Vedicard 6,25 là thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm. Thuốc được ưa chuộng không chỉ vì tác dụng hạ áp mà còn giúp làm chậm nhịp tim ở những bệnh nhân rối loạn nhịp nhanh. Bài viết sau sẽ cung cấp những thông tin về liều dùng, cách sử dụng và những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân trong quá trình sử dụng thuốc Vedicard 6,25.
1. Công dụng thuốc Vedicard 6,25
Thuốc Vedicard 6,25 với thành phần chính là Carvedilol, 1 thuốc ức chế beta không chọn lọc và đối kháng thần kinh thể dịch qua nhiều cơ chế. Ngoài ra, thuốc còn gây giãn mạch nhờ tác dụng ức chế thụ thể alpha cũng như có khả năng chống oxy hóa và chống tăng sinh.
Hoạt tính hạ áp của Carvedilol được thực hiện qua 2 cơ chế chính là chẹn chọn lọc thụ thể alpha1 giúp giãn mạch và làm giảm sức cản mạch máu ngoại biên. Ngoài ra, còn có tác dụng chẹn kênh calci nhẹ của Carvedilol cũng có vai trò trong việc giảm huyết áp.
2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Vedicard 6,25
Vedicard 6,25 được chỉ định điều trị các trường hợp:
Thuốc Vedicard 6,25 không được sử dụng trong những trường hợp:
- Bệnh nhân suy tim độ IV;
- Người hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có kèm co thắt phế quản;
- Nhịp tim dưới 50 lần/phút hoặc có block nhĩ- thất độ 2, 3, hội chứng suy nút xoang;
- Sốc tim;
- Huyết áp tâm thu dưới 85 mmHg;
- Người quá mẫn với Carvedilol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc;
- Phụ nữ có thai;
- Người đang trong thời gian cho con bú.
3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Vedicard 6,25
Cách sử dụng: Thuốc Vedicard 6,25 được sử dụng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên Vedicard 6,25mg, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thuốc có thể được sử dụng vào thời gian bất kỳ trong ngày, nhưng thường uống vào cùng 1 giờ mỗi ngày để hạn chế quên thuốc.
Liều dùng:
Người tăng huyết áp vô căn:
- Liều khởi đầu: 12,5mg/ lần x 1 lần/ ngày.
- Sau đó có thể tăng 25mg x 1 lần/ ngày, nhưng phải sau ít nhất 2 tuần điều trị.
- Liều tối đa 50mg/ lần x 1 lần/ ngày hoặc 25mg/ lần x 2 lần/ ngày.
Cơn đau thắt ngực:
- Liều khởi đầu: 12,5mg/ lần x 2 lần/ ngày.
- Tăng đến liều 25mg x 2 lần/ ngày sau 2 tuần nếu cần.
- Liều tối đa 100mg/ ngày (chia 2 lần).
Suy tim xung huyết:
- Liều khởi đầu: 3,125mg x 2 lần/ ngày trong 2 tuần đầu.
- Sau ít nhất 2 tuần có thể tăng liều dần tới 6,25mg x 2 lần/ ngày, tiếp theo là 12,5mg x 2 lần/ ngày, rồi đến 25 mg x 2 lần/ngày.
- Liều tối đa: 25mg x 2 lần/ ngày ở người bệnh < 85 kg và 50mg x 2 lần/ ngày ở người trên 85 kg.
4. Tác dụng phụ của thuốc Vedicard 6,25
Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn trong thời gian sử dụng thuốc Vedicard 6,25 như:
- Rối loạn hệ miễn dịch: Phù mạch;
- Huyết học: Giảm tiểu cầu, bạch cầu;
- Chuyển hóa: Tăng đường huyết, tăng cân và thay đổi AST, ALT;
- Rối loạn hệ thần kinh: Choáng váng, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ và dị cảm;
- Rối loạn tim mạch: Nhịp chậm, hạ huyết áp tư thế, ngất, suy tim, block nhĩ-thất, rối loạn tuần hoàn ngoại biên và tăng triệu chứng đau thắt ngực;
- Rối loạn tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Nếu gặp các triệu chứng bất thường khi điều trị bằng thuốc Vedicard 6,25 thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí.
5. Tương tác của thuốc Vedicard 6,25
Vedicard 6,25 có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc và chất sau:
- Các loại thuốc hạ huyết áp khác như thuốc giãn mạch, thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế thụ thể, thuốc ức chế men chuyển: làm tăng tác dụng hạ huyết áp.
- Diltiazem, Verapamil hoặc các thuốc chống loạn nhịp loại I.
- Digoxin: Tăng nồng độ Digoxin trong máu.
- Clonidine.
- Insulin hoặc các thuốc uống hạ đường huyết: Giảm tác dụng của thuốc gây tăng nồng độ Glucose trong máu.
6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Vedicard 6,25 có các đối tượng
- Bệnh nhân suy tim xung huyết đang điều trị với Digitalis.
- Bệnh nhân đái tháo đường, cần làm xét nghiệm Glucose máu thường xuyên trong quá trình điều trị.
- Người bị suy thận, COPD.
- Người mang kính áp tròng vì thuốc Vedicard có thể làm tăng nhãn áp.
- Người có tiền sử hoặc đang mắc vảy nến, u tủy thượng thận hoặc đau ngực thể Prinzmetal.
- Thuốc Vedicard 6,25 có thể gây hạ huyết áp thế đứng hoặc ngất ở một số bệnh nhân, đặc biệt hay gặp ở những người sau khi uống rượu.
- Vedicard 6,25 có thể ảnh hưởng đến người lái xe và vận hành máy móc vì gây triệu chứng chóng mặt, nhìn mờ có thể xảy ra.
- Thuốc Vedicard 6,25 không sử dụng cho phụ nữ có thai và người đang cho con bú vì nguy cơ ảnh hưởng có hại đến thai nhi và trẻ sơ sinh.
7. Xử trí khi quá liều thuốc Vedicard 6,25
Triệu chứng khi quá liều Vedicard 6,25 gồm:
- Rối loạn tim: Hạ huyết áp, chậm nhịp tim, block nhĩ – thất, rối loạn dẫn truyền trong thất và choáng do tim.
- Nhiễm độc hệ thần kinh trung ương: Co giật, hôn mê và ngừng hô hấp
- Co thắt phế quản.
- Hạ glucose huyết.
- Tăng kali huyết.
Xử trí:
- Khi dùng Vedicard 6,25 quá liều thì người bệnh cần dừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời. Người bệnh được điều trị triệu chứng thần kinh, tình trạng hạ huyết áp, giảm glucose máu và tăng kali máu. Sử dụng Atropin iso-proterenol hoặc máy tạo nhịp trong trường hợp nhịp tim chậm và dùng glucagon nếu có giảm đường máu. Adrenalin hoặc Noradrenalin được ưu tiên sử dụng nếu giãn mạch ngoại vi là ưu thế và cần theo dõi tình trạng tuần hoàn liên tục trong quá trình xử trí.
Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng thuốc Vedicard 6,25, liều dùng và lưu ý quan trọng khi sử dụng. Để sử dụng thuốc Vedicard 6,25 an toàn và hiệu quả, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.