Thuốc Thalidomide là một thuốc có tác dụng điều hòa sự miễn dịch, chống viêm nhiễm, chống tăng sinh mạch, ngoài ra nó còn có tác dụng giảm đau và gây buồn ngủ. Để hiểu rõ hơn thuốc Thalidomide là thuốc gì? Công dụng thuốc Thalidomide là gì? Các tương tác có hại của thuốc Thalidomide? Cách uống thế nào là đúng? Những đặc điểm cần quan tâm, lưu ý khi dùng? Bài viết bên dưới sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc Thalidomide.
1. Tác dụng của thuốc Thalidomide
1.1. Tác dụng của thuốc Thalidomide là gì?
Thalidomide được dùng để điều trị, ngăn ngừa các chứng bệnh ở da và có liên quan đến bệnh Hansen hay nó còn gọi là bệnh phong cùi. Điều trị các biểu hiện ngoài da cấp tính mức độ trung bình đến nặng ở bệnh nhân phong thể nốt ban đỏ, ngoài ra nó còn dùng để điều trị duy trì để dự phòng và ức chế các biểu hiện ngoài da của thể phong này tái phát.
Thuốc còn được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để điều trị bệnh ung thư đa u tủy. Thalidomide là loại thuốc điều chỉnh cho hệ miễn dịch, nó giúp chữa trị bệnh Hansen bằng cách làm giảm triệu chứng sưng phù, viêm và đỏ tấy. Thalidomide cũng làm giảm đi quá trình hình thành các mạch máu chuyên nuôi dưỡng các khối u.
Thuốc này còn được dùng để điều trị các chứng bệnh gây ra bởi ung thư và HIV.
Ngoài ra đối với các bệnh ung thư như: Ung thư buồng trứng, ung thư vú ở giai đoạn muộn và có di căn, u các tế bào hắc tố, ung thư tụy, u não nguyên phát, ung thư tuyến tiền liệt có phụ thuộc androgen, ung thư thận... cũng có bằng chứng cho thấy Thalidomide có tác dụng điều trị. Những chỉ định này cần phải được nghiên cứu đầy đủ về tác dụng không thuận lợi và hiệu quả điều trị cũng như liều điều trị tối ưu.
Một số tác dụng khác của thuốc tuy không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể vẫn chỉ định dùng. Người bệnh chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khi có chỉ định của bác sĩ.
1.2. Dược lý học, chế tác dụng
Thalidomide được coi là một loại thuốc an thần, đã được nhà sản xuất công bố là thuốc không có độc tính và an toàn cho phụ nữ có thai, đã được cấp phép lưu hành trên thị trường ở một số nước như Anh, Canada.
Riêng FDA Hoa Kỳ không cho phép lưu hành chính thức Thalidomide mặc dù đã được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng tại Hoa Kỳ, vì không có thông tin chính xác về tính an toàn cho thai nhi.
Thalidomide là thuốc dùng điều hòa miễn dịch, nó chống viêm, chống tăng sinh mạch, và còn có tác dụng giảm đau và gây ngủ.
Tác dụng chống ung thư của Thalidomide nó thông qua ức chế tăng sinh mạch, tác dụng trực tiếp lên khối tế bào khối u như kích thích tế bào chết theo chương trình (apoptosis).
Tác dụng ở trên các bệnh lý về da là do tác dụng điều hòa miễn dịch, như ức chế hóa ứng động bạch cầu, giảm khả năng thực bào của bạch cầu đơn nhân và bạch cầu đa nhân, mất tín hiệu gây độc tế bào, giảm sản xuất TNF-α.
Tác dụng ức chế tăng sinh mạch cũng có khi là nhân gây quái thai.
Ngoài ra, Thalidomide còn có tác dụng giảm các triệu chứng suy nhược ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn (mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn).
1.3. Dược động học
Dược động học của Thalidomide nó đã được nghiên cứu ở những đối tượng như: Người lớn sức khỏe bình thường, người trưởng thành bị phong, nam giới cao tuổi bị ung thư tiền liệt tuyến, người lớn bị nhiễm HIV.
Nghiên cứu ở những người khỏe mạnh, người nhiễm HIV, dược động học của Thalidomide có thể được mô tả tốt nhất bằng mô hình động học một ngăn, hấp thu và thải trừ bậc 1.
Hấp thu: Thalidomide được hấp thu chậm qua đường tiêu hóa khi dùng đường uống và có sự khác nhau về hấp thu ở những người bệnh khác nhau.
Thức ăn nó làm chậm lại hấp thu nhưng không làm giảm mức độ hấp thu thalidomide. Khi uống thalidomide cùng với những đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng thời gian hấp thu và nồng độ đạt đỉnh là 10% nồng độ đỉnh và AUC.
Phân bố: phân bố thalidomide ở người chưa có thông tin.
Chuyển hóa: Chuyển hóa thalidomide chưa có thông tin chính xác ở người bệnh.
Thải trừ: Thải trừ của thalidomide vẫn chưa có thông tin chính xác. Nó bài tiết rất ít qua thận và một phần được bài tiết qua mật.
2. Cách sử dụng của thuốc Thalidomide
2.1. Liều dùng
Người lớn
Điều trị cho bệnh phong thể nốt cục ban đỏ:
Liều ban đầu 100 đến 300 mg trên lần trên ngày trước khi đi ngủ (400 mg/ngày cho những bệnh nhân mức độ nặng). Người bệnh có thể trọng nhỏ hơn 50 kg liều ban đầu 100 mg/ngày. Dùng tiếp tục đến khi các triệu chứng giảm rõ rệt (thường ít nhất 2 tuần giảm liều dần, mức giảm 50 mg cho mỗi 2 đến 4 tuần một lần cho đến khi ngừng thuốc).
Người bệnh mức độ nặng hoặc có tiền sử điều trị liều cao, điều trị liều ban đầu 400 mg trên ngày, chia làm 2 - 3 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ. Người bệnh có triệu chứng bệnh trở lại trong giai đoạn giảm liều dần hoặc những bệnh nhân có tiền sử phải điều trị duy trì dài ngày nên duy trì liều tối thiểu có thể kiểm soát được các triệu chứng. Cần 3 đến 6 tháng mới giảm liều 1 lần.
Điều trị đa u tủy:
Liều thalidomide hàng ngày 200 mg uống 1 lần. Phối hợp với dexamethason 40 mg/ngày vào các ngày 1 - 4, 9 - 12, 17 - 20 của chu kỳ 28 ngày.
Điều trị bệnh Behcet’s: 100 - 400 mg/ngày.
Bệnh Crohn: 50 - 100 mg/ngày, uống buổi tối trước khi đi ngủ.
Bệnh lý mảnh ghép chống vật chủ:
100 - 1 600 mg/ngày, liều thông thường 200 mg/lần,
4 lần/ngày, có thể dùng kéo dài đến 700 ngày.
Bệnh loét áp - tơ liên quan AIDS: 200 mg/lần, 2 lần/ngày trong 5 ngày, sau đó 200 mg/ngày trong 8 tuần.
Lupus ban đỏ hệ thống: 100 - 400 mg/ngày, liều duy trì 25 - 50 mg/ngày.
Trẻ em
Trẻ em từ 12 tuổi: Giống như người lớn.
Bệnh mảnh ghép chống vật chủ: 3 mg/kg, 4 lần/ngày (liều cần hiệu chỉnh để đạt nồng độ thalidomide huyết tương không nhỏ hơn 5 microgam/ml ở 2 giờ sau khi uống). Hoặc 3 - 6 mg/kg/ngày chia làm 2 - 4 lần, liều tăng dần đến 12 mg/kg/ngày, liều tối đa 800 mg/ngày.
Bệnh Crohn/viêm đại tràng loét: Trẻ em trên 2 tuổi liều thalidomide 1,5 - 2 mg/kg/ngày.
Bệnh viêm khớp tự phát khởi phát hệ thống ở thiếu niên: Liều ban đầu 2 mg/kg/ngày, nếu cần thiết có thể tăng liều dần lên đến 3 - 5 mg/kg/ngày trong khoảng 2 tuần.
Đối tượng khác
Không cần chỉnh liều cho bệnh nhân suy gan và suy thận.
Cách dùng
Uống với nước 1 lần trong ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau bữa ăn tối ít nhất 1 giờ. Nếu liều chỉ định trên 400 mg/ngày nên chia thành 2 - 3 lần/ngày.
3. Chống chỉ định của thuốc Thalidomide
Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ có khả năng có thai (trừ khi các trị liệu thay thế khác không phù hợp và có biện pháp ngừa thai hữu hiệu trong quá trình điều trị).
- Lưu ý chung khi dùng thuốc Thalidomide
Thalidomide được biết là chất sinh quái thai, ngay cả khi chỉ uống liều đơn.
Điều trị đa u tủy bằng thalidomide có thể làm tăng nguy cơ biến cố nhồi máu như nhồi máu tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên không hồi phục có thể hay gặp ở những người điều trị lâu dài, tuy nhiên có thể gặp ở những người điều trị ngắn hạn.
Có thể gặp tình trạng chóng mặt và hạ huyết áp thế đứng khi điều trị bằng thalidomide.
Có thể gây ra giảm bạch cầu trung tính, phải ngừng điều trị nếu số lượng bạch cầu trung tính < 750/mm3. Tải lượng HIV trong máu có thể tăng lên (chưa rõ ý nghĩa lâm sàng) trong quá trình điều trị bằng thalidomide.
Phản ứng quá mẫn, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc nếu xuất hiện thì cần ngừng thuốc ngay và đánh giá tình trạng các nốt ban; ngừng hẳn thuốc nếu có tróc da, ban xuất huyết, phồng rộp da hoặc nghi ngờ có hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc.
Cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có bệnh tim mạch, có thể bị chậm nhịp tim, có trường hợp phải can thiệp bằng thuốc.
Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử co giật, điều trị đồng thời bằng các thuốc gây giảm ngưỡng co giật, hoặc những tình trạng có thể dẫn tới co giật.
4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Thalidomide
Khi dùng thuốc Thalidomide, người bệnh cần lưu ý với các trường hợp sau, hãy báo cho bác sĩ biết nếu:
- Người bệnh đang mang thai, cho con bú.
- Người bệnh dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc thalidomide;
- Người bệnh đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
- Dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
- Người bệnh đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý sau đây:
- Đông máu như: chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, chứng nghẽn mạch phổi.
- Có tiền sử bị đau tim
- HIV;
- Bạch cầu giảm thấp.
- Bệnh thần kinh ngoại biên
- Tiền sử bị co giật
- Có tiền sử đã từng đột quỵ
Tránh sử dụng Thalidomide với bất kỳ thuốc nào sau đây: Abatacept, anakinra, BCG, canakinumab, certolizumab pegol, clozapin, natalizumab, pimecrolimus, rilonacept, tacrolimus (bôi da), vắc xin sống.
Các thuốc sau có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của Thalidomide: Denosumab, dexamethason, droperidol, hydroxyzin, methotrimeprazin, pimecrolimus, roflumilast, tacrolimus (bôi da), trastuzumab.
Cộng hợp độc tính của Thalidomide với các thuốc khác liên quan rối loạn thần kinh ngoại biên, ví dụ như thuốc kháng virus (didanosin), thuốc chống ung thư loại paclitaxel, thuốc có chứa platinum (cisplatin), thuốc chứa alcaloid dừa cạn (vincristin).
Giảm tác dụng: Thalidomide có thể làm giảm tác dụng của BCG, test da coccodioidin, sipuleucel-T, vắc xin bất hoạt, vắc xin sống.
Thalidomide có thể bị giảm tác dụng bởi thảo dược echinacea.
Rượu có thể làm tăng tác dụng ức chế TKTW, do đó cần theo dõi tác dụng này khi uống rượu trong thời gian dùng thuốc.
Tránh sử dụng thalidomide cùng với loại thảo dược vuốt mèo (cat’s claw) và echinacea vì các loại thảo dược này có tác dụng kích thích miễn dịch nên làm thay đổi tác dụng của thalidomide.
- Lưu ý với phụ nữ có thai:
Chống chỉ định sử dụng thalidomide trong thời kỳ mang thai.
- Lưu ý với phụ nữ cho con bú:
Cho đến nay chưa biết thalidomide có phân bố vào sữa mẹ hay không. Cần cân nhắc giữa việc ngừng cho trẻ bú mẹ hoặc ngừng uống thuốc dựa trên mức độ quan trọng của việc dùng thalidomide đối với người mẹ.
- Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc:
Thường có tình trạng buồn ngủ, mơ màng khi điều trị bằng thalidomide. Do đó, bệnh nhân phải thật cẩn trọng trong khi thực hiện những công việc cần tập trung tinh thần cao (như vận hành máy móc hoặc lái xe).
- Quá Liều & Quên Liều Thalidomide
- Quá liều và xử trí:
Quá liều thalidomide có thể gây giấc ngủ kéo dài do tác dụng an thần và gây ngủ của thuốc.
- Cách xử lý khi quá liều:
Trong trường hợp quá liều, cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân và chăm sóc hỗ trợ thích hợp để duy trì huyết áp và tình trạng hô hấp.
- Quên liều và xử trí:
Uống bổ sung nếu quên thuốc trong vòng 12 giờ, nếu quên quá 12 giờ, bỏ qua liều đã quên để uống liều tiếp theo.
5. Tác dụng phụ của thuốc Thalidomide
- Rất thường gặp ADR > 10/100:
Tim mạch: Phù 57%, nhồi máu, tắc mạch 23%, giảm huyết áp 16%.
Thần kinh trung ương: Mệt mỏi 79%, ngủ gà 38%, buồn ngủ 4 - 20%, rối loạn thần kinh cảm giác 54%, lẫn lộn 28%, lo âu, hồi hộp 9 - 26%, sốt 19 - 23%, rối loạn thần kinh vận động 22%, đau đầu 13 - 19%.
Da: Ban đỏ/tróc da 21 - 30%, khô da 21%, trứng cá 3 - 11%.
Nội tiết và chuyển hóa: Giảm calci huyết 72%.
Tiêu hóa: Táo bón 3 - 55%, buồn nôn 4 - 28%, chán ăn 3 - 38%, sút cân 23%, tăng cân 22%, ỉa chảy 4 - 19%.
Huyết học: Giảm bạch cầu 17 - 35%, giảm bạch cầu trung tính 31%, thiếu máu 6 - 13%, sưng hạch bạch huyết 6 - 13%.
Gan: Tăng AST 3 - 25%, tăng bilirubin 14%.
Thần kinh - cơ: Yếu cơ 40%, run tay 4 - 26%, đau cơ 17%, tê đau 6 - 16%, đau khớp 13%.
Thận: Đái máu 11%.
Hô hấp: Khó thở 42%.
Khác: vã mồ hôi 13%.
- Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100:
Tim mạch: Phù ngoại biên 3 - 8%.
Thần kinh trung ương: Mất ngủ 9%, lo lắng 3 - 9%, mệt mỏi 8%, chóng mặt 8%, đau 3 - 8%.
Da: Viêm da nấm da 4 - 9%, ngứa 3 - 8%, bệnh lý móng 3 - 4%.
Nội tiết và chuyển hóa: Giảm lipid máu 6 - 9%.
Tiêu hóa: Đầy hơi 8%, đau răng 4%.
Tiết niệu - sinh dục: Bất lực, liệt dương 3 - 8%.
Gan: Chức năng gan bất thường 9%.
Thần kinh - cơ: Đau dây thần kinh 8%, đau lưng 4 - 6%, đau cổ 4%, cứng cổ 4%.
Thận: Albumin niệu 3 - 8%.
Hô hấp: Viêm thanh quản 4 - 8%, viêm mũi 4%, viêm xoang 4 - 8%.
Khác: Nhiễm trùng 6 - 8%.
- Các báo cáo về ADR sau khi thalidomide được lưu hành trên thị trường:
Suy thận cấp, tăng phosphatase kiềm, tăng ALT, mất kinh, viêm loét áp - tơ, nhịp tim nhanh, rung nhĩ, tắc đường mật, nhịp tim chậm, tăng nitơ phi protein huyết, giảm thanh thải creatinin, trầm cảm; rối loạn calci, natri, kali huyết.
- Hướng dẫn cách xử trí ADR:
Bạch cầu giảm < 750/mm3: Ngừng điều trị.
Khi điều trị bệnh đa u tủy, nếu có táo bón, ngủ nhiều quá mức, cần giảm liều hoặc tạm ngừng thuốc cho đến khi hết triệu chứng.
Số lượng bạch cầu < 1 500/mm3: Ngừng melphalan và prednisolon 1 tuần, dùng lại khi bạch cầu > 1 500/mm3 được 1 tuần.
Rối loạn thần kinh ngoại biên nếu ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng đến chức năng hoạt động hàng ngày thì cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng, nếu từ mức độ 2 trở lên (rối loạn chức năng, liệt thần kinh ngoại biên) phải ngừng điều trị thalidomide.
Các biến cố nhồi máu tắc mạch: Ngừng thalidomide và điều trị ban đầu thuốc chống đông máu. Sau khi đã giải quyết được biến cố nhồi máu và bệnh nhân ổn định có thể dùng lại liều thalidomide ban đầu, đồng thời duy trì điều trị thuốc chống đông trong thời gian dùng thalidomide.
6. Cách bảo quản thuốc Thalidomide
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 15 - 30 độ C và tránh ánh sáng.
Do đến nay chưa có thông tin về việc phơi nhiễm với thalidomide qua da hoặc hít phải qua đường hô hấp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có ảnh hưởng đến thai nhi hay không, vì vậy cần hướng dẫn bệnh nhân bảo quản thuốc cẩn thận, không để bừa bãi, không mở viên nang chứa thalidomide; để viên nang ở trong vỉ cho đến khi uống.
Do tác dụng gây dị dạng thai nhi nếu uống thalidomide trong thời gian mang thai, vì vậy cần quy định việc bảo quản thuốc chặt chẽ để đảm bảo rằng thai nhi không bị phơi nhiễm với thalidomide.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.