Công dụng thuốc Teniposide

Thuốc Teniposide thuộc nhóm thuốc chống ung thư và là thuốc dùng đơn trị hoặc dùng kết hợp với các thuốc chống ung thư khác trong điều trị bệnh u lympho và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Để hiểu rõ hơn thuốc Teniposide là thuốc gì? Công dụng thuốc Teniposide là gì? Các tương tác có hại của thuốc Teniposide? Cách uống thế nào là đúng? Những điểm gì mà bạn cần quan tâm, và lưu ý khi dùng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuốc Teniposide.

1. Tác dụng của thuốc Teniposide

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Teniposide (Teniposid)

Loại thuốc: Thuốc chống ung thư

Dạng thuốc và hàm lượng: Ống tiêm 50 mg/5 ml (để truyền tĩnh mạch sau khi đã pha loãng). Teniposid là thuốc độc tế bào, đặc hiệu theo giai đoạn, tác động ở cuối giai đoạn S hoặc đầu giai đoạn G2 của chu trình tế bào, do vậy ngăn tế bào đi vào gián phân. Teniposid tùy theo liều dùng phá vỡ sợi kép và đơn trong DNA và trong liên kết chéo DNA - protein. Cơ chế tác dụng chính xác của teniposid vẫn chưa được biết, có thể do ức chế hoạt tính của topoisomerase II vì teniposid không xen vào giữa DNA hoặc không liên kết mạnh với DNA. Tác dụng độc tế bào của teniposid liên quan đến số lượng tương đối của sợi đôi DNA bị phá vỡ trong tế bào. Ðiều đó phản ánh sự ổn định của chất trung gian topoisomerase II - DNA.

Teniposid có phổ tác dụng rộng kháng u in vivo bao gồm bệnh bạch cầu và các u đặc khác nhau. Ðáng chú ý là teniposid có tác dụng đối với dòng phụ của một vài bệnh bạch cầu kháng cisplatin, doxorubicin, amsacrin, daunorubicin, mitoxantron hoặc vincristin.

2. Cách sử dụng của thuốc Teniposide

2.1. Cách dùng thuốc Teniposide

Trước khi tiêm truyền tĩnh mạch, phải pha loãng thuốc tiêm teniposide đậm đặc bằng dung dịch tiêm dextrose 5% hoặc dung dịch natri clorid 0,9% để có nồng độ teniposide cuối cùng là 0,1; 0,2; 0,4 hoặc 1 mg/ml.

Phải đặt ống thông tĩnh mạch hoặc kim tiêm truyền tĩnh mạch cẩn thận để tránh thuốc thoát ra ngoài thành mạch, có thể gây hoại tử mô tại chỗ và/hoặc viêm tĩnh mạch huyết khối. Người bệnh phải được theo dõi cẩn thận, vì có thể tắc ở chỗ tiêm truyền tĩnh mạch, kể cả tắc ống thông tĩnh mạch, đặc biệt khi truyền lâu (ví dụ 24 giờ) với nồng độ 0,1 mg/ml hoặc 0,2 mg/ml. Dung dịch teniposide nồng độ 1,0 mg/ml phải dùng trong vòng 4 giờ để giảm khả năng kết tủa.

  • Người lớn

Đơn hóa trị liệu:

Liều thay đổi nhiều: Có thể 30 mg/m2/ngày trong 10 ngày, hoặc 30 mg/m2 cứ 5 ngày 1 lần, hoặc 50 - 100 mg/m2 tuần 1 lần. Thời gian sử dụng thuốc Teniposide để điều trị tùy theo kết quả xét nghiệm huyết học.

Đa hóa trị liệu:

Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã kháng các thuốc khác, dùng teniposide 165 mg/m2 và cytarabin 300 mg/m2 (tiêm truyền tĩnh mạch) 2 lần/tuần, cho 8 hoặc 9 liều như vậy.

Cách phối hợp khác: Teniposide 250 mg/m2 và vincristin 1,5 mg/m2 (tiêm truyền tĩnh mạch) tuần 1 lần, trong 4 - 8 tuần và uống prednison 40 mg/m2/ngày trong 28 ngày.

  • Trẻ em

Một nghiên cứu cho thấy hiệu quả của teniposide kết hợp với cytarabin ở những bệnh nhân bạch cầu cấp kháng với các phác đồ có cytarabin khác: Teniposide 165 mg/m2 và cytarabin 300 mg/m2 tiêm truyền tĩnh mạch 2 lần/tuần trong 8 - 9 tuần.

Nghiên cứu khác chứng minh hiệu quả của teniposide kết hợp với vincristin và prednisolon khi đã kháng với phác đồ có vincristin/ prednisolon khác: Teniposide 250 mg/m2 và vincristin 1,5 mg/m2 tĩnh mạch hàng tuần trong 4 - 8 tuần; prednisolon 40 mg/m2 uống trong 28 ngày.

  • Đối tượng khác

Người bệnh bạch cầu có hội chứng Down phải giảm liều.

Người bệnh rối loạn chức năng thận hoặc gan: Có thể cần phải điều chỉnh liều.

2.2. Quá liều và quên liều thuốc Teniposide

Quên liều thuốc Teniposide và xử trí

Thuốc này được thực hiện bởi nhân viên y tế nên người bệnh ít có khả năng quên liều.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Biến chứng quá liều là hậu quả của sự ức chế tủy xương.

Cách xử lý khi quá liều thuốc

Điều trị hỗ trợ với các sản phẩm máu và thuốc kháng sinh.

2.3. Tương tác thuốc Teniposide với các thuốc khác

Nên thận trọng khi dùng thuốc teniposide đồng thời với những thuốc đẩy teniposide ra khỏi liên kết protein như tolbutamid, natri salicylat và sulfamethizol dẫn đến tăng độc tính của teniposide. Không có sự thay đổi về dược động học trong huyết tương của teniposide khi dùng đồng thời với methotrexat. Tuy nhiên, độ thanh thải huyết tương của methotrexat tăng nhẹ và có sự tăng nồng độ của methotrexat trong tế bào.

Thuốc chống nôn cùng với teniposide liều cao có thể gây ức chế cấp thần kinh trung ương và hạ huyết áp.

Thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin và phenobarbital làm tăng chuyển hóa teniposide ở gan và làm giảm nồng độ thuốc trong cơ thể.

Ciclosporin làm giảm độ thanh thải của teniposide, kéo dài thời gian bán thải, tăng nồng độ huyết tương và độc tính của teniposide.

2.4. Tương tác thuốc với thực phẩm

Tenoposid dùng chung với nước bưởi chùm, có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem.

3. Chống chỉ định của thuốc Teniposide

Quá mẫn với teniposid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người mang thai.

4. Lưu ý khi sử dụng của thuốc Teniposide

  • Lưu ý chung khi dùng thuốc Teniposide

Nên sử dụng thuốc Teniposide thận trọng và cần giảm liều ở người suy chức năng thận hoặc gan; người có giảm albumin huyết; người có hội chứng Down.

Phải kiểm tra chức năng gan thường xuyên trong và sau điều trị teniposide. Nên kiểm tra chức năng thận trước, trong và sau điều trị teniposide.

  • Lưu ý với phụ nữ có thai

Teniposide có thể gây hại cho bào thai khi điều trị cho người mang thai; thuốc gây quái thai và độc tính với phôi thai ở động vật thí nghiệm, bởi vậy không được dùng teniposide cho người mang thai.

  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Vẫn chưa biết teniposide có tiết vào sữa người hay không; vì có khả năng xảy ra tác dụng có hại nghiêm trọng của thuốc đối với trẻ em, cho nên phải quyết định hoặc ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc, có xét đến tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.

  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo.

5. Tác dụng phụ của thuốc Teniposide

Bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban, khó thở, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mắc phải bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

  • Sốt, ớn lạnh, ngứa ngáy, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cảm cúm, đau miệng và họng;
  • Dễ bị thâm tím, chảy máu bất thường (mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng), nổi đốm nhỏ màu tím hoặc đỏ ở dưới da;
  • Da xanh xao, cảm giác đau đầu nhẹ hoặc thở hụt hơi, nhịp tim nhanh, giảm khả năng tập trung;
  • Nhịp tim đập nhanh hoặc thình thịch, thở khò khè, đau thắt ngực, vấn đề về hô hấp;
  • Đau đầu nặng, ù tai, lo lắng, lẫn lộn, đau ngực, nhịp tim không đều;
  • Đau nhức, nóng rát, kích thích hoặc thay đổi ở vùng da nơi tiêm thuốc;
  • Cảm giác có thể bất tỉnh;
  • Buồn nôn và nôn mửa nặng.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Đau đầu nhẹ;
  • Buồn ngủ, choáng váng, cảm giác mệt mỏi hoặc suy nhược;
  • Buồn nôn nhẹ, đau bụng, chán ăn;
  • Táo bón, tiêu chảy;
  • Rụng tóc tạm thời;
  • Phát ban nhẹ ở da.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

6. Cách bảo quản thuốc Teniposide

Teniposid ở nồng độ cuối cùng là 0,1; 0,2; 0,4 mg/ml, ổn định ở nhiệt độ phòng trong vòng 24 giờ. Dung dịch nồng độ 1,0 mg/ml phải dùng trong vòng 4 giờ sau khi pha chế để giảm khả năng kết tủa thuốc. Tuy nhiên, đã thấy trường hợp tủa xuất hiện khi pha dung dịch tiêm truyền chứa 0,2 mg/ml teniposid trong glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%. Pha dung dịch tiêm truyền teniposid nồng độ thấp hơn 0,1 mg/ml làm giảm hiện tượng này. Heparin natri có thể gây tủa teniposid. Do vậy, cần tráng kỹ bộ dịch truyền với dextrose 5% hoặc natri clorid 0,9% trước và sau khi truyền teniposid.

Teniposid đựng trong ống tiêm hàn kín (chế phẩm của nhà sản xuất trong bao gói ban đầu) ổn định cho đến ngày hết hạn ghi trên bao gói khi thuốc được bảo quản lạnh (2 – 8 oC) trong bao gói và tránh ánh sáng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe