Thuốc TV Amlodipin thường được dùng chủ yếu để điều trị tình trạng tăng huyết áp hoặc có cơn đau thắt ngực ổn định. Người bệnh cần thực hiện theo đúng kế hoạch điều trị mà bác sĩ đề xuất để đảm bảo dùng thuốc TV Amlodipin an toàn và đạt công dụng tối ưu.
1. Thuốc TV Amlodipin công dụng và chỉ định
Hoạt chất chính Amlodipin trong thuốc TV Amlodipin đóng vai trò là một Dihydropyridine tổng hợp đảm nhiệm chức năng chẹn kênh Canxi, giúp ức chế dòng ion canxi ngoại bào đến các tế bào cơ trơn mạch máu, cơ tim cũng như ngoại biên. Thông qua cơ chế này, Amlodipin có thể làm giãn nở động mạch vành và tăng lưu lượng máu kèm theo oxy đến cơ tim, từ đó giúp phòng ngừa tình trạng co thắt mạch máu và tăng huyết áp.
Hiện nay, thuốc TV Amlodipin được biết đến là thuốc chẹn kênh Canxi tác dụng dài, thường được dùng để điều trị các tình trạng như đau thắt ngực và tăng huyết áp. Hoạt chất Amlodipin trong thuốc có tác dụng cải thiện mức huyết áp nhờ vào việc thư giãn cơ trơn trong thành động mạch và giảm thiểu sức cản ngoại biên. Bên cạnh đó, tình trạng đau thắt ngực cũng thuyên giảm đáng kể do Amlodipin giúp tăng lưu lượng máu đến cơ tim, nhờ đó ngăn ngừa các bệnh gây ra bởi động mạch vành.
Thuốc TV Amlodipin thường được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các tình trạng dưới đây:
- Điều trị bệnh cao huyết áp và các cơn đau thắt ngực ổn định.
- Điều trị tình trạng co thắt mạch máu, các bệnh mạch vành và tai biến.
Không được tự ý sử dụng thuốc TV Amlodipin cho những đối tượng sau khi chưa có chỉ định từ bác sĩ:
- Bệnh nhân bị suy tim mất bù, hẹp khít động mạch chủ và sốc tim.
- Bệnh nhân bị suy tim nhưng chưa điều trị ổn định.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với Amlodipin hay bất kỳ tá dược nào trong thuốc.
2. Liều lượng và cách sử dụng thuốc TV Amlodipin
2.1 Liều dùng thuốc TV Amlodipin
Liều điều trị đối với chứng tăng huyết áp:
- Liều ban đầu: Uống 5mg / lần / ngày (tương ứng 1 viên).
- Liều duy trì: Uống 5 – 10mg / lần / ngày (tương ứng 1 – 2 viên).
- Đối với người có sức khoẻ yếu hoặc gầy ốm chỉ nên uống 1 viên / ngày và luôn theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian điều trị.
Liều điều trị đối với bệnh mạch vành và đau thắt ngực:
- Liều cho chứng đau thắt ngực mãn tính đối với người không bị suy tim: Uống từ 5 – 10mg / lần / ngày.
- Liều cho người bị đau thắt ngực mãn tính do co mạch: Dùng liều 10mg / lần / ngày.
2.2 Hướng dẫn dùng thuốc TV Amlodipin hiệu quả
Thuốc TV Amlodipin được bào chế dưới dạng viên nang cứng nên được dùng bằng đường uống. Bởi thuốc không bị ảnh hưởng từ thức ăn, do đó bệnh nhân có thể uống TV Amlodipin cùng bữa hoặc sau khi ăn.
Nên uống thuốc TV Amlodipin đều đặn mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý bỏ liều, tăng liều hoặc giảm liều thuốc. Việc tăng liều thuốc TV Amlodipin có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc do quá liều. Khi xảy ra tình huống này, bệnh nhân cần nhanh chóng đến bác sĩ để được xử trí.
Thông thường, quá liều thuốc TV Amlodipin sẽ được giải quyết bằng cách điều trị các triệu chứng trên tim mạch, điều chỉnh chất điện giải, theo dõi tim mạch bằng điện tâm đồ và uống than hoạt. Nếu xảy ra hiện tượng block tim hoặc chậm tim, bệnh nhân cần được tiêm tĩnh mạch Atropin từ 0,5 - 1mg. Đối với trường hợp quá liều bị giảm thể tích tuần hoàn, người bệnh sẽ được truyền dung dịch Natri Clorid 0.9%, thậm chí đặt máy tạo nhịp tim nếu cần thiết. Khi huyết áp bị hạ thấp nghiêm trọng cần nhanh chóng xử lý cho bệnh nhân bằng cách tiêm tĩnh mạch dung dịch Natri Clorid 0,9%. Nếu không cải thiện có thể phối hợp sử dụng Isoprenalin với Amrinon.
3. Tác dụng phụ có nguy cơ xuất hiện khi điều trị bằng TV Amlodipin
Dưới đây là một số tác dụng phụ ngoại ý có thể xảy ra khi dùng thuốc TV Amlodipin, bao gồm:
- Phù cổ chân mức độ nhẹ cho đến trung bình.
- Cảm giác nóng bừng mặt.
- Chuột rút.
- Khó thở.
- Nhức đầu.
- Mệt mỏi.
- Suy nhược.
- Đau bụng.
- Đánh trống ngực.
- Khó tiêu.
- Buồn nôn hoặc nôn ói.
- Đau cơ.
- Đau ngực.
- Hạ huyết áp quá mức.
- Đau khớp.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Nhịp tim nhanh.
Nếu trong thời gian điều trị, bệnh nhân nhận thấy có bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào xuất hiện, hãy nhanh chóng báo cho bác sĩ biết để được hỗ trợ.
4. Cần làm gì để dùng thuốc TV Amlodipin an toàn?
Để sử dụng thuốc TV Amlodipin an toàn và đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Không sử dụng rượu bia hay các thức uống chứa cồn khác bởi chúng có thể làm giảm huyết áp và gia tăng các tác dụng phụ của thuốc.
- Chỉ nên dùng thuốc TV Amlodipin cho trẻ em trên 6 tuổi.
- Thận trọng khi sử dụng TV Amlodipin cho người bị suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp, hẹp động mạch chủ và suy gan.
- Trong thời gian dùng thuốc, bạn cần áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý để kiểm soát tốt mức huyết áp.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi điều trị bằng thuốc TV Amlodipin.
- Hạn sử dụng của TV Amlodipin là 36 tháng kể từ ngày sản xuất ghi trên bao bì. Bệnh nhân cần tránh dùng thuốc quá hạn, biến dạng hoặc bị móp méo.
- Thuốc TV Amlodipin khi dùng trong thai kỳ có thể làm giảm tưới máu bào thai dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy cho thai nhi. Do đó, bác sĩ thường khuyến cáo phụ nữ mang thai, nhất là 3 tháng đầu tiên cần tránh dùng TV Amlodipin.
- Hiện chưa có thông tin cụ thể về việc tích lũy Amlodipin trong sữa mẹ. Do đó, phụ nữ đang nuôi con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
5. Thuốc TV Amlodipin có thể tương tác với thuốc nào?
Bạn cần thận trọng khi phối hợp sử dụng thuốc TV Amlodipin với những thuốc sau:
- Các loại thuốc có tính liên kết cao với protein huyết tương.
- Thuốc gây tê có thể làm giảm huyết áp nghiêm trọng khi dùng chung với Amlodipin.
- Thuốc chống viêm NSAIDs, điển hình là Indomethacin có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng hạ huyết áp của thuốc TV Amlodipin.
- Thuốc Lithi có thể gây tiêu chảy, độc thần kinh, buồn nôn và nôn ói khi dùng cùng với TV Amlodipin.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.