Thuốc Turatam thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn điển hình như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da,... Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để sớm điều trị khỏi bệnh.
1. Thuốc Turatam là thuốc gì?
Turatam thuộc nhóm thuốc kháng nấm, kháng vi rút, trị ký sinh trùng và chống nhiễm khuẩn. Thuốc Turatam được nghiên cứu và sản xuất bởi Demo S.A. Pharmaceutical Industry – Hy Lạp dưới dạng bột pha tiêm, mỗi hộp bao gồm một lọ.
Hiện nay, thuốc Turatam được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn do chủng vi khuẩn nhạy cảm gây ra, chẳng hạn như các chủng vi khuẩn Gram âm (Moraxella catarrhalis, Influenza), Streptococci hiếu khí Gram dương hoặc taphylococci nhạy cảm với methicillin,... Thành phần dược chất chính trong thuốc Turatam, bao gồm:
- Sulbactam (dạng Natri sulbactam) hàm lượng 1g.
- Ampicillin (dạng Natri ampicillin) hàm lượng 2g.
2. Thuốc Turatam có tác dụng gì?
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Turatam
Thuốc Turatam có tác dụng gì? Hiện nay, thuốc Turatam thường được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn điển hình sau:
- Nhiễm khuẩn hệ hấp hấp trên và dưới, chẳng hạn như viêm tai giữa, viêm mũi – xoang hàm, nhiễm khuẩn phổi, viêm nắp thanh quản.
- Nhiễm khuẩn ổ bụng, chẳng hạn như viêm túi mật, viêm màng bụng, nhiễm khuẩn vùng chậu, viêm màng trong dạ con.
- Nhiễm khuẩn hệ niệu sinh dục.
- Viêm thận – bể thận.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Nhiễm khuẩn mô mềm hoặc da.
- Nhiễm khuẩn xương khớp.
- Nhiễm khuẩn do lậu cầu.
- Dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu thuật, bao gồm cả nhiễm khuẩn màng bụng.
- Dự phòng nhiễm khuẩn sau khi kết thúc thai kỳ / mổ lấy thai.
2.2. Chống chỉ định sử dụng thuốc Turatam
Không nên dùng thuốc Turatam cho các đối tượng sau khi chưa tham khảo ý kiến của thầy thuốc:
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng Penicillin hoặc các thành phần có trong thuốc Turatam.
- Chống chỉ định dùng thuốc Turatam cho người mắc bệnh bạch cầu Lympho.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Turatam
3.1. Liều dùng thuốc Turatam theo khuyến cáo
Liều dùng khuyến nghị của thuốc Turatam là từ 1,5 – 12g / ngày, chia thành nhiều liều cách nhau mỗi 6 – 8 giờ. Các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ có thể dùng thuốc Turatam mỗi 12 giờ.
- Liều cho trẻ em: Đối với hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em sẽ được điều trị bằng liều 150mg / kg thể trọng / ngày bằng đường tiêm tĩnh mạch. Cụ thể, dùng 50mg Sulbactam và 100mg Ampicillin / kg thể trọng. Đối với bệnh nhi nên dùng thuốc mỗi 6 – 8 giờ, tuy nhiên không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Liều cho bệnh nhân suy thận: Dùng thuốc dựa trên độ thanh thải creatinin huyết thanh. Mức creatinin > 30ml / phút dùng liều từ 1,5 – 3g mỗi 6 – 8 giờ; mức creatinin từ 15 – 29ml / phút dùng liều từ 1,5 – 3g mỗi 12 giờ; mức creatinin từ 5 – 14ml / phút dùng liều từ 1,5 – 3g mỗi 24 giờ.
3.2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Turatam an toàn và hiệu quả
Thuốc Turatam thường được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân nên điều trị liên tục bằng thuốc Turatam trong vòng 48 giờ khi đã giải quyết được các triệu chứng sốt cũng như những vấn đề khác. Liệu trình điều trị nên kéo dài từ 5 – 14 ngày, thậm chí hơn hoặc có thể sử dụng thêm Ampicillin nếu bị nhiễm khuẩn nặng.
3.3. Cách xử trí quá liều thuốc Turatam
Việc sử dụng quá liều thuốc Turatam có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp Natri Ampicillin hoặc Natri Sulbactam. Quá liều thuốc Turatam chủ yếu làm tăng các tác dụng phụ của thuốc. Nếu nồng độ kháng sinh Betalactam trong dịch não tuỷ tăng cao có thể khiến bệnh nhân gặp phải các vấn đề về thần kinh và co giật. Ngoài ra, cả Sulbactam và Amoxicillin đều bị thải trừ khi thẩm phân máu. Điều này có thể làm tăng thải trừ thuốc đối với những bệnh nhân bị suy chức năng thận.
Khi có triệu chứng bất thường sau khi tiêm / truyền quá liều Turatam, bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để sớm có biện pháp khắc phục.
4. Những tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi dùng thuốc Turatam
Trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn bằng thuốc Turatam, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoại ý dưới đây:
- Phản ứng toàn thân như sốc phản vệ, phản ứng phản vệ, co giật, phản ứng trên hệ thần kinh ngoại biên và trung ương.
- Phản ứng phụ trên hệ tiêu hoá như buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, viêm ruột kết, viêm ruột kết màng giả.
- Phản ứng trên hệ bạch huyết và tạo máu như giảm lượng tiểu cầu, thiếu máu tiêu huyết, thiếu máu, tăng bạch cầu ưa acid, dương tính trực tiếp với COOMBs, giảm bạch cầu.
- Phản ứng phụ trên đường mật hoặc gan như tăng thoáng qua men AST và ALT, tăng Alkaline phosphatase, tăng bilirubin huyết, tăng LDH, vàng da hoặc rối loạn chức năng gan.
- Phản ứng phụ trên da và cấu trúc da như hội chứng Steven-Johnson, phát ban, mẩn ngứa, hồng ban đa dạng hoặc hoại tử da.
- Phản ứng phụ trên niệu đạo như viêm thận mô kẽ.
Nếu xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào được liệt kê ở trên trong quá trình dùng thuốc Turatam, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc báo cho bác sĩ để có phương hướng xử trí thích hợp.
5. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Turatam
5.1. Cần thận trọng những gì khi điều trị bằng thuốc Turatam?
Trước cũng như trong thời gian sử dụng thuốc Turatam điều trị nhiễm khuẩn, người bệnh cần tuân thủ theo các khuyến cáo dưới đây để đảm bảo an toàn và sớm đạt kết quả:
- Cần cấp cứu ngay lập tức khi xuất hiện các phản ứng phản vệ nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể sử dụng Adrenalin, tiêm tĩnh mạch Corticosteroids, thở oxy, kiểm soát đường thở hoặc đặt ống thông khí.
- Giống như những chế phẩm kháng sinh khác, cần giám sát thường xuyên nhằm sớm phát hiện sự phát triển quá mức của các chủng vi khuẩn nhạy cảm, bao gồm cả nấm. Ngưng dùng thuốc ngay để tìm kiếm biện pháp điều trị thích hợp nếu xảy ra tình trạng bội nhiễm.
- Không sử dụng thuốc Turatam để điều trị bệnh tăng bạch cầu đơn nhân xảy ra do nhiễm siêu vi. Đa phần các trường hợp mắc phải tình trạng này thường bị phát ban trên da khi sử dụng Penicillin.
- Thận trọng khi dùng thuốc Turatam cho bệnh nhân bị suy gan, suy thận nặng, phụ nữ có thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ đang nuôi con bú.
5.2. Turatam tương tác với các loại thuốc nào?
Một số loại thuốc khác có nguy cơ xảy ra phản ứng tương tác khi dùng chung với Turatam, bao gồm:
- Thuốc Alopurinol khi phối hợp sử dụng cùng Ampicillin có thể làm tăng tần suất phát ban.
- Thuốc Aminoglycosides khi trộn cùng với Ampicillin có thể làm bất hoạt lẫn nhau. Nếu phải dùng đồng thời các thuốc kháng sinh này bằng đường tiêm, tốt nhất nên tiêm ở vị trí khác sao cho cách nhau ít nhất 1 giờ.
- Thuốc chống đông máu khi dùng chung với Penicillin có thể gây thay đổi sự kết tập tiểu cầu và làm ảnh hưởng đến thử nghiệm đông máu.
Thuốc Turatam thường được kê đơn sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm khuẩn điển hình như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da,... Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.