Venclexta phân hủy tế bào lympho ác tính thông qua cơ chế liên kết và ức chế protein BCL-2. Thuốc Venclexta được sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu lympho mạn tính có đột biến mất đoạn 17p. Vậy quá trình sử dụng Venclexta người bệnh cần lưu ý những gì?
1. Thuốc Venclexta có tác dụng gì?
Thuốc Venclexta có thành phần là Venetoclax. Sản phẩm này có tác dụng liên kết và ức chế BCL-2, một loại protein được tìm thấy trên các tế bào lympho ác tính. Do đó thuốc Venclexta gây phân hủy các tế bào lympho trong bệnh bạch cầu lympho mạn tính (CLL). Tuy nhiên Venclexta chỉ được chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân CLL có đột biến mất đoạn 17p.
2. Cách sử dụng thuốc Venclexta (Venetoclax)
Venetoclax sản xuất và bào chế dạng viên nén dùng đường uống. Người bệnh cần uống thuốc Venclexta vào cùng một thời điểm mỗi ngày, sau bữa ăn cùng với lượng nước vừa đủ. Lưu ý bệnh nhân phải nuốt toàn bộ, không được nhai, nghiền nát hoặc làm vỡ viên thuốc Venclexta.
Liều điều trị của thuốc Venclexta được điều chỉnh tăng từ từ trong một khoảng thời gian. Trong thời gian này, bổ sung đủ nước là việc làm quan trọng để ngăn ngừa hội chứng ly giải khối u, một tình trạng xảy ra do sự phân hủy nhanh chóng của các tế bào ác tính:
- Bệnh nhân nên uống từ 6 đến 8 ly nước không chứa cồn mỗi ngày, bắt đầu từ 2 ngày trước liều đầu tiên, ngày dùng liều đầu tiên và mỗi khi tăng liều Venclexta;
- Ở mỗi thời điểm tăng liều, bệnh nhân có thể được xét nghiệm máu do sự ly giải nhanh chóng khối u dưới tác động của Venetoclax;
- Bệnh nhân có thể được truyền dịch qua đường tĩnh mạch và sử dụng các thuốc phù hợp để bảo vệ thận.
Nếu bỏ lỡ một liều Venclexta trong vòng 8 giờ so với bình thường, người bệnh hãy dùng liều đã quên và tiếp tục lịch trình bình thường. Nếu đã quên uống thuốc quá 8 giờ, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch trình dùng thuốc bình thường vào ngày hôm sau. Trường hợp nôn ói sau khi uống thuốc Venclexta, người bệnh không được dùng liều bổ sung mà uống liều tiếp theo như bình thường.
Nồng độ thuốc Venclexta trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc hay thực phẩm, bao gồm các sản phẩm từ bưởi, khế chua, cam Seville, Ketoconazole, Voriconazole, Ciprofloxacin, Amiodarone, Diltiazem, Carvedilol và Verapamil... Bệnh nhân hãy chia sẻ với bác sĩ về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung đang sử dụng.
Bảo quản thuốc Venclexta trong bao bì hoặc lọ của nhà sản xuất, có dán nhãn nên ngoài và để ở nơi khô ráo, nhiệt độ phòng. Venclexta không thích hợp bảo quản trong hộp thuốc và tương tự các thuốc khác cần để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
3. Tác dụng phụ của thuốc Venclexta
3.1. Hội chứng ly giải khối u
Như đã đề cập ở phần trên, thuốc Venclexta có thể dẫn đến hội chứng ly giải khối u khi người bệnh có một số lượng lớn tế bào ung thư trước khi bắt đầu điều trị. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào ung thư chết quá nhanh và chất thải của chúng lấn át cơ thể. Bệnh nhân có thể được chỉ định các thuốc phù hợp (như Allopurinol) và truyền dịch để ngăn ngừa tác dụng này.
Nếu bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc rối loạn tri giác thì hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Hội chứng ly giải khối u có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó bác sĩ sẽ theo dõi chức năng thận thông qua các xét nghiệm máu.
3.2. Giảm số lượng bạch cầu
Nguy cơ nhiễm trùng khi dùng thuốc Venclexta tăng lên do tình trạng giảm số lượng bạch cầu. Bệnh nhân cần thông báo cho nhân viên y tế khi có các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng như sốt, ho, khó thở, đau họng, tiểu đau hoặc chậm lành vết thương.
3.3. Venclexta gây thiếu máu do giảm số lượng hồng cầu
Hồng cầu trong máu vận chuyển oxy cung cấp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Khi số lượng hồng cầu giảm trong thời gian dùng thuốc Venclexta, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, thậm chí khó thở. Trường hợp thiếu máu nặng do giảm thấp số hồng cầu cần phải được xem xét truyền máu.
3.4. Giảm số lượng tiểu cầu
Quá trình đông máu của cơ thể có nhiều thành phần khác nhau tham gia vào, một trong số đó là tiểu cầu. Việc dùng thuốc Venclexta có thể làm số lượng tế bào máu này giảm thấp, từ đó dẫn đến tăng nguy cơ chảy máu bất thường. Vì vậy bệnh nhân nếu có các biểu hiện chảy máu cần thông báo cho bác sĩ, bao gồm bầm tím, chảy máu mũi, chảy máu chân răng hay tiêu tiểu ra máu. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp không đủ thực hiện chức năng đông máu thì người bệnh có thể phải được truyền tiểu cầu bổ sung.
3.5. Buồn nôn, nôn ói
Tương tự các thuốc điều trị ung thư khác, thuốc Venclexta có thể gây tác dụng phụ buồn nôn, nôn ói. Bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra biện pháp hay thuốc kiểm soát tác dụng phụ này của thuốc Venclexta. Ngoài ra, việc đổi chế độ ăn uống có thể mang lại hữu ích, cụ thể nên tránh những thứ làm nôn ói trầm trọng hơn như ăn quá nhiều, ăn đồ nhiều dầu mỡ/chất béo, gia vị hoặc có tính axit (như chanh, cà chua, cam).
3.6. Tiêu chảy
Bác sĩ ung thư có thể chỉ định cho bệnh nhân các loại thuốc phù hợp để giảm tiêu chảy trong thời gian dùng thuốc Venclexta. Ngoài ra, bệnh nhân hãy thử các loại thực phẩm ít chất xơ, hạn chế sử dụng trái cây tươi, rau xanh, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và các loại hạt. Ngoài ra, việc bổ sung chất xơ hòa tan có thể hiệu quả do chúng có khả năng hấp thụ nước và giúp giảm tiêu chảy. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm nước sốt táo, chuối chín, trái cây đóng hộp, cam lát, khoai tây luộc, gạo trắng, các sản phẩm làm từ bột mì trắng, bột yến mạch và khoai tây chiên. Đồng thời nên chú ý cung cấp đủ nước (khoảng 8-10 ly nước) mỗi ngày, không sử dụng đồ uống có cồn hay caffeine để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
3.7. Mệt mỏi
Mệt mỏi là biểu hiện rất phổ biến trong quá trình điều trị ung thư và đặc biệt mệt mỏi sẽ không giảm khi nghỉ ngơi. Trong thời gian điều trị và một thời gian sau khi ngưng thuốc Venclexta, bệnh nhân có thể cần điều chỉnh lịch trình hằng ngày của bản thân kiểm soát tình trạng mệt mỏi, trong đó nên ưu tiên dành nhiều thời để nghỉ ngơi và cố gắng tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động quan trọng hơn. Tập thể dục có thể giúp chống lại sự mệt mỏi, đơn giản như đi bộ hàng ngày với một người bạn. Bên cạnh đó, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ để biết các mẹo hữu ích về cách đối phó với tác dụng phụ này.
3.8. Đau cơ khớp và đau đầu
Bác sĩ hoặc y tá có thể đề nghị bệnh nhân dùng một số loại thuốc và thực hiện các chiến lược khác để giảm đau trong thời gian điều trị ung thư bằng thuốc Venclexta.
3.9. Ảnh hưởng hiệu quả vắc-xin sống
Bệnh nhân hoặc bất kỳ ai sống chung nhà nên tránh tiêm phòng các loại vắc-xin sống (bao gồm cả vắc-xin sống giảm độc lực) trong thời gian sử dụng thuốc Venclexta. Các loại vắc-xin đó bao gồm Herpes Zoster (Zostavax), vắc-xin bại liệt đường uống, sởi, vắc-xin cúm dạng hít, Rota virus và bệnh sốt vàng.
3.10. Phù ngoại vi
Phù ngoại vi là tình trạng sưng các chi do giữ nước. Tác dụng này có thể xảy ra ở bàn tay, cánh tay, cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân. Vị trí phù nề có thể gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Do đó hãy thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân xuất hiện bất kỳ tình trạng sưng phù nào mới hoặc nghiêm trọng hơn.
4. Nguy cơ ảnh hưởng sinh sản của Venclexta
Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Venclexta có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh nguy hiểm, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm bố trong thời gian dùng sản phẩm này. Áp dụng các biện pháp ngừa thai hiệu quả là vô cùng cần thiết trong thời gian điều trị và ít nhất 30 ngày sau khi kết thúc điều trị với Venclexta. Đồng thời, bà mẹ đang cho con bú nên ngừng việc này lại trong thời gian dùng thuốc Venclexta hoặc trong 1 tuần sau thời điểm dùng liều cuối cùng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: oncolink.org