Thuốc Bacsulfo có thành phần chính là Cefoperazon 1g và Sulbactam 0,5g. Thuốc được chỉ định trong việc điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
1. Bacsulfo là thuốc gì?
Thuốc Bacsulfo là sản phẩm được sản xuất tại Chi nhánh 3 - Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm Bình Dương. Thuốc có thành phần chính là Cefoperazon 1g và Sulbactam 0,5g.
Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm. Với những thành phần hoạt chất có trong thuốc nên Bacsulfo có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn.
2. Chỉ định của Bacsulfo và chống chỉ định sử dụng thuốc Bacsulfo
2.1. Chỉ định của thuốc Bacsulfo
Nhờ các thành phần hoạt chất có trong thuốc Bacsulfo nên được chỉ định điều trị các bệnh lý như sau:
- Nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp.
- Viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm.
- Viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, viêm nhiễm khuẩn khác ở đường sinh dục nữ.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Nhiễm khuẩn Enterococcus.
2.2.Chống chỉ định của Bacsulfo 1g/0,5g
Thuốc Bacsulfo có chống chỉ định với những người bệnh mẫn cảm với các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin và beta-lactam.
3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Bacsulfo
Vì thuốc Bacsulfo được bào chế dưới dạng bột pha tiêm nên thuốc được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp và truyền tĩnh mạch chậm.
Liều dùng cụ thể với từng đối tượng như sau:
- Người lớn: Phần lớn các loại bệnh nhiễm khuẩn sẽ đáp ứng với liều từ 2 đến 4 g/ngày nên có thể chia thành 2 lần cách nhau 12 giờ và dùng trong 7 ngày. Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng nặng thì có thể điều chỉnh liều tăng lên 6 – 16g. Khi thực hiện tiêm tĩnh mạch, chia liều thành 2 – 4 lần/ngày và dùng kéo dài trong 7 -14 ngày.
- Trẻ em: Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào về hiệu quả, cũng như độ an toàn của thuốc Bacsulfo khi dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi.
- Người cao tuổi: Ở người già, người cao tuổi không cần chỉnh liều
- Suy thận: Người bệnh suy thận không cần chỉnh liều, bởi vì Cefoperazon có thể thẩm tách nhẹ. Theo đó, khuyến cáo dùng thêm liều sau khi đã hoàn thành đợt thẩm tách.
- Suy gan: Suy giảm chức năng gan khiến thời gian bán hủy trong huyết thanh kéo dài khoảng 2 – 4 lần. Do đó, cần xem xét giảm liều trong trường hợp người bệnh bị suy giảm chức năng gan. Đối với bệnh nhân bị suy gan kèm theo bệnh suy thận thì việc giảm liều gần như là chỉ định bắt buộc. Tuy nhiên, cần chú ý không được vượt quá 1 -2 g/ngày, trừ khi trường hợp nồng độ thuốc trong huyết thanh được theo dõi chặt chẽ thông qua các biện pháp đo nồng độ thuốc trong máu.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Bacsulfo
Trong quá trình sử dụng thuốc Bacsulfo thì người bệnh cần lưu ý:
- Cần cẩn trọng khi dùng cefoperazon và sulbactam cho người bệnh bị dị ứng với penicillin.
- Tình trạng viêm ruột kết màng giả đã được báo cáo ở người bệnh sử dụng cefoperazon và các loại kháng sinh phổ kháng khuẩn rộng khác.
- Các phản ứng giống disulfiram đã được báo cáo ở những bệnh nhân sử dụng rượu trong vòng 72 tiếng sau khi dùng cefoperazon.
- Người bệnh cần được khuyến cáo không nên sử dụng rượu và các chất kích thích khi sử dụng thuốc tiêm cefoperazon/sulbactam.
- Phụ nữ có thai: Hoạt chất Cefoperazon và sulbactam có thể đi qua được nhau thai. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có đầy đủ các nghiên cứu có kiểm soát tốt ở những bà mẹ mang bầu. Bởi các nghiên cứu của động vật không thể sử dụng hoàn toàn với con người. Vì thế, chỉ sử dụng thuốc này ở phụ nữ đang mang thai khi thật sự cần thiết.
- Phụ nữ đang cho con bú: Một lượng nhỏ cefoperazon và sulbactam có thể tiết được vào sữa mẹ. Mặc dù khá ít nhưng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc cho những sản phụ đang cho con bú.
- Tài xế lái xe và và vận hành máy móc: Thận trọng khi sử dụng thuốc Bacsulfo cho người lái xe và vận hành máy móc.
5. Tác dụng phụ của thuốc Bacsulfo
Trong quá trình sử dụng, thuốc Bacsulfo có thể xảy ra một số tác dụng phụ như sau:
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu
- Sốt, ngứa, phát ban, nổi mề đay.
- Buồn nôn và nôn.
Ngoài những tác dụng phụ kể trên thì trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Vì vậy, trong quá trình sử dụng nếu có các triệu chứng bất thường thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí sớm.
6. Tương tác của Bacsulfo
- Aminoglycosid: Khi dùng đồng thời Aminoglycosid với cefoperazon có thể làm tăng độc tính trên thận.
- Sử dụng đồng thời với các loại thuốc kháng đông làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Sử dụng đồng thời thuốc bacsulfo với các thuốc lợi tiểu quai có thể làm tăng độc tính trên thận.
- Không nên dùng chung thuốc bacsulfo với rượu từ 72h trở lên, vì gây ra phản ứng disulfiram.
7. Xử trí khi quên liều và quá liều thuốc
7.1. Xử trí khi quên liều
Trong trường hợp quên liều thuốc thì người bệnh cần dùng thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với thời gian sử dụng liều thuốc kế tiếp thì người bệnh cần bỏ qua liều đã quên, dùng liều thuốc tiếp theo như bình thường. Tuyệt đối không dùng gấp đôi liều thuốc để bù lại.
7.2. Xử trí khi quá liều
Trường hợp người bệnh dùng quá liều thuốc xảy ra do bệnh nhân suy thận thì có thể sử dụng thẩm phân máu để loại bỏ cefoperazon và sulbactam ra khỏi cơ thể.
Các triệu chứng quá liều thuốc bao gồm tăng kích thích thần kinh cơ, co giật, nhất là ở người mắc bệnh suy thận.. Do đó, khi sử dụng thuốc quá liều và gây ra các triệu chứng bất thường thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Tóm lại, thuốc Bacsulfo có thành phần chính là Cefoperazon 1g và Sulbactam 0,5g. Thuốc được chỉ định trong việc điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.