Tenafathin có 2 dạng là thuốc Tenafathin 500 và Tenafathin 1000, chứa thành phần chính Cefalothin. Thuốc Tenafathin được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu có biến chứng,...
1. Thuốc Tenafathin là thuốc gì?
Tenafathin thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Tenafathin được bào chế dưới dạng thuốc bột pha tiêm đóng gói theo hộp 1 lọ + 1 ống nước cất pha tiêm 10ml và hộp 10 lọ + 10 ống nước cất pha tiêm 10ml.
Thuốc Tenafathin 500 có thành phần chính là Cephalothin (dưới dạng Cephalothin natri) 500mg và các thành phần tá dược khác vừa đủ 1 viên.
Thuốc Tenafathin 1000 có thành phần chính là Cephalothin (dưới dạng Cephalothin natri) 1000mg và các thành phần tá dược khác vừa đủ 1 viên.
2. Chỉ định dùng thuốc Tenafathin
Thuốc Tenafathin được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Là lựa chọn thứ 2 để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn có biến chứng.
- Thuốc Tenafathin thay thế Penicillin điều trị các nhiễm khuẩn do cầu khuẩn gram âm và trực khuẩn gram âm nhạy cảm.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Viêm màng trong tim.
- Viêm xương tủy.
- Nhiễm khuẩn nặng khác.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu như: Viêm thận, viêm bàng quang, viêm bể thận.
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi nặng, áp xe phổi.
- Nhiễm khuẩn ngoại khoa: Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, áp xe bụng, áp xe màng bụng.
- Viêm mủ màng phổi.
- Nhiễm khuẩn nặng đường ruột.
3. Liều lượng, cách dùng thuốc Tenafathin
3.1. Liều dùng thuốc Tenafathin 500
Người lớn:
- Liều thông thường: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 0,5 - 1g Cephalothin /lần, mỗi lần cách nhau 4 - 6 giờ, tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn.
- Nhiễm khuẩn nặng: Tiêm tĩnh mạch 2g Cephalothin/ lần x 4 lần/ngày.
- Bệnh đe dọa gây tử vong: Có thể tăng liều tới 12g Cephalothin/ngày. Cứ mỗi 4 giờ, tiêm 2g Cephalothin /lần.
Người lớn bị suy thận cần phải giảm liều Cephalothin:
- Tiêm tĩnh mạch 1 - 2g Cephalothin với liều khởi đầu. Sau đó điều chỉnh liều Cephalothin tiếp theo dựa vào độ thanh thải Creatinin như sau:
- Độ thanh thải Creatinin 50 - 80ml/phút: Cứ mỗi 6 giờ, tiêm 2g Cephalothin/lần.
- Độ thanh thải Creatinin 25 - 50ml/phút: Cứ mỗi 6 giờ, tiêm 1,5g Cephalothin/lần.
- Độ thanh thải Creatinin 10 - 25ml/phút: Cứ mỗi 6 giờ, tiêm 1g Cephalothin/lần.
- Độ thanh thải Creatinin 2 - 10ml/phút: Cứ mỗi 6 giờ, tiêm 0,5g Cephalothin/lần.
- Độ thanh thải Creatinin < 2ml/phút: Cứ mỗi 8 giờ, tiêm 0,5g Cephalothin/lần.
Trẻ em:
- Liều thông thường: 80 - 160 mg Cephalothin/kg/ngày, chia làm 3 - 4 lần/ngày.
- Liều tối đa 160 mg Cephalothin/kg/ngày nhưng không được vượt quá 10 - 12g Cephalothin/ngày.
- Điều trị xơ nang trong nhiễm khuẩn phổi gây nên bởi Staphylococcus aureus: Liều 25 - 50mg Cephalothin /kg cứ mỗi 6 giờ. Tổng liều Cephalothin không vượt quá liều người lớn.
Trẻ sơ sinh:
- Tiêm tĩnh mạch 25mg Cephalothin /kg mỗi 6 giờ.
- Trẻ cần được theo dõi các triệu chứng phát ban, dị ứng trên da, các độc tính trên thận, giảm bạch cầu trung tính.
- Thử nghiệm Coombs(-) giả có thể xảy ra ở một số trường hợp.
Trẻ em suy thận vừa:
- Liều 70 - 100% liều Cephalothin bình thường trong 12 giờ.
- Trẻ đi tiểu khó dùng liều 1⁄2 Cephalothin bình thường trong 12 - 24 giờ.
Dự phòng nhiễm khuẩn hoặc có khả năng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật:
- Người lớn: Liều thông thường trước khi phẫu thuật 30 - 60 phút, tiêm tĩnh mạch 1 - 2g Cephalothin. Trong và sau phẫu thuật, cứ mỗi 6 giờ, tiêm 1 - 2g Cephalothin, sử dụng trong vòng 24 giờ.
- Trẻ em: Trước khi phẫu thuật 30 - 60 phút, tiêm tĩnh mạch 20 - 30mg Cephalothin/kg. Trong và sau phẫu thuật, cứ mỗi 6 giờ, tiêm 20 - 30mg Cephalothin /kg. Dự phòng thường ngừng Cephalothin trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
Viêm màng bụng liên quan đến thẩm tách màng bụng ở người bệnh vô niệu:
- Liều không liên tục: 15mg Cephalothin/kg trong một lần thay dịch thẩm phân/ngày.
- Liều liên tục: Liều nạp là 500mg Cephalothin và liều duy trì là 125mg Cephalothin/l dịch thẩm phân thay đổi.
Điều chỉnh liều Cephalothin trong thẩm tách:
- Liều Cephalothin duy trì được khuyến cáo đối với người bệnh sau thẩm tách máu, nhưng không thêm liều Cephalothin cho người thẩm tách màng bụng.
3.2. Liều dùng và cách dùng thuốc Tenafathin 1000
Người lớn: 0.5-1 g Cephalothin sau mỗi 4-6 giờ đồng hồ bằng phương pháp tiêm tĩnh mạch chậm trong hơn 3-5 phút hoặc bằng phương pháp tiêm liên tục hay gián đoạn. Đối với các bệnh nhiễm trùng nặng, liều lượng thuốc lên đến 12g Cephalothin mỗi ngày.
4. Chống chỉ định dùng thuốc Tenafathin
Thuốc Tenafathin không được sử dụng trong các trường hợp sau:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng, mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin và các Beta Lactam khác.
- Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần tá dược nào có trong công thức thuốc Tenafathin.
5. Tương tác thuốc Tenafathin
- Các chất kìm khuẩn dùng chung với Cephalothin có khả năng xuất hiện đối kháng tác dụng.
- Thuốc Tenafathin kết hợp với kháng sinh Aminoglycosid có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận.
- Probenecid với Tenafathin có thể gây ức chế bài tiết Cephalothin ở thận.
- Thuốc lợi tiểu quai như Furosemid kết hợp dùng chung với Tenafathin cho thấy sự tăng nhiễm độc.
- Đo nồng độ Creatinin theo phương pháp Jaffé, kiểm tra chức năng thận, phản ứng máu chéo khi dùng Cephalothin có thể gây trở ngại cho những xét nghiệm này.
- Thử nghiệm Coombs trực tiếp: Cho kết quả (-) giả.
6. Thuốc Tenafathin gây ra những tác dụng phụ nào?
Trong quá trình sử dụng thuốc Tenafathin điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau:
- Thường gặp: Đau tại chỗ tiêm bắp, đôi khi bị chai cứng, tiêu chảy, biến chứng chảy máu, tăng bạch cầu ưa eosin, ban da dạng sần.
- Ít gặp: sốt, nổi mày đay.
- Hiếm gặp: Phản ứng giống bệnh huyết thanh và phản vệ, thiếu máu tan huyết, buồn nôn và nôn, giảm bạch cầu trung tính/ tiểu cầu, thử nghiệm Coombs dương tính, viêm đại tràng màng giả, nhiễm độc thận có tăng tạm thời urê huyết/creatinin, vàng da ứ mật, viêm thận kẽ, tăng nhẹ AST, ALT, bệnh nấm Candida và đau khớp.
- Sử dụng thuốc Tenafathin với liều cao và kéo dài có thể xuất hiện cơn co giật, dấu hiệu nhiễm độc hệ thần kinh trung ương, viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm truyền tĩnh mạch.
7. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Tenafathin
Vì đã thấy có phản ứng quá mẫn chéo, sốc phản vệ giữa những người bệnh bị dị ứng với các kháng sinh nhóm Beta lactam, nên phải rất thận trọng và sẵn sàng điều trị sốc phản vệ khi dùng Tenafathin cho người trước đây đã bị dị ứng với Penicilin. Tuy nhiên Tenafathin phản ứng quá mẫn chéo với Penicilin có tỷ lệ thấp.
Thận trọng khi dùng Tenafathin cho người suy thận: Có thể phải giảm liều. Dùng kết hợp Aminoglycosid với Gentamicin có nguy cơ tăng nhiễm độc thận. Cần theo dõi chức năng thận và thời gian đông máu, nhất là trong thời gian điều trị Tenafathin dài ngày, liều cao.
Dùng Tenafathin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các chủng không nhạy cảm, vì thế người bệnh cần được theo dõi cẩn thận. Nếu xuất hiện bội nhiễm, phải ngừng thuốc Tenafathin ngay.
Đã có báo cáo tình trạng viêm đại tràng giả mạc khi sử dụng các kháng sinh phổ rộng, vì vậy cần phải chẩn đoán bệnh này và điều trị bằng Metronidazol cho người tiêu chảy nặng liên quan đến sử dụng kháng sinh.
Thời kỳ mang thai: Tenafathin được dùng ở mọi giai đoạn mang thai và thường được xem là an toàn. Không có thông báo nào về mối liên quan giữa sử dụng Tenafathin với các khuyết tật bẩm sinh hoặc độc tính trên trẻ sơ sinh.
Thời kỳ cho con bú: Tenafathin bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ thấp. Nồng độ Cephalothin không có tác động trên trẻ đang bú sữa mẹ, nhưng cần lưu ý khi thấy trẻ bị có biểu hiện tiêu chảy, tưa miệng và nổi ban.
Dung dịch Tenafathin đã pha ổn định trong thời gian từ 12 – 24 giờ ở nhiệt độ phòng 25 độ C và bảo quản trong tủ lạnh được 96 giờ, dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch trong natri clorid tiêm 0,9% hoặc glucose tiêm 5% ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Tenafathin, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng theo liều lượng đã được bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.