Tiantone chứa hoạt chất Nabumetone, một loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, thường được chỉ định điều trị các triệu chứng viêm cấp hay mạn tính trong bệnh lý viêm xương khớp.
1. Thuốc Tiantone là thuốc gì?
Tiantone là một loại NSAID (thuống kháng viêm không steroid), thuốc ức chế chủ yếu sự tổng hợp prostaglandin. Tiantone được bào chế dưới dạng viên nén và sử dụng bằng đường uống. Với thành phần Nabumetone, Tiantone có tác dụng chính giảm đau, kháng viêm.
Khi uống Tiantone, Nabumetone sẽ được hấp thu qua ruột non là chính, sau đó nhanh chóng chuyển hóa tại gan, tạo thành 6-methoxy-2-naphthylacetic acid (6-MNA), vì vậy mà Nabumetone không được tìm thấy trong huyết tương. 6-MNA là chất chuyển hóa có hoạt tính chính, nó ức chế mạnh đối với sự tổng hợp prostaglandin thông qua việc gắn kết mạnh giữa 6-MNA với protein huyết tương và phân bố đến các mô bị viêm. Tỷ lê 6-MNA gắn với protein huyết tương lên đến 99%. Sử dụng chung Tiantone với thức ăn có thể làm tăng tỷ lệ hấp thu của thuốc cũng như làm tăng 6-MNA trong huyết tương, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của Nabumetone thành 6-MNA. Một điểm đáng lưu ý là 6-MNA qua được nhau thai và nó cũng được tìm thấy trong sữa mẹ.
Thuốc chủ yếu thải trừ qua nước tiểu. Khoảng 75%-80% liều đánh dấu đã được tìm thấy trong nước tiểu sau thời gian 48 giờ. Bệnh nhân uống liều 1000-2000mg Nabumetone có độ thanh thải huyết tương khoảng 20-30mL/phút, thời gian bán thải của thuốc khoảng 24 giờ.
2. Thuốc Tiantone công dụng là gì?
Tiantone có công dụng giảm đau, chống viêm. Tiantone được xếp vào nhóm giảm đau không gây nghiện, được chỉ định trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp, đau nhức hay viêm xương khớp, đau do chấn thương.
3. Liều lượng - cách dùng thuốc Tiantone
Liều dùng thuốc Tiantone cần được điều chỉnh ở các đối tượng khác nhau. Liều tham khảo như sau:
- Người lớn: 2 viên/ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ. Đối với trường hợp nặng và kéo dài có thể dùng thêm 1-2 viên vào buổi sáng, tổng liều 3-4 viên/ngày.
- Người già: Không dùng quá 2 viên/ngày. Bệnh nhân suy thận với mức lọc cầu thận < 30mL/phút cần giảm liều.
Thuốc Tiantone có thể uống lúc đói hoặc no đều được.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng Tiantone
- Hệ tiêu hóa: Tiantone có thể khiến cho bệnh nhân khó tiêu, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân có thể đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, ợ hơi gặp trong viêm thực quản hay loét dạ dày tá tràng, thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Hiếm khi xuất hiện tình trạng thủng dạ dày. Các tác dụng phụ thường nặng nề hơn ở người lớn tuổi.
- Huyết học: Thỉnh thoảng việc Tiantone có thể liên quan với thiếu máu, giảm bạch cầu hay tiểu cầu. Nếu phối hợp Tiantone với các thuốc độc tính trên tủy xương như Methotrexat, sự giảm các dòng tế bào máu có thể nặng nề hơn.
- Da: Tiantone có thể gây ngứa, ban da, mày đay, viêm miệng. Các biểu hiện trên da khá đa dạng, đôi khi còn biểu hiện tình trạng bỏng rộp như trong hội chứng Stevens Johnson hoặc nhiễm độc hoại tử biểu bì.
- Hô hấp: Cơn hen cấp có thể khởi phát ở một số bệnh nhân dùng kết hợp thuốc kháng viêm không steroid với Aspirin.
- Hệ thần kinh trung ương: Tiantone đôi khi gây nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ù tai.
- Tim mạch: Thỉnh thoảng Tiantone có thể gây phù, tăng huyết áp, tăng nhịp tim.
- Gan: Tiantone dùng dài ngày có thể làm tăng transaminase hoặc billirubin máu tạm thời, tuy nhiên rất hiếm khi bị viêm gan.
- Thận: Tiantone thỉnh thoảng làm rối loạn chức năng thận, hoặc liên quan với hội chứng thận hư, nhưng hiếm khi gây suy thận.
- Rối loạn thị lực: Việc dùng thuốc Tiantone đôi khi ảnh hưởng thị giác, viêm kết mạc.
5. Chống chỉ định, thận trọng khi dùng Tiantone
Chống chỉ định dùng Tiantone đối với bệnh nhân quá mẫn với thành phần thuốc, người dị ứng Aspirin hay các NSAID khác.
Các đối tượng cần thận trọng khi sử dụng Tiantone bao gồm:
- Hen phế quản: Thận trọng dùng Tiantone đối với bệnh nhân hen phế quản, người có tiền sử hen.
- Suy thận: Bệnh nhân suy thận cũng là đối tượng cần lưu ý khi dùng Tiantone, nếu mức lọc cầu thận dưới 30ml/phút cần giảm liều Tiantone cho phù hợp.
- Suy gan: Cũng cần chú ý theo dõi cẩn thận bệnh nhân suy gan khi sử dụng Tiantone.
- Bệnh đường tiêu hóa: Thận trọng khi dùng thuốc Tiantone ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa.
- Phù ngoại vi: Hết sức lưu ý việc sử dụng Tiantone ở những bệnh nhân đang có tình trạng ứ dịch, có thể gặp trong bệnh lý suy tim hay tăng huyết áp.
- Phụ nữ có thai, cho con bú: Trên động vật thí nghiệm, Nabumetone không gây quái thai và chất chuyển hóa của thuốc được tìm thấy trong sữa. Tuy nhiên, tính an toàn của Nabumetone trên đối tượng phụ nữ có thai hay cho con bú vẫn chưa rõ ràng, vì vậy không nên dùng Tiantone trong thai kỳ hoặc đang cho con bú.
- Người lái xe, vận hành máy móc: Tiantone có thể gây tác dụng phụ chóng mặt, nhức đầu hay rối loạn thị giác. Bệnh nhân gặp tác dụng không mong muốn này của thuốc thì không nên lái xe, vận hành máy móc.
6. Tương tác thuốc
Việc phối hợp giữa Tiantone hay các thuốc chứa hoạt chất Nabumetone với một số loại thuốc khác có thể gây tương tác. Cụ thể:
- Warfarin: Thận trọng khi dùng Warfarin với Nabumetone cũng như các thuốc kháng viêm không steroid khác.
- Thuốc ức chế men chuyển: Các loại NSAID như Nabumetone có thể làm giảm tác dụng của thuốc ức chế men chuyển.
- Aspirin, hay các NSAID khác: Khi dùng Nabumetone đồng thời với thuốc NSAID khác có khả năng làm tăng tác dụng phụ.
- Thuốc lợi tiểu: Nabumetone có thể làm giảm tác dụng của các loại thuốc lợi tiểu như Furosemide, Thiazide.
- Lithium: Nabumetone cũng như NSAID khác có thể làm tăng xuất hiện triệu chứng ngộ độc của Lithium.
- Methotrexate: NSAIDs trong đó có Nabumetone có thể gây ra độc tính của Methotrexate
- Corticosteroid: Phối hợp Nabumetone với các loại thuốc có chứa corticoid có thể làm gia tăng tác dụng phụ trên hệ tiêu hoá.
Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Tiantone. Lưu ý, Tiantone là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.