Thuốc Vascepa có tác dụng bằng cách giảm lượng chất béo trung tính do cơ thể tạo ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Vascepa.
1. Thuốc Vascepa là thuốc gì?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa phê duyệt việc sử dụng Vascepa (icosapent ethyl) như một liệu pháp bổ trợ để giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở người trưởng thành có nồng độ triglyceride (một loại chất béo trong máu) từ 150 mg/dl trở lên, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thuốc Vascepa có thành phần chính là Icosapent ethyl – một acid béo đa không bão hoà có trong thành phần của dầu cá, đóng vai trò là tiền thân của thromboxane-3 và prostaglandin-3. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nang mềm hàm lượng 1 gam.
Tá dược: Mỗi viên nang chứa 30 mg maltitol (E965 ii), 83 mg sorbitol (E420 ii) và lecithin đậu nành.
Thuốc Vascepa được các bác sĩ kê đơn trong các trường hợp bệnh nhân có chế độ ăn giàu axit eicosapentaenoic khiến cho nồng độ lipid trong huyết thanh giảm, ngăn ngừa kết tập tiểu cầu, giảm tỷ lệ và ức chế chuyển đổi axit arachidonic thành các họ prostaglandin-2 và thromboxane-2. Cụ thể trong các trường hợp giảm nguy cơ biến cố ở những người lớn có nguy cơ tim mạch cao với mức triglycerid ≥ 150 mg / dL (tương đương ≥ 1,7 mmol / L) điều trị bằng statin và bệnh nhân có bệnh tim mạch hoặc rối loạn tim mạch đã được chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hay có ít nhất một yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Vascepa được dùng bổ sung cho liệu pháp Statin. Statin là thuốc dùng để điều trị nồng độ cholesterol cao và giảm nguy cơ biến cố tim mạch. Nồng độ chất béo trung tính cao có thể đóng vai trò trong việc làm cứng động mạch hoặc dày thành động mạch, có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
2. Thuốc Vascepa công dụng là gì?
Cơ chế hoạt động:
Icosapent ethyl là một este etylic ổn định của axit béo omega-3, axit eicosapentaenoic (EPA). Cơ chế hoạt động của Icosapent ethyl góp phần làm giảm các biến cố tim mạch hiện vẫn chưa được hiểu hoàn toàn. Các cơ chế có khả năng đa nhân tố bao gồm cải thiện cấu hình lipoprotein với giảm lipoprotein giàu triglyceride, tác dụng chống viêm và chống oxy hóa, giảm tích tụ đại thực bào, cải thiện chức năng nội mô, tăng độ dày / ổn định của nắp xơ và tác dụng chống kết tập tiểu cầu.
Mỗi cơ chế này có thể làm thay đổi sự phát triển, tiến triển và ổn định một cách có lợi hơn của mảng bám xơ vữa động mạch, cũng như tác động của việc vỡ mảng bám, và các nghiên cứu tiền lâm sàng cũng hỗ trợ những lợi ích đó với EPA. Tác dụng chống viêm toàn thân và cục bộ của EPA có thể là do sự dịch chuyển của axit arachidonic (AA) chống viêm, hướng quá trình dị hóa khỏi eicosanoid (2-series prostaglandin và thromboxane, và leukotrienes 4-series) thành các chất trung gian không hoặc chống viêm. Tuy nhiên, ý nghĩa về mặt lâm sàng trực tiếp của các phát hiện riêng lẻ trên không rõ ràng.
Tác dụng dược lực học:
- Sự hấp thụ: Sau khi uống, icosapent ethyl bị khử ester trong quá trình hấp thu và chất chuyển hóa có hoạt tính EPA được hấp thu ở ruột non và đi vào hệ tuần hoàn chủ yếu qua hệ thống bạch huyết ống lồng ngực. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của EPA đạt được khoảng 5 giờ sau khi uống icosapent ethyl. Icosapent ethyl được dùng cùng với hoặc sau bữa ăn trong tất cả các nghiên cứu lâm sàng; không có nghiên cứu ảnh hưởng thực phẩm nào được thực hiện.
- Phân bổ: Thể tích phân phối trung bình ở trạng thái ổn định của EPA là khoảng 88 lít. Phần lớn EPA lưu hành trong huyết tương được kết hợp trong phospholipid, triglyceride và este cholesterol, và 50% nguy cơ biến cố tim mạch.
- Bệnh nhân suy thận và suy gan: Dược động học của icosapent ethyl chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân suy thận hoặc gan. Bệnh nhân không cần điều chỉnh liều thường quy do suy gan hoặc thận trong một nghiên cứu về kết quả tim mạch được kiểm soát tốt về icosapent ethyl.
Chống chỉ định của thuốc Vascepa
- Bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần hay tá dược nào của thuốc Vascepa.
3. Tác dụng phụ của thuốc Vascepa
Tác dụng phụ hay gặp:
- Chảy máu (11,8%);
- Phù ngoại vi (7,8%);
- Rung nhĩ, cuồng nhĩ (5,8%);
- Táo bón (5,4%);
- Đau cơ xương (4,3%);
- Bệnh gút (4,3%);
- Phát ban (3,0%);
- Sưng bàn tay, chân hoặc bàn chân;
- Tức ngực, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, cảm giác phập phồng trong lồng ngực, cảm thấy khó thở;
- Chóng mặt, tức ngực, khó thở, ngất xỉu hoặc cảm thấy choáng váng.
4. Các cảnh báo đặc biệt và các biện pháp phòng ngừa khi sử dụng
- Dị ứng với cá và / hoặc động vật có vỏ: Icosapent ethyl thu được từ dầu cá. Các nhà khoa học hiện không biết liệu những bệnh nhân bị dị ứng với cá hay động vật có vỏ có tăng nguy cơ bị phản ứng dị ứng với icosapent ethyl hay không. Icosapent ethyl nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân quá mẫn với cá và / hoặc động vật có vỏ.
- Bệnh nhân suy gan: Ở bệnh nhân suy gan, nồng độ alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) nên được theo dõi như chỉ định lâm sàng trước khi bắt đầu điều trị và ở những khoảng thời gian thích hợp trong quá trình điều trị.
- Rung hoặc cuồng tâm nhĩ: Icosapent ethyl có liên quan đến việc tăng nguy cơ cuồng nhĩ hoặc rung nhĩ, cần nhập viện để theo dõi. Tỷ lệ rung nhĩ cao hơn ở những bệnh nhân có tiền sử rung hoặc cuồng nhĩ trước đó. Đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử bệnh liên quan, cần được theo dõi các bằng chứng lâm sàng về rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ (ví dụ, khó thở, đánh trống ngực, ngất/ chóng mặt, khó chịu ở ngực, thay đổi huyết áp hoặc mạch không đều). Đánh giá điện tâm đồ nên được thực hiện khi có chỉ định lâm sàng.
- Chảy máu: Điều trị bằng icosapent ethyl có liên quan đến việc tăng tỷ lệ chảy máu. Bệnh nhân dùng icosapent ethyl cùng với thuốc chống huyết khối, tức là thuốc chống kết tập tiểu cầu, bao gồm axit acetylsalicylic, và / hoặc thuốc chống đông máu, có thể gia tăng nguy cơ chảy máu và cần được theo dõi định kỳ thường xuyên.
- Hàm lượng tá dược Sorbitol (E420 ii): Sản phẩm thuốc này chứa 83 mg sorbitol trong mỗi viên nang. Cần tính đến tác dụng phụ của các sản phẩm thuốc dùng đồng thời có chứa sorbitol (hoặc fructose) và lượng sorbitol (hoặc fructose) trong chế độ ăn uống. Hàm lượng của sorbitol trong các sản phẩm thuốc dùng để uống có thể ảnh hưởng đến sinh khả dụng của các sản phẩm thuốc khác dùng để uống đồng thời. Bệnh nhân có tình trạng không dung nạp fructose di truyền (HFI) không nên dùng sản phẩm thuốc này.
- Hàm lượng tá dược Maltitol (E965 ii): Sản phẩm thuốc này chứa 30 mg maltitol trong mỗi viên nang. Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp fructose không nên dùng sản phẩm thuốc này.
- Lecithin đậu nành: Sản phẩm thuốc này có chứa lecithin đậu nành. Những bệnh nhân bị dị ứng với đậu nành hoặc đậu phộng không nên sử dụng sản phẩm thuốc này.
- Thai kỳ: Tốt nhất là tránh sử dụng icosapent ethyl trong thời kỳ mang thai trừ khi lợi ích của việc sử dụng lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
- Cho con bú: Người ta không biết liệu ethyl icosapent có được bài tiết qua sữa mẹ hay không. Các nghiên cứu từ các tài liệu đã chỉ ra rằng chất chuyển hóa có hoạt tính axit eicosapentaenoic (EPA) được bài tiết qua sữa mẹ ở mức độ tương quan với chế độ ăn của bà mẹ. Dữ liệu độc tính hiện có ở chuột cho thấy sự bài tiết ethyl icosapent trong sữa.
5. Cách sử dụng thuốc Vascepa hiệu quả
Cách dùng: Vazka nên được dùng cùng hoặc sau bữa ăn. Để đảm bảo nhận được đầy đủ liều lượng dự định, bệnh nhân nên nuốt toàn bộ viên nang và không bẻ, nghiền, hòa tan hoặc nhai chúng.
Liều dùng:
- Liều uống hàng ngày được khuyến nghị là 4 viên, mỗi lần 2 viên x 2 lần / ngày. Nếu bỏ lỡ một liều, bệnh nhân nên dùng ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu bỏ lỡ một liều hàng ngày thì liều tiếp theo không được tăng gấp đôi.
- Trẻ em: Không sử dụng icosapent ethyl ở trẻ em dưới 18 tuổi trong việc giảm nguy cơ biến cố tim mạch ở những bệnh nhân được điều trị bằng Statin có nguy cơ tim mạch cao với tăng triglycerid và các yếu tố nguy cơ khác.
Trên đây là thông tin về công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Vascepa. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị, người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.