Công dụng thuốc Triapremin

Triapremin là thuốc bôi da thường được chỉ định trong các bệnh lý viêm da có đáp ứng với Corticosteroid. Vậy cơ chế tác động và cách sử dụng thuốc như thế nào để đạt được hiệu quả, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Triapremin là thuốc gì?

Triapremin có thành phần chính bao gồm: Betamethasone, Clotrimazole, Gentamicin.

Thành phần Betamethasone:

  • Là một Corticosteroid thượng thận, dẫn chất tổng hợp của Prednisolon, có tác dụng kháng viêm, liều cao có thể gây ức chế miễn dịch.
  • Betamethason dễ dàng hấp thu qua đường tiêm, đường uống cũng như bôi da. Sau khi sử dụng thuốc phân bố vào hầu hết các mô trong cơ thể, liên kết với protein huyết tương chủ yếu là globulin; qua được nhau thai và bài xuất vào sữa mẹ.
  • Khi bôi da, nếu băng kín vùng bôi, da bị rách hoặc thụt trực tràng,... betamethason có thể được hấp thu đủ cho tác dụng toàn thân. Thuốc chuyển hóa chậm chủ yếu ở gan và cuối cùng thải trừ qua đường nước tiểu.

Thành phần Clotrimazole;

  • Là dẫn chất tổng hợp của imidazole tác dụng kháng nấm phổ rộng, ức chế sự phát triển của hầu hết các loại vi nấm gây bệnh ở người như: dermatophytes, Malassezia furfur, nấm men, Candida species, Microsporum canis, Trichophyton rubrum,...
  • Thuốc tác động thông qua cơ chế ức chế làm thay đổi tính thấm của màng tế bào, ngăn cản sự hình thành vách tế bào của vi nấm. Sau khi bôi thuốc được hấp thu nhưng không tìm thấy trong huyết thanh do nồng độ thuốc thấp, không vào hệ tuần hoàn.

Thành phần Gentamicin:

  • Là kháng sinh nhóm Aminoglycosid - hoạt động thông qua cơ chế ngăn chặn quá trình sinh tổng hợp nên protein của các tế bào vi khuẩn.
  • Thuốc có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gram dương, gram âm, Actinomyces và Mycoplasma.

Phối hợp cả 3 thành phần trong thuốc Triapremin làm tăng hiệu quả kháng viêm, diệt nấm khi có các biểu hiện nhiễm trùng bội nhiễm trên da.

2. Chỉ định của thuốc Triapremin

Triapremin được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý sau

  • Bệnh lý viêm da dị ứng: eczema, hăm da,...
  • Nhiễm trùng thứ phát trên da do các bệnh lý viêm da có đáp ứng với corticoid.
  • Nấm da, lang ben.

3. Chống chỉ định của thuốc Triapremin

Không sử dụng Triapremin trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng với thành phần Betamethasone, Clotrimazole, Gentamycin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Không bôi lên vùng da bị trầy xước, loét, vết thương hở, bị mẫn cảm.
  • Bệnh lý Eczema tai ngoài có thủng màng nhĩ.
  • Trẻ em, trẻ nhũ nhi không có chỉ định dùng thuốc Triapremin.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Triapremin:

  • Sử dụng thuốc đều đặn, liên tục và đúng chỉ dẫn trên vùng da bị bệnh để đạt hiệu quả điều trị.
  • Không bôi thuốc Triapremin lên mắt, vùng niêm mạc.
  • Thành phần Betamethasone có thể qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ. Vì vậy cần cân nhắc lợi ích trước khi sử dụng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Không bôi thuốc trên diện rộng, sau khi bôi không băng kín.

4. Tương tác thuốc của Triapremin

  • Kháng sinh nhóm Clindamycin, Canxi và các chế phẩm của nó sẽ làm giảm tác dụng của thành phần Gentamicin có trong thuốc.
  • Khi sử dụng chung bất cứ loại thuốc bôi nào khác trên da cần có chỉ định của bác sĩ và thời gian bôi cách nhau ít nhất 2 giờ.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Triapremin được bào chế dưới dạng kem bôi da.
  • Làm sạch và lau khô vùng da điều trị. Bôi thuốc đúng vị trí da bị tổn thương theo chỉ định của bác sĩ, không bôi lên mắt và niêm mạc.

Liều dùng:

  • Bôi thuốc vào vị trí da tổn thương ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.

6. Tác dụng phụ của thuốc Triapremin

Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Triapremin

  • Phản ứng dị ứng, ban đỏ, ngứa.
  • Nổi mày đay, khô da, viêm nang lông, rậm lông, mịn.
  • Giảm sắc tố da, viêm da bội nhiễm, teo da.
  • Giảm sắc hồng cầu.
  • Bệnh da vảy cá.

Tóm lại, Triapremin là kem bôi da thường được chỉ định trong các bệnh lý viêm da có biến chứng nhiễm trùng, nấm da, lang ben,... Thuốc sử dụng ngoài da nhưng vẫn có thể hấp thụ toàn thân, vì vậy tránh lạm dụng thuốc để gây ra các tác dụng không mong muốn cho cơ thể.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe