và 100cm2 trong 1 - 5 tiếng;
- Trẻ nhỏ 6 - 11 tuổi: Bôi tối đa 20g và 200cm2 trong 1 - 5 tiếng;
- Trẻ bị viêm da dị ứng: Thủ thuật thực hiện trước khi nạo các nốt mềm, thời gian dùng thuốc là 30 phút;
Niêm mạc đường sinh dục:
- Người lớn được điều trị vết thương tại chỗ ngoài bề mặt như loại bỏ mụn cóc đường sinh dục (sùi mào gà) và trước khi tiêm thuốc tê tại chỗ: Bôi khoảng 5 - 10g mỗi 5 - 10 phút, không cần băng kín. Nên tiến hành thủ thuật ngay sau khi lau sạch kem Xyloream;
- Người lớn trước khi cắt cổ tử cung: Bôi 10g kem vào vòm âm đạo trong 10 phút.
Vùng da cơ quan sinh dục nam: Người lớn trước khi tiêm gây tê tại chỗ: Bôi 1 lớp kem dày khoảng 1g/10cm2 và băng kín trong 15 phút.
Vùng da cơ quan sinh dục nữ: Người lớn trước khi tiêm gây tê tại chỗ: Bôi 1 lớp kem dày khoảng 1 - 2g/10cm2 và băng kín trong 60 phút.
Loét chân: Người lớn cần làm sạch hoặc mở ổ loét chân: Bôi 1 lớp kem dày khoảng 1 - 2g/10cm2, tối đa 10g vào vị trí loét ở chân rồi băng lại. Thời gian dùng thuốc là 30 - 60 phút. Nên làm sạch ổ loét ngay sau khi lau sạch kem bôi.
Cần lưu ý ở người bệnh suy giảm chức năng gan: Nên cân nhắc điều chỉnh liều dùng thuốc Xylocream bằng cách giảm số lần bôi. Với những người thường xuyên bôi hoặc lau sạch kem nên tránh tiếp xúc để ngăn ngừa phản ứng quá mẫn.
Quá liều: Một số hiếm trường hợp sử dụng liều cao Prilocain (thành phần chính của thuốc Xylocream) có thể gây tăng nồng độ met-hemoglobin huyết tương, đặc biệt là khi dùng kết hợp với các thuốc gây met-hemoglobin như các sulfonamid. Việc sử dụng đơn độc thuốc gây tê theo khuyến cáo thường không đạt tới nồng độ gây độc. Tuy nhiên, nếu sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ khác để làm tăng tác dụng gây tê thì hiệu quả có thể gia tăng và dẫn tới quá liều, gây ra các phản ứng độc tính toàn thân. Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ thường là kích thích hệ thần kinh, hiếm gặp là ức chế tim mạch và hệ thần kinh trung ương.
Cách xử trí: Người gặp hội chứng thần kinh nghiêm trọng như động kinh, ức chế thần kinh trung ương cần được điều trị triệu chứng bằng cách hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc chống động kinh, điều trị các dấu hiệu tuần hoàn theo khuyến cáo hồi sức. Bên cạnh đó, do quá trình hấp thu qua da diễn ra chậm nên người bệnh có dấu hiệu nhiễm độc cần được giữ lại bệnh viện theo dõi vài giờ sau khi được điều trị cấp cứu.
3. Tác dụng phụ của thuốc Xylocream
Khi sử dụng thuốc Xylocream, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Thường gặp: Phản ứng thoáng qua tại vị trí bôi thuốc như tái, ban đỏ và phù nề da;
- Ít gặp: Ban đầu bị bỏng nhẹ, có cảm giác ngứa hoặc nóng tại vị trí bôi thuốc; dị cảm tại chỗ bôi (ví dụ ngứa), kích ứng da tại vị trí bôi;
- Hiếm gặp: Thiếu máu do met-hemoglobin, xuất hiện vết thương ở vị trí bôi thuốc (ban xuất huyết, đặc biệt sau khi dùng thuốc thời gian dài ở trẻ em bị viêm da dị ứng hoặc u mềm), kích ứng nhãn cầu sau khi tiếp xúc với mắt, phản ứng dị ứng (nặng nhất là sốc phản vệ).
4. Thận trọng khi dùng thuốc Xylocream
Trước và trong khi sử dụng thuốc Xylocream, người bệnh nên lưu ý:
- Người bị thiếu enzyme G6PD, thiếu máu do met-hemoglobin di truyền hoặc tự phát sẽ nhạy cảm hơn với các triệu chứng thiếu máu do met-hemoglobin gây ra bởi thuốc Xylocream;
- Xylocream không được bôi lên vùng da bị tổn thương hoặc vết thương hở, trừ vết thương ở chân (gồm loét chân) vì hiện nay vẫn thiếu dữ liệu lâm sàng về việc hấp thu thuốc;
- Do việc tăng hấp thu thuốc Xylocream ở vùng da mới cạo nên người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc theo liều khuyến cáo, diện tích da cũng như thời gian sử dụng thuốc;
- Thận trọng khi dùng thuốc Xylocream ở bệnh nhân viêm da dị ứng. Nên bôi thuốc với thời gian ngắn hơn, khoảng 15 - 30 phút vì nếu bôi lâu hơn 30 phút có thể xuất hiện phản ứng mạch tại chỗ, cụ thể là sưng đỏ ở vị trí bôi thuốc và đốm, ban xuất huyết. Trước khi tiến hành nạo các nốt mềm ở trẻ bị viêm da dị ứng, nên bôi thuốc trong 30 phút;
- Do thiếu dữ liệu về việc hấp thu thuốc nên không được bôi Xylocream vào niêm mạc sinh dục ở trẻ em;
- Không được để thuốc Xylocream tiếp xúc với mắt, vì có thể gây tình trạng kích ứng mắt. Bên cạnh đó, mất các phản xạ bảo vệ cũng có thể gây kích ứng nhãn cầu, có khả năng gây trầy xước. Nếu dính thuốc vào mắt, nên rửa mắt ngay lập tức với nước sạch hoặc dung dịch natri clorid, bảo vệ mắt cho tới khi trở lại bình thường;
- Không nên bôi Xylocream trong trường hợp màng nhĩ bị suy yếu. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Xylocream có thể gây độc tính trên tai khi thuốc chảy vào vùng tai giữa;
- Ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, nồng độ met-hemoglobin tăng thường được quan sát thấy trong vòng 12 giờ sau khi bôi thuốc Xylocream;
- Người bệnh đang điều trị với thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III như amiodaron nên được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, theo dõi ECG vì có thể gây tác dụng phụ gồm triệu chứng trên tim;
- Các nghiên cứu chưa chứng minh được hiệu quả của thuốc Xylocream trong trường hợp lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh;
- Lidocain và Prilocain có khả năng diệt khuẩn, kháng virus ở nồng độ trên 0,5 - 2%. Do vậy, nên theo dõi hiệu quả sau khi tiêm vắc-xin sống dưới da;
- Cho tới khi có thêm các dữ liệu lâm sàng, không nên sử dụng Xylocream trong các trường hợp: Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi đang điều trị với các thuốc gây met-hemoglobin; trẻ sơ sinh thiếu tháng (sinh trước 37 tuần tuổi);
- Không sử dụng thuốc Xylocream ở người mắc porphyria tái phát;
- Người bệnh suy nhược nặng, nhiễm trùng huyết, đang ốm đợt cấp, suy thận nặng hoặc tổn thương gan và trẻ em trên 12 tuổi nặng dưới 25kg nên được dùng thuốc Xylocream dựa trên cân nặng và tình trạng sức khỏe;
- Liều rất cao Lidocain hoặc khoảng cách giữa các lần dùng thuốc ngắn có thể gây tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và dẫn tới những phản ứng phụ nghiêm trọng. Người bệnh nên nắm được tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo. Việc điều trị các phản ứng phụ nghiêm trọng có thể cần tới dụng cụ hồi sức, oxy, các thuốc hỗ trợ hồi sức;
- Khi dùng Lidocain kết hợp với 1 thuốc gây tê tại chỗ khác, nên thận trọng nếu liều lượng hoặc cách dùng có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương ở người bệnh nhịp tim chậm, động kinh, chức năng thận suy giảm hoặc bị sốc nghiêm trọng;
- Thận trọng khi sử dụng Lidocain ở người bị giảm thể tích máu, hội chứng Wolff - Parkinson - White, chẹn tim mạch và bệnh thần kinh;
- Xylocream có chứa dầu thầu dầu polyoxyl 40 hydrat hóa, có thể gây phản ứng da;
- Có thể sử dụng thuốc Xylocream ở phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần dùng thuốc cẩn trọng, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ;
- Xylocream có thể được sử dụng trong thời gian cho con bú.
5. Tương tác thuốc Xylocream
Một số tương tác thuốc của Xylocream gồm:
- Prilocain liều cao có thể gây tăng nồng độ met-hemoglobin trong huyết tương, đặc biệt khi dùng kết hợp với các thuốc gây met-hemoglobin như các sulfonamid;
- Với liều cao Xylocream, nên thận trọng về độc tính toàn thân khi người bệnh đang sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ khác vì có thể gây tăng độc tính;
- Thận trọng khi dùng đồng thời Lidocain/Prilocain với các thuốc chống loạn nhịp nhóm III như amiodaron;
- Các thuốc làm giảm thanh thải Lidocain như cimetidin hoặc thuốc chẹn beta có thể làm tăng nồng độ Lidocain huyết tương tới mức gây độc tính nếu sử dụng Lidocain liều cao và lặp lại trong thời gian dài.
Khi dùng thuốc Xylocream, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để thu được hiệu quả trị liệu tốt nhất và hạn chế các nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.